TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Làng mộc Mỹ Giạc (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) - Gian nan giữ nghề
(Ngày đăng: 23/10/2013   Lượt xem: 3603)
Từ bao đời nay, người dân vùng quê Thái Bình vẫn truyền tụng câu ca: “Làm đình Cao Đà, làm nhà Mỹ Giạc” để nói lên sự khéo léo, tài hoa của hai cánh thợ làm mộc ở Cao Đà (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) và làng Mỹ Giạc (xã Tân Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) -những người thợ chuyên đi dựng nhà gỗ cổ, đình chùa, miếu mạo…

Làng Mỹ Giạc đã có hơn 500 tuổi đời gắn với nghề thợ mộc. Trải qua sự biến thiên của thời gian, nhiều cánh thợ một thời nổi danh, ghi dấu vào những công trình có tiếng trong cả nước giờ đã về với tổ tiên. Lớp con cháu hậu bối còn giữ được những bí quyết hành nghề, giữ được cái hồn nghề tạc mộc giờ cũng đã lên lão. Người trẻ tuổi nhất cũng đã ngũ tuần. Chúng tôi đến gia đình phó cả Nguyễn Công Bình, thôn Diệc, làng Mỹ Giạc khi cánh thợ của ông đang khẩn trương hoàn thành một ngôi nhà gỗ cho một chủ ở xã bên. Cả cánh thợ gần chục người đang mải miết tay dùi, tay đục thao tác trên mặt gỗ. Ông Bình cho biết: “Hơn 32 năm theo nghề làm mộc, có lẽ đến bây giờ tôi vẫn chưa hết yêu nghề. Ở làng Mỹ Giạc này, tôi là người duy nhất còn giữ được các bí quyết dựng nhà gỗ mà cha ông để lại”.

Người thợ già vẫn tâm huyết với nghề.

Không giống như những làng nghề làm mộc khác trong huyện như làng Nứa, làng Me, làng Vế… hiện nay, những người thợ làng Mỹ Giạc chọn cho mình hướng đi đó là giữ lại những nét văn hóa cổ truyền của dân tộc. Mỗi công trình được hoàn thành là niềm tự hào của người thợ tài hoa làng Mỹ Giạc. Họ đã góp công giữ gìn nét riêng của người Việt. Mỗi họa tiết hoa văn, mỗi ngôi nhà, ngôi chùa đều mang một cái gì đó rất riêng mà chỉ những cánh thợ làng Mỹ Giạc mới làm được. Ông Dương Như Xích, người có thâm niên 55 năm làm mộc tự hào nói: “Có những kỹ thuật làm kèo, vì, mòi… chỉ người làng Mỹ Giạc mới làm được. Nhiều công trình, hai cánh thợ cùng làm mà có sự ăn ý đến lạ lùng. Khi dựng thành nhà mà như một, không có sự khác biệt. Đấy là cái riêng không làng mộc nào có”.

Những người như ông Bình, ông Xích… cùng một cánh thợ mộc Mỹ Giạc thuở nào nay đã là những “chiến binh” tuổi xế bóng. Nhưng những đôi bàn tay vàng vẫn chưa được nghỉ ngơi. Họ ví mình như những củ gừng "càng già càng cay". Họ cố gắng "vắt" những luồng nhiệt huyết cuối cùng để truyền nghề, giữ nghề cho hậu bối. Những tuyệt xảo mà chỉ có cầm tay chỉ việc mới làm được. “Để học được nghề chạm trổ những họa tiết, hình thù cũng như những hoa văn đòi hỏi độ tinh xảo như cánh võng, cửa thờ, hoa văn trên sập gụ, tủ chè thì phải học nghề liên tục trong 5 năm ròng. Để có kinh nghiệm thì trong quá trình học phải tự mày mò, học hỏi các thợ đi trước. Có yêu nghề mộc thì mới thả hồn vào gỗ được”-Ông Bình tâm sự.

Hiện nay, tại chính ngôi làng cổ này còn lưu giữ nhiều chứng tích mà cha ông họ đã tạo nên bằng bàn tay, khối óc có giá trị văn hóa lưu mãi với thời gian. Ngôi cổ tự Diên Khánh bao gồm quần thể đình-miếu-chùa làng Mỹ Giạc được Nhà nước cấp Bằng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1993, đồng thời trong làng còn lưu giữ hơn 10 ngôi nhà cổ vô giá, đây chính là những món quà ý nghĩa mà lớp tiền bối của làng trao lại cho lớp cháu con làng Mỹ Giạc. Ông Nguyễn Công Bình cho biết thêm: “Không phụ lòng cha ông, tôi và những người thợ giỏi trong làng đang nỗ lực tìm người kế tục nghề cổ. Tuy hiện nay thanh niên ít người còn lưu luyến, nhưng bằng tâm huyết của thế hệ đi trước, tôi đã dạy nghề cho hai đứa con trai đang học đại học của mình. Tranh thủ những ngày các cháu nghỉ học để truyền nghề một cách bài bản, mong nghề không bị thất truyền”.

Giờ đây, cả làng Mỹ Giạc chỉ còn gần 30 người thợ giỏi, trong đó cánh thợ của ông Bình đã chiếm tới 15 người. Ông Bình cùng một số người thợ giỏi tâm huyết khác trong làng đang truyền nghề cho các thợ trẻ, nhưng cũng chỉ có 5 người theo học. Số lượng quá ít để vực lại làng nghề trước cơn nguy cơ mai một. Trước thực tế trên, những thợ già của làng mộc Mỹ Giạc vẫn phải làm việc không ngừng nghỉ, để câu nói “Làm đình Cao Đà, làm nhà Mỹ Giạc” giá trị cho tới mai sau.

                                                                                                      Theo: QĐND

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

7
Đang xem:
72.519.324
Tổng truy cập: