TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Du lịch chưa gắn kết với làng nghề
(Ngày đăng: 19/10/2013   Lượt xem: 575)
Khảo sát các đơn vị lữ hành tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy, tour du lịch làng nghề hiện chưa được nhiều doanh nghiệp thiết kế, quảng bá đến du khách - có nghĩa du lịch và làng nghề vẫn chưa thực sự gắn kết.

Làng nghề Hà Nội nói riêng và các làng nghề trên cả nước nói chung vốn được xem là điểm hấp dẫn đầy tiềm năng để phát triển du lịch. Song số làng nghề phát triển du lịch xen kẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó là những làng đã được du khách biết đến và nổi tiếng đã lâu. Còn lại đa phần các làng nghề đều chưa thực sự biết cách làm để thu hút và giữ chân khách nên tất cả vẫn ở dạng tiềm ẩn. Và đây cũng chính là nguyên nhân khiến những người làm du lịch chưa thực sự xem làng nghề là mắt xích quan trọng trong quá trình thiết kế và quảng bá tour du lịch đến với khách du lịch.

Làng nghề sẽ khó trở thành điểm đến khi tất cả các khâu chưa chuyên nghiệp. Điều đầu tiên có thể kể đến là tại các làng nghề hiện vẫn đang thiếu trầm trọng đội ngũ nhân lực làm du lịch chuyên nghiệp từ khâu hướng dẫn, đến tư duy tạo sản phẩm lưu niệm… Đơn cử như việc hướng dẫn viên thiếu chuyên nghiệp sẽ không thể thỏa mãn nhu cầu khám phá của khách du lịch. Bởi khách du lịch ngoài việc tìm hiểu lịch sử làng nghề thì họ còn mong muốn tìm hiểu cả một không gian văn hóa lịch sử ẩn chứa ở mỗi làng nghề hay thưởng ngoạn, chứng kiến một sự đổi thay của làng nghề đó theo trình tự thời gian từ quá khứ đến hiện tại và cả trong tương lại… Bên cạnh đó, tình trạng chung của người dân ở các làng nghề là thiếu kiến thức về du lịch và không biết ngoại ngữ. Người dân không có hiểu biết về tiếp thị, không được học cách tiếp khách du lịch... Kết quả là khách du lịch đến tham quan nhưng không biết phải tham quan cái gì, không hiểu gì về văn hóa cũng như tập quán sản xuất của nơi tham quan vì không có cơ hội tiếp xúc với người dân và công việc của họ.

Ngoài ra, tính thiếu chuyên nghiệp còn thể hiện rất rõ trong khâu tổ chức đón tiếp khi khách du lịch về làng. Không ít địa phương không tiếc công sức tiền của để đầu tư những con đường bằng phẳng, nhà lưu niệm hoành tráng song lại thiếu đi môi trường trải nghiệm dành cho khách du lịch. Trong khi đó, việc du khách được sống trong khung cảnh làng quê, hóa thân thành người thợ, người nông dân… đã trở thành món đặc sản không thể thiếu khi khách du lịch về với làng nghề. Bên cạnh đó, các sản phẩm lưu niệm tại các làng nghề chưa thực sự đặc sắc, trùng lắp kiểu dáng, thiếu bản sắc. Chất lượng chưa phù hợp với thời tiết khí hậu nếu du khách nước ngoài có ý định mang ra nước ngoài… Do vậy ở không ít điểm du lịch làng nghề, khách du lịch chỉ còn cách tha thẩn trên đường làng, lơ đãng nhìn người thợ làm việc… Và khách du lịch một đi không trở lại với làng nghề cũng là điều dễ hiểu.

Xét về nguyên nhân, tại hội thảo về làng nghề Hà Nội mới đây, đa số các ý kiến đều cho rằng, chồng chéo trong công tác quản lý, tình trạng người dân làng nghề không được trang bị kiến thức tiếp thị, phục vụ nhu cầu của khách được xem là nguyên nhân chính. Đơn cử như người sản xuất chỉ biết làm theo những gì mình có mà chưa khảo sát tìm hiểu thị hiếu khách du lịch cần gì để đáp ứng. Nhiều sản phẩm như mây tre đan rất dễ bị ẩm mốc nếu thay đổi thời tiết hoặc nhiều sản phẩm cồng kềnh, không tiện để du khách mang theo suốt hành trình du lịch tiếp theo.

Tại buổi tọa đàm Thực trạng và giải pháp phát triển du lịch làng nghề, phố nghề truyền thống Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng năm 2013 mới đây, các ý kiến đều cho rằng, hóa giải những vấn đề vướng mắc đối với du lịch tại làng nghề cần chú trọng đến đào tạo nguồn nhân lực. Và tìm đến những điểm nhấn tạo nên linh hồn sống động cho những làng nghề truyền thống đó. Ông Pa-xcan Lê-ô-na, người tham gia dự án Hành trình văn hóa qua các làng nghề truyền thống do Cục Di sản, Bộ VH, TT và DL cho rằng, để tạo hứng thú cho du khách, mỗi làng cần ít nhất một điểm tập trung, trình diễn các công đoạn cơ bản của quá trình sản xuất để du khách xem và thử tham gia vào quá trình đó. Ông Pa-xcan Lê-ô-na gợi ý: mỗi làng nghề nên lựa chọn những gia đình còn giữ được nghề truyền thống, có mặt bằng để giới thiệu cho khách. Nên coi đó là điểm thu hút khách. Hoặc có thể tổ chức một xưởng sản xuất, tập hợp những nghệ nhân giỏi, giúp cải thiện kỹ thuật chế tác, tạo ra mẫu mã phong phú hay thành lập khu trưng bày sản phẩm, bán đồ lưu niệm.

Bản chất của du lịch làng nghề là khám phá song để có được điều đó, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Lưu cho rằng, phải giải quyết cho được các vấn đề liên quan đến con người trong phát triển du lịch làng nghề, hình thành được đội ngũ nhân lực cho du lịch làng nghề ở Thủ đô. Đồng quan điểm này, nhiều chuyên gia còn khẳng định, đối với người làm nghề, rất cần được đào tạo kỹ năng và nghiệp vụ của nghề, đặc biệt là giáo dục đạo đức nghề nghiệp, tay nghề. Người làm nghề phải giỏi tin học, biết sử dụng ngoại ngữ; mang cốt cách, truyền thống, bản sắc văn hóa, sự hiếu khách của địa phương.

 Tìm hướng đi cho việc làng nghề sản xuất sản phẩm  lưu niệm như thế nào để phù hợp với thị hiếu của khách song mang được dấu ấn văn hóa làng nghề, Chủ tịch Hội Nghệ nhân, thợ giỏi TP Hà Nội Vũ Mạnh Hải đề xuất: hơn ai hết các nhà quản lý, nhà khoa học, những người làm du lịch đặt hàng làng nghề sản xuất sản phẩm gì, kiểu dáng và chất lượng ra sao. Các nghệ nhân, với đôi bàn tay khéo léo sẽ thể hiện hết tài năng của mình trong sản phẩm. Nghĩa là nhà thiết kế phải cùng vào cuộc với nghệ nhân.


                                                                                                      Theo: daibieunhandan

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

1
Đang xem:
72.519.438
Tổng truy cập: