TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
“Đánh thức” lịch sử làng gốm cổ
(Ngày đăng: 12/09/2013   Lượt xem: 1075)
Hơn 300 hiện vật trưng bày tại “Bảo tàng gốm sứ và lịch sử xã Kim Lan” đã và đang kể được rất nhiều chuyện về làng nghề truyền thống, từ những dấu tích cư trú của làng đến sự hưng thịnh hôm nay. Công trình sưu tầm các cổ vật và xây bảo tàng gốm cổ cho làng Kim Lan, Gia Lâm, Hà Nội do các cụ cao tuổi trong nhóm "Tìm về nguồn cội" của làng gốm cổ Kim Lan và TS. Nishimura Masanari, người Nhật Bản, thực hiện vừa được trao giải Việc làm-Vì Tình yêu Hà Nội tại lễ trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 6 năm 2013.

Ông Nguyễn Văn Nhung giới thiệu về bảo tàng gốm Kim Lan. Ảnh: VGP/Huy Anh.

Ý tưởng xây Bảo tàng gốm

Theo ông Nguyễn Văn Nhung (thành viên nhóm “Tìm về nguồn cội”), ý tưởng xây dựng bảo tàng gốm xuất phát từ việc nhà và xưởng sản xuất của các thành viên trong nhóm đều ở ven sông, mọi sinh hoạt của gia đình gắn với sông, nước. Hàng năm, mỗi lần nước lụt, lở bờ sông xuất hiện nhiều hiện vật gốm sứ, thủa ban đầu là do tính tò mò nghề nghiệp muốn học hỏi những kỹ thuật, hoa văn của cha ông để lại. Sau này, số lượng hiện vật thu nhặt được khá lớn, lên đến hàng nghìn hiện vật bao gồm cả kim loại, đất nung, sành, gốm sứ… nhóm “Tìm về nguồn cội” mới nảy sinh việc tìm hiểu lịch sử của ngôi làng, về nghề truyền thống làm gốm có từ bao giờ.

Do số lượng hiện vật thu thập được quá lớn, nhóm đã có cả một quá trình liên hệ với các cơ quan chuyên môn. Vào tháng 4/2000, đoàn chuyên gia của Bảo tàng lịch sử, Viện khảo cổ… về Kim Lan khảo sát. 

Từ năm 2001 - 2003, các cơ quan chuyên môn đã tiến hành nhiều đợt khảo cổ học tại làng với diện tích khai quật là 460 m2, hơn 70 di chỉ và chính thức đi đến những kết luận quan trọng: Kim Lan là vùng dân cư trú cổ, có móng nhà, hệ thống móng kiến trúc từ thời Trần; thứ hai, đây là một làng sản xuất gốm sứ cổ và phát triển nhất là trong giai đoạn từ thế kỷ 13, 14 (Lý, Trần); Kim Lan xưa còn có thể là nơi giao lưu buôn bán giàu có, trù phú thể hiện qua lượng tiền chôn giấu đã khai quật được.
 
Từ đó, nhóm “Tìm về nguồn cội” nảy ra ý tưởng, với số lượng hiện vật thu được, làm thế nào để xây dựng nhà bảo tàng lưu giữ những hiện vật này để phục vụ việc bảo tồn văn hóa truyền thống và khuyến khích phát triển văn hóa nghề truyền thống của làng.

HIện vật khai quật được trưng bày tại bảo tàng gốm Kim Lan. Ảnh: Huy Anh.

Sau này, được sự giúp đỡ tích cực của TS. Nishimura Masanari cả về chuyên môn, kinh phí và các cơ quan chức năng, chính thức tháng 3/2012, bảo tàng gốm sứ của làng Kim Lan chính thức đi vào hoạt động.

Các hiện vật tìm được phổ biến nhất là gốm đời Trần và Lê với các chủng loại như men nâu, men trắng ngà, xanh ngọc, gốm hoa lam là loại gốm cao cấp giống với phong cách gốm nhà Nguyên. Tại bãi khai quật Hàm Rồng còn tìm thấy gạch Giang Tây Quân, như vậy, có thể nơi đây còn là nơi sản xuất gạch để xây thành Đại La.

Hiện vật thô sơ nhất tìm được là cọc, giàn phơi hàng của lò gốm ở thế kỷ 18. Có những hiện vật khai quật được chỉ có ở nơi sản xuất gốm mới có, tiêu biểu nhất là bao nung, các con kê đệm hàng; các cọc bát dính (các chồng bát khi đem nung men chảy ra dính lại với nhau), các sản phẩm nung chưa chín (gọi là các sản phẩm còn “sống”) cũng được tìm thấy... 

Người góp phần "đánh thức" đất Kim Lan

Một trong những người có công lớn trong việc phát hiện ra Kim Lan là một làng cổ thông qua các hiện vật khai quật là TS. Nishimura Masanari. Chính từ các cổ vật, các nhà khoa học Việt Nam và TS. Nishimura Masanari đã chứng minh Kim Lan là cội nguồn, là nôi gốm cổ có từ hàng nghìn năm nay.

Trong quá trình khảo cổ, TS. Nishimura Masanari đã trực tiếp tham gia hướng dẫn cách sưu tầm, cách đào hiện vật, cách phân loại, cách thẩm định niên đại, cách đánh số hiện vật, cung cấp từ bút ghi không phai, dụng cụ đựng hiện vật.

TS. Nishimura Masanari cũng là người cung cấp cho nhóm “Tìm về nguồn cội” nhiều tư liệu để tham khảo và tra cứu, đối chiếu với hiện vật đào được; cung cấp tự điền tiền cổ, để biết niên đại, triều đại những đồng tiền khai quật được… 

Là nhà khảo cổ học ở Đại học Tokyo, năm 1990, TS. Nishimura Masanari đến Việt Nam trong khuôn khổ dự án giữa khoa học Nhật Bản và Viện Khảo cổ học Việt Nam. Hơn 20 năm qua, ông đã đi khắp mọi miền để tìm hiểu, nghiên cứu, đóng góp nhiều công sức cho khảo cổ học Việt Nam. T.S Nishimura Masanari qua đời tháng 6/2013 vì tai nạn giao thông khi đi xe máy đến Bắc Ninh tìm hiểu thực địa cho nghiên cứu mới.

Tâm huyết của TS. Nishimura Masanari đã thành hiện thực khi xây dựng nhà bảo tàng gốm cho Kim Lan. TS. Nishimura Masanari đã để lại dấu ấn trong bảo tàng từ kiến trúc, các hiện vật trưng bày, cách sắp đặt theo tiến trình lịch sử và tất cả các lời chú giải trong bảo tàng. Những tình cảm, đóng góp của TS. Nishimura Masanari mà thành quả đem lại đó chính là bảo tàng gốm Kim Lan, nơi để du khách tham quan, tìm hiểu về mảnh đất đã có nghìn năm lịch sử.
                                                                                                     Theo: Chinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

4
Đang xem:
72.519.511
Tổng truy cập: