TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Người "giữ lửa" cho ánh đèn Trung thu
(Ngày đăng: 15/09/2013   Lượt xem: 500)
Mùa Trung thu năm nay, trên thị trường đã xuất hiện nhiều hơn những chiếc đèn ông sao, đèn cù, mặt nạ giấy bồi, "ông Tiến sĩ"... Người vui nhất trước sự thay đổi ấy là chị Nguyễn Thị Tuyến (thôn Hậu Ái , xã Vân Canh , huyện Hoài Đức, Hà Nội), người đã 40 năm gắn bó với nghề.

Chị Nguyễn Thị Tuyến hướng dẫn các bạn trẻ làm đồ chơi Trung thu tại Phố cổ Hà Nội. Ảnh: Diệp Liên

Nếu như vài năm trước, tìm một chiếc đèn ông sao không dễ bởi trên những con phố chuyên bán đồ chơi Trung thu như Hàng Mã, Lương Văn Can..., đồ chơi ngoại lấn sân thì mấy mùa Trung thu gần đây, đã xuất hiện nhiều hơn những chiếc đèn ông sao, đèn cù, mặt nạ giấy bồi, "ông Tiến sĩ"... của những nghệ nhân trong nước...

Chị Nguyễn Thị Tuyến sinh ra trong ở một làng nghề truyền thống làm đồ chơi Trung thu ở thôn Hậu Ái, xã Vân Canh , huyện Hoài Đức, Hà Nội. Từ khi còn rất nhỏ, chị Tuyến đã được gia đình dạy cho cách xếp giấy, cách cắt, dán để phụ giúp bố mẹ chuẩn bị hàng hóa phục vụ cho ngày rằm Trung thu. Ngày chị còn bé, mỗi năm gia đình sản xuất đến hàng vạn chiếc đèn ông sao, đèn cù, hàng ngàn ông Tiến sĩ giấy, ông đánh gậy cung cấp cho thị trường.

Những ngày ấy, mùa Trung thu đến với nhà chị từ rất sớm, trước đó mấy tháng, cả gia đình đã phải chuẩn bị nguyên vật liệu để làm đồ chơi. Nhưng rồi thị trường thay đổi. Người mua cứ thưa vắng dần. Đồ chơi truyền thống không "đọ" được về sức hấp dẫn so với những món đồ chơi ngoại nhập. Cũng là đồ chơi Trung thu, với giá chỉ vài chục nghìn đồng, những chiếc đèn ông sao, đèn lồng điện tử vừa nhiều kiểu mẫu, vừa phát ra ánh sáng, phát ra tiếng nhạc khiến bọn trẻ rất thích thu. Chưa kể, còn nhiều loại đồ chơi khác.

Cùng với sự phát triển của thị trường, nhiều người ở Hậu Ái đã bỏ nghề nhưng chị Tuyến vẫn trụ lại. Cứ đầu tháng 6 âm lịch là chị đã lích kích chuẩn bị làm đồ chơi. Hình ảnh Trung thu một thời xưa cũ, với những chiếc đèn ông sao, đèn cù, với mâm cỗ trông trăng bày ông Tiến sĩ giấy như đã ngấm vào tâm hồn chị

Năm 2002, lần đầu tiên chị Tuyến được Bảo tàng Dân tộc học mời tham dự Tết Trung thu tại Bảo tàng, hướng dẫn cho các em nhỏ làm đèn ông sao. Chị Tuyến rất vui vì những món đồ chơi tường chừng đã "tuyệt chủng" được sự quan tâm của xã hội. Qua những lần trưng bày, giới thiệu và hướng dẫn trẻ em làm đồ chơi truyền thống như thế, nhiều bậc phụ huynh và các em nhỏ đã thấy được giá trị của đồ chơi truyền thống.

"Tôi nghĩ nhiều người thích mua đồ chơi ngoại vì chưa hiểu ý nghĩa đồ chơi dân gian. Các cụ nhà tôi bảo rằng chiếc đèn ông sao gắn thêm hình là cờ Tổ quốc nhắc nhở con cháu tình cảm với quê hương. Còn ông Tiến sĩ giấy đặt bên mâm cỗ với áo mão cân đai đường bệ là mong ước của cha ông ta con cháu học hành chăm chỉ để mai sau thành đạt. Trung thu đúng vào dịp năm học mới bắt đầu. Nếu giải thích cho các cháu nhỏ hiểu điều ấy thì càng ý nghĩa".

Theo chị, đồ chơi Trung thu truyền thống gặp khó khăn còn vì một lý do khác, đó là có người làm nghề này nhưng không thực sự có tâm. Chị lấy ví dụ về chiếc đèn ông sao. Một số gia đình làm những chiếc khung đèn quá mảnh mai, khoảng không phía trong đèn quá nhỏ, nên chiếc đèn có thể bị cháy khi thắp nến. Điều này khiến nhiều gia đình không muốn mua đồ chơi truyền thống cho trẻ em, vì họ quan niệm có mua cũng không chơi được.

Với chị Tuyến, các công đoạn làm ra sản phẩm, ví như chiếc đèn ông sao, các quy trình từ chẻ tre, uốn, ghép, cắt dán họa tiết… đều được làm cẩn thận. Cán đèn được chọn từ những que tre to hơn ngón tay cái, khung đèn được ghép từ những thanh tre, thanh nứa to, đều nhau, buộc lại chắc chắn. Dùng xong, có thể cất đi sang năm chơi tiếp. Những điều tưởng như đơn giản ấy nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý tiêu dùng.

Sinh sống tại làng nghề, chị tìm thấy niềm vui khi làm ra những chiếc đèn ông sao, đèn cù, những "ông Tiến sĩ", "ông đánh gậy"… Nhờ có những người như thế mà di sản tốt đẹp của cha ông từng bước trở lại với trẻ em mỗi dịp Trung thu.

                                                                                                     Theo: Chinhphu.vn


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

1
Đang xem:
72.519.411
Tổng truy cập: