Ngày 20/4, tại Hà Nội, Hiệp hội Thêu
ren thành phố Hà Nội đã tổ chức Đại hội lần thứ hai, tổng kết nhiệm kỳ 2007 -
2012 và đưa ra phương hướng nhiệm vụ 2012 - 2017.
Với 50 hội viên, bao gồm các công ty
cổ phần, công ty TNHH, các doanh nghiệp, tổ hợp tác, các cơ sở sản xuất vừa và
nhỏ, các xưởng thêu, các nghệ nhân, các lão thành có tâm huyết với nghề..., thời
gian vừa qua, Hiệp hội Thêu ren thành phố Hà Nội đã có những hoạt động đáng kể,
đóng góp vào sự phát triển của nghề thêu và các làng nghề thêu.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Hiệp
hội Thêu ren thành phố Hà Nội, ông Mai Văn Hưởng cho biết, thời gian qua, các
thành viên Hiệp hội đã phát huy sức mạnh tổng hợp của từng thành viên cùng với
sự nỗ lực phấn đấu của các nghệ nhân với tinh thần “sinh nghề tử nghiệp” bằng
những bàn tay khéo léo và bộ óc thẩm mỹ từ những đường kim mũi chỉ đã tạo nên
những bức tranh nghệ thuật có giá trị cao về kinh tế và mang tính nhân văn sâu
sắc được trưng bày trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và các hội trợ
triển lãm. Doanh thu hàng năm từ các khu vực thêu ước đạt khoảng 60 tỷ đồng,
góp phần ổn định nguồn thu nhập, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động
lúc nông nhàn.
Trong công tác đào tạo nhân cấy nghề,
với chính sách khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương, Hiệp hội đã thực
hiện được 4 lớp đào tạo nhân cấy nghề, giải quyết được tình trạng suy giảm nhân
lực hiện nay của các cơ sở trong Hiệp hội. Bên cạnh đó, một số cơ sở đã chủ động
mở các lớp học nhân cấy nghề ở các địa phương để mở rộng thị trường sản xuất
thô và sau đó về cơ sở hoàn thiện sản phẩm.
Phương hướng nhiệm vụ trong nhiệm kỳ
tới nhấn mạnh đến việc nêu cao vai trò của Hiệp hội, phát huy trách nhiệm của từng
hội viên, không ngừng xây dựng củng cố và phát triển nghề nhằm bảo tồn các giá
trị văn hóa làng nghề truyền thống. Đồng thời, từng bước đáp ứng về số lượng,
nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, thu hút được khách hàng trong nước và nước
ngoài, tạo nguồn thu nhập, nâng cao đời sống cho các hội viên.
Hiệp hội cũng sẽ tổ chức các chương
trình tham quan học hỏi kinh nghiệm trong và ngoài nước, để kịp thời xây dựng
chiến lược phát triển kinh tế của đơn vị phù hợp với giai đoạn phát triển kinh
tế chung hiện nay. Khuyến khích hội viên đăng ký, sử dụng nhãn
hiệu tập thể, thực hiện quản trị thương hiệu nhằm nâng cao giá trị sẩn phẩm và
bảo vệ uy tín thương hiệu làng nghề truyền thống. Tổ chức thường xuyên các lớp
tập huấn nâng cao kỹ năng giao tiếp, bán hàng, hỗ trợ kiến thức cho các hội
viên đáp ứng yêu cầu thị trường. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tiếp
thị khách hàng thông qua các kênh thông tin đại chúng và áp dụng công nghệ
thương mại điện tử trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
Ông Mai Văn Hưởng nhấn mạnh: “Trong giai
đoạn tiếp theo, 2012 - 2017, Hiệp hội sẽ hoạt động với phương châm đoàn kết, đổi
mới, sáng tạo và phát triển”, góp phần đưa làng nghề thêu truyền thống vượt khỏi
những khó khăn, hướng đến phát triển bền vững.

Toàn cảnh Đại hội

Nghệ nhân lão thành Nguyễn Quốc sự chia sẻ tâm huyết với
nghề thêu

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam,
trao tặng giấy khen và huy hiệu cho các hội viên ưu tú

Ban chấp hành nhiệm kỳ mới ra mắt Đại hội
Một số tranh thêu trưng bày tại Đại hội
TN