TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
"Tập đoàn hai sọt"
(Ngày đăng: 28/09/2013   Lượt xem: 574)

Sáng sớm, từ khắp các ngả đường làng, họ chuẩn bị xe, buộc lại hai cái giỏ để bắt đầu với nghề. Không hẹn mà gặp, đường làng là nơi tụ họp, chào nhau, nói vài ba câu chuyện phiếm rồi tất cả rẽ ra mọi cung đường. Mỗi người một hướng, họ thốt lên những tiếng rao khá vần “ai nhôm, đồng, sắt, dép nhựa... bán kh...ông”. Có người đặt cho họ với một cái tên rất văn vẻ: “những sứ giả môi trường”.

Ngang dọc đường làng, ngõ xóm

Chạy xe máy theo sau mấy chị đi buôn, tôi nhận được mấy cái lườm mắt khá ấn tượng, và sau đó là một giọng nói đặc sệt Huế: “Chú ni mần chi mà đi theo tụi tui rứa hè, có chuyện chi xảy ra là tui không chịu mô nghe”. Sau một hồi năn nỉ, tôi mới được mấy chị cho đi theo để “học nghề”. “Mà tui nói trước nghe, đổ xăng cho đầy bình đã rồi đi, chứ xe máy mà cứ kè kè theo xe đạp là tốn xăng lắm”, chị Phương hóm hỉnh nói.

Nghề mua bán ve chai được mấy họ đặt một cái tên khác nghe có vẻ sang trọng hơn: nghề “mua vàng vụn, bạc vụn”. Ai nhìn vào cũng nghĩ nghề này ít vốn, ít kiến thức lắm, Nhưng sai lầm, chắc chắn sai. Bởi lẽ, nghề này đòi hỏi dữ lắm ở con mắt nhìn hàng, và cần lắm một cái đầu tính toán rất kinh tế, có như vậy mới không lo lỗ.

Chị Phương, nhà ở xã Phong An, H. Phong Điền (TT- Huế), bước vào nghề này cũng được mấy năm, chị đi buôn những lúc nông nhàn, khi mùa vụ kết thúc. Là nghề phụ, những nhờ nó mà chị nuôi sống cả gia đình. “Mỗi ngày tui thức dậy lúc 4 giờ sáng, nấu cơm nước bữa sáng cho chồng con xong để đó rồi đi. Bươn chãi theo xe đạp cũng trên dưới 20km, đi xa mới có hàng. Tuy là nghề phụ, nhưng nó cũng không phụ mình, ngày cũng kiếm được đôi ba đồng, không giàu nhưng cũng có mà nuôi con ăn  học”, chị chân thật. “Nói là vàng vụn, bạc vụn cho oai vậy thôi, chứ toàn là phế liệu, chai bao hết đó mà. Đối với người ta thì là đồ bỏ đi, nhưng đối với tụi tui thì là vàng, là bạc hết đó. Chứ chú đừng có nghe vàng, bạc mà cướp của tụi tui nghe”, một chị tên Hà tếu táo.

Len lỏi mọi nẻo đường.

Bây giờ đi đâu trên khắp các ngả đường, từ nông thôn đến thành thị cũng thấy bóng dáng của những người đi thu mua ve chai. Kẻ thì đi xe đạp, người thì đi xe máy. Ai đi xe đạp thì rao bằng miệng, còn đi xe máy thì hiện đại hơn, có loa hỗ trợ, và câu rao cũng khác hẳn, rằng “Mua đầu máy, âm ly, tủ lạnh, máy nổ, máy bơm nước... kh... ô... ông ...”. Trưa đứng bóng, nắng như thiêu đốt người ta, mấy chị vẫn thủng thẳng đạp xe đi vào những ngõ ngách. Và, tiếng rao vẫn cứ vang lên như thách thức cái nắng “ai nhôm đồng, sắt, dép nhựa bán không..” và “mua đầu máy, âm ly, tivi, tủ lạnh...”.

Cái nghề thấy thì dễ mua dễ bán nhưng hỏi ra mới biết đó cũng cả là một nghệ thuật. Mấy năm đi buôn, các chị đã đúc kết ra được một kinh nghiệm. “Trước tiên, là cần một đôi mắt để nhận biết cái nào nên mua, cái nào không nên, chứ cứ mua lung tung về nhập không được thì có mà ăn cám. Thứ hai đó là phải có miệng mồm, miệng mồm không phải là để cãi hơn thua với người ta, mà là để thuyết phục làm sao để người ta đem những thứ bỏ đi ra bán cho mình. Và, cuối cùng là có sức khỏe, đương nhiên nghề nào cũng cần sức khỏe, nhưng sức khỏe cho cái nghề ni là để đi xa, chỉ có đi xa mới có hàng, chứ quanh quẩn trong làng thì khó lắm”, chị diễn giải.  Để phù hợp với những chuyến hàng xa, và chở được nhiều thứ hơn, họ đã chế chiếc xe của mình để nó trở nên dễ dàng hơn. Đèo thêm mỗi bên hông xe một cái sọt, cột thêm hai thanh tre trên thân xe để xe vững hơn khi chở nặng. Chỉ chế lại chiếc xe đơn giản vậy thôi, nhưng nó đã tải rất tốt, có khi trọng lượng hàng lên tới 60-70kg (chưa kể người).

“Sứ giả môi trường”

Mỗi ngày có cả hàng tấn rác thải thải ra môi trường, ngoài những thứ không tái chế được thì cũng có những thứ tái chế được, nên công việc mà những người thu mua phế liệu không đơn giản chỉ là kiếm thêm thu nhập, mà ở đó còn là một việc làm nhằm bảo vệ môi trường. Theo chân mấy chị đi buôn, tôi mới “mục sở thị” được “binh pháp” thu mua của các chị. Để tiện hơn trong việc bán, và giá cả, các chị phân ra từng loại, lông vịt riêng, nhôm riêng, đồng riêng, sắt, nhựa riêng. “Mỗi thứ có một giá riêng, phải “cập nhật”giá cả hằng ngày từ các đại lý khi đó mới dám mua, chứ ngày hôm ni mà mua với giá ngày hôm qua, hôm kia về lỗ chết. Cũng có đôi khi giá các thứ không dao động trong cả tháng, nhưng như thế cũng không được chủ quan. Phải đi nhiều, đi xa và đôi khi cũng đi qua những đoạn đường vắng, sợ nhất là lúc xe hỏng, nên trong mấy chị đi buôn, ai cũng có đôi chút kinh nghiệm về sửa xe. Hư đâu sửa đó, đôi khi bệnh đơn giản thì không cần vô quán, mấy chị tự sửa luôn, đỡ được mấy đồng về lo cho con cái. Mỗi  ngày, ai trúng hàng thì cũng được từ 100 nghìn-150 nghìn đồng, còn không thì vài ba chục...

Mải mê theo mấy chị đi thu mua phế liệu, đến khi mặt trời đã gác trên đầu, tôi xin phép ra về. Mới nửa ngày nhưng cũng có những người trúng lớn, hàng chất đầy xe, họ lại tất tưởi chở về bán lại cho các đại lý, nghỉ trưa, cơm nước chiều lại tiếp tục hành trình “sứ giả môi trường” của mình.

                                                                                                  Theo: Cadn.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

23
Đang xem:
72.519.382
Tổng truy cập: