TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Truyền nhân của rối nước Chàng Sơn
(Ngày đăng: 23/10/2013   Lượt xem: 986)
Được mệnh danh là cái nôi của rối nước, suốt bao đời nay gia đình trưởng phường rối Nguyễn Văn Dậu (xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội) luôn là lá cờ tiên phong trong việc gìn giữ bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Gặp ông, chúng tôi mới hiểu lý do nào mà bao thế hệ gia đình ông lại gắn bó với ngề đến thế.



Một số hình ảnh biểu diễn, bằng khen của ông Nguyễn Văn Dậu

Truyền lửa đam mê

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất thuần nông xã Chàng Sơn (huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội) trong một gia đình đã có 3 thế hệ gắn liền với nghệ thuật rối nước. Ngay từ tấm bé, Nguyễn Văn Dậu đã được gần gũi, tiếp xúc và chơi cùng với những con rối. Cùng với đó, cha ông -  Nguyễn Văn Tân lúc đó đang làm Trưởng phường rối của xã Chàng Sơn cũng là một người nổi tiếng khắp vùng với nghệ thuật biểu diễn rối nước. Ngay từ năm lên 10 tuổi, ông Dậu đã cùng cha đi biểu diễn khắp miền Bắc. Và ngay từ lúc đó, những tích trò thân thuộc như em bé chăn trâu, cậu ếch, cày cấy… đã gieo vào lòng ông một niềm đam mê. Cùng với đó được thừa hưởng gen của cha ông để lại, cái nghiệp múa rối nước cứ đến với ông như một lẽ tự nhiên.

Ông chia sẻ "Với Phường rối Chàng Sơn, có 3 chữ Hán vàng ngọc được ví như bí quyết gia truyền tự bao đời "Nhạo Hành Thủy” (nghĩa là những trò chơi dưới nước) và hai câu đối "Xuất quỷ nhập thần - Thủy thượng kỳ quan diện thuật/ Bài binh bố trận - trì trung chuyển động linh cơ”. Vừa dứt câu, ông vội đem tấm ảnh của người cha trên ban thờ xuống vồn vã giới thiệu với đầy vẻ tự hào. Đó là bức hình do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa - Thông tin cũ) chụp năm 1958, ông Nguyễn Văn Tân trong bộ quần áo bà ba nâu sòng đã bạc màu bên trò rối. Ông Dậu còn cho biết: "Có cụ tổ 5 đời là trùm trưởng phường rối có hiệu Trúc Nguyên, đã truyền nghề cho cụ Nguyễn Hữ và cho đến ông nội tôi, cụ Nguyễn Luật rồi đến bố tôi Nguyễn Văn Tân”.



Hành trình tiếp nối

Cũng như những bộ môn nghệ thuật truyền thống khác, niềm vui lớn nhất đối với bộ môn nghệ thuật rối nước theo ông Dậu đó là được mang con rối đi phục vụ biểu diễn cho mọi người thưởng thức. Còn với ông thành tích, bằng khen, giải thưởng chỉ là để ghi nhận, động viên nghệ nhân thêm yêu nghề hơn. Ông nhớ lại vào năm 2004, lần đầu tiên mang Phường rối nước Chàng Sơn đi "tranh tài” tại Festival. Có 9 tiết mục tham dự thì đã có tới 4 giải thưởng, 2 giải B và 2 giải A. Đây được xem là một cột mốc lớn cho rối nước Chàng Sơn.



Chàng Sơn Di Mục

Ông Dậu bảo, rối nước Chàng Sơn độc đáo là ở chỗ múa bằng dây chứ không phải bằng sào. Do đó, trước khi đi diễn xướng, thì phải luyện tập hàng tháng, đôi bàn tay nghệ nhân phải dẻo dai, uyển chuyển mới đem lại linh hồn cho quân trò. Hơn thế, có nhiều vở diễn, với sự tham gia của hàng chục con rối, cùng một lúc trên trận thủy chiến mà không rối, không vướng vào nhau… đó cũng chính là tuyệt kỹ mà ông trưởng phường rối đã kịp truyền lại cho đời sau. Theo ông, nếu như múa sào bị giới hạn bởi chiều cao của cây sào, thì múa dây con rối sẽ có thể giao lưu trực tiếp với khán giả, có lẽ đó cũng là điều làm nên sức hút, sự độc đáo nơi rối nước Chàng Sơn.

Bên cạnh đó, ông Dậu còn là người trực tiếp tham gia sáng tác các tích trò mới, ông bảo "phải am hiểu lịch sử thì mới diễn được”. Cũng xuất phát từ lý do đó mà ông đã chủ động bỏ tích "Quan công thủy chiến Bàng Đức”, gắn liền với sử Tàu để sáng tạo ra "Ngô Quyền đánh quân Nam Hán” - khắc họa thời kỳ lịch sử vẻ vang hào hùng của dân tộc.

"Điều tôi day dứt hơn cả là liệu có còn ai theo nghề. Tôi đã nhiều lần phải động viên các cháu, các con mỗi khi đi diễn rối đấy”. Ông Dậu nhẩm tính: "Chú bảo bây giờ, lội nước cả buổi, lạnh như mùa đông thì sao chịu nổi, vậy mà mỗi buổi diễn, nghệ sĩ rối cũng chỉ được 50.000 đến 70.000, còn trung bình làm mộc một ngày được 400.000 đến 500.000”. 



Tìm gặp anh Nguyễn Văn Kiên - con trai ông Dậu, chúng tôi lại càng thêm thấm thía tình yêu mà ông Dậu dành cho rối. Anh Kiên sinh năm 1976, lấy xưởng mộc làm nơi kiếm cơm và mỗi khi trong làng có hội, hoặc có dịp đi diễn phục vụ nhân dân, anh Kiên lại cùng người vợ của mình say sưa, đục đẽo, trau truốt sơn rối theo yêu cầu của cha.

Tình yêu mà ông Dậu và gia đình dành cho rối nước Chàng Sơn, khiến nhiều người phải trăn trở. Tình yêu rối nước suốt 5 đời như gia đình ông thật đáng trân trọng.
                                                                                                   Theo: daidoanket

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

3
Đang xem:
72.519.468
Tổng truy cập: