TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Italy: Thất nghiệp cũng không học nghề thủ công
(Ngày đăng: 31/10/2013   Lượt xem: 514)
Italy nổi tiếng về thợ thủ công. Từ đôi bàn tay của mình, họ tạo ra những kiệt tác độc nhất vô nhị, ngay cả trong thời kỳ mà phần lớn sản phẩm sản xuất hàng loạt. Nhưng thợ thủ công và nghề thủ công ở Italy đang có nguy cơ biến mất.
 

Nghề thủ công đang hấp hối và thợ thủ công cũng vậy. Người Italy, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp cao, không học nghề thủ công nữa. Giuliano Ricchi làm việc ở khu Oltrarno, Florence - nơi sản xuất ra những tác phẩm thủ công bằng kim loại từ nhiều thế kỷ nay. Đôi bàn tay anh đang giữ miếng kim loại để gắn trang trí hoa ly - biểu tượng của thành phố. Ricchi cho biết, để khắc được mảnh kim loại giống như vậy phải mất khoảng 1 tháng, hoàn toàn bằng tay. Sau đó, ông đặt nó vào bên trong chiếc máy ép từ đầu thế kỷ XX cùng với dải đồng phẳng phiu.

Hơn nửa thế kỷ trước, Ricchi bắt đầu làm việc tại xưởng này, hiện vẫn mang tên của ông chủ quá cố Carlo Cecchi. Khi đó Ricchi 15 tuổi và là một trong rất nhiều người học việc tại đây. “Ban đầu tôi học cách cắt kim loại bằng chiếc kéo đặc biệt, sau đó khắc axit. Cùng với thời gian, chúng tôi học được nghề. Nó là một trường học, thực sự là trường học”. Ricchi tiếp quản xưởng khi ông Cecchi qua đời. Ngày nay, nó là câu chuyện hoàn toàn khác. “Không ai có khả năng tiếp quản xưởng này” - Ricchi nói. Tuy nhiên, theo số liệu mới nhất của Chính phủ Italy, gần 40% thanh niên thất nghiệp; con số này ở miền nam Italy lên tới 50%, nhưng không ai muốn học nghề thủ công và tìm việc ở xưởng của Ricchi. Ngay cả con gái Ricchi cũng chọn theo đuổi nghề khác. “Nếu tôi nghỉ hưu, không gian này sẽ được chuyển thành căn hộ. Xưởng làm kim loại này sẽ biến mất. Thật buồn”.

Các xưởng sản xuất thủ công ở Florence - thành phố từng nuôi dưỡng các tài năng như Michelangelo, Da Vinci và Brunelleschi - đang dần đóng cửa. Hướng dẫn viên du lịch Luca Santiccioli giới thiệu: “Hầu hết kiệt tác thời Phục hưng được làm hoàn toàn thủ công nhờ những bàn tay khéo léo của thợ thủ công và họa sỹ”. Tuy nhiên, thanh niên Florence không thể theo nghề của tổ tiên. Các xưởng học việc không còn và các trường đại học công ở Italy không có khóa đào tạo nghề thủ công. Câu chuyện của Negar Azhar Azari sẽ nói lên tất cả. Cô là một họa sỹ đầy khao khát, sinh tại Florence, bố mẹ là người Iran di cư. Cô tìm nơi học việc nhưng rất khó khăn. Cô gõ cửa nhiều nơi nhưng chỉ nghe thấy 2 từ “không có”. Những nghệ nhân cao tuổi đơn giản không đủ điều kiện để truyền đạt kiến thức của họ cho cô trong thời gian dài. Do tình trạng quan liêu ở Italy, thuê người học việc sẽ tốn thời gian và đắt đỏ, dẫn tới giảm lợi nhuận.

Luca Santiccioli thường dẫn khách du lịch đến gặp gỡ và xem nghệ nhân trình diễn, cũng chứng kiến nhiều xưởng sản xuất biến mất. Vài năm trước, một nghệ nhân anh thường đến thăm bị ốm. Không có người tiếp quản công việc, ông buộc phải đóng cửa xưởng nghề có tuổi thọ 1 thế kỷ. Santiccioli đã cầu xin ông chủ của mình, Context Travel, giúp anh giữ lại xưởng thủ công này. Context hiện tài trợ học bổng cho một nghệ nhân Florentine trẻ học khắc axit tại một trường tư và học việc nhưng được trả tiền. Negar Azhar Azari là người đầu tiên được nhận học bổng của Context Travel, với 6 tuần học việc. Cô học Ricchi cách khắc các vật dụng kiểu “có lịch sử lâu đời hơn cuộc đời tôi. Bạn cảm thấy thích loại nghệ thuật này sẽ không bao giờ chấm dứt. Ai đó sẽ ghé vai gánh vác và đưa nó đi xa”. Tháng 11.2012, Azhar Azari mở NAA-studio - xưởng đồ trang sức và khắc mỹ thuật, và một cửa hàng cách xưởng của Ricchi vài tòa nhà. Nhưng cô là câu chuyện thành công hiếm hoi.

Tại Viện May Quốc gia ở Rome, 3 sinh viên vẽ phác thảo các mẫu cho áo khoác buổi sáng. Họ đang học nghề như cha ông mình tại ngôi trường được thành lập từ năm 1575 bởi Giáo hoàng Gregory thứ 13. Nhiều thế kỷ qua đi, người Italy, ngay cả khi không có nhiều tiền, đã trở thành thợ sửa chữa quần áo theo sở thích hoặc tự may quần áo cho mình. Theo Chủ tịch Viện Mario Napolitano, “đó là hình ảnh của châu Âu. Đáng buồn là chúng ta đang để nó biến mất. Đằng sau phong cách Italy là những mối quan tâm về kinh tế. Đó là lý do tôi nói chúng ta cần phải tiên phong trong việc dạy may”.

Viện muốn mở rộng chương trình học thành 3 năm nhưng thiếu kinh phí và không được Chính phủ đồng ý. Một mối lo khác là sức hấp dẫn của nghề thiết kế. Sinh viên Federico De Peppo thú nhận, anh bị ám ảnh bởi các thiết kế của Tom Ford và Giorgio Armani. Anh muốn học mọi thứ có thể về may đồ nam nhưng lại không có ý định trở thành thợ may. “Tôi không muốn trở thành nghệ nhân. Tôi muốn trở thành nhà thiết kế”. Chủ tịch Viện Napolitano buồn bã nói: nghệ thuật may mặc bị lãng quên. Các nhà thiết kế có danh tiếng và tiền bạc nhưng lại phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thời trang: không có thợ may giỏi khâu các bộ sưu tập lộng lẫy của họ. Hiệp hội Nghệ nhân Italy công bố trong một nghiên cứu gần đây, 1/5 công việc may vá không kiếm được người làm.

                                                                                              Theo: daibieunhandan.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

1
Đang xem:
72.519.435
Tổng truy cập: