TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Làng sơn mài Bình Dương trước nguy cơ mai một
(Ngày đăng: 24/08/2013   Lượt xem: 594)
Một điển hình của làng nghề truyền thống không có sự đầu tư để thích ứng được với thị trường trong thời kỳ hội nhập.

Chúng tôi trở lại làng sơn mài Tương Bình Hiệp, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương vào một ngày cuối tháng 8. Những tiếng nói cười í ới của thợ sơn mài, những âm thanh “quẹt..quẹt..” quen thuộc của những thợ tách sơn mài cũng thưa dần, không còn râm ran như vài năm về trước.

Nghệ nhân hơn 30 năm tuổi nghề tên Ngô Văn Hiền mà chúng tôi từng gặp 5 năm trước giờ đã bỏ nghề đi làm phụ hồ. Cùng thời với ông Hiền, ông Trần Văn Hiệp ở ấp 4, xã Tương Bình Hiệp dù rất yêu nghề nhưng vì cuộc sống, ông vẫn phải bỏ để phụ vợ bán hủ tiếu ở  đầu làng.

“Đúng ra một khi có nghề truyền thống là cha truyền con nối, phải giữ lấy làng nghề. Nhưng, tại sao phải bỏ ra đi. Tại vì làng nghề không có đầu tư. Không có tổ chức được cho bài bản. Khi đã làm truyền thống phải làm cho bài bản. Bây giờ, tại sao các em phải đi làm công nhân? Các em về làm sơn mài thì ai đầu tư? Đầu tư như thế nào cho chất lượng sản phẩm tốt mình mới xuất khẩu ra nước ngoài được”, Ông Hiệp xót xa.

Sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp nổi tiếng về độ tinh xảo.

Làng sơn mài Tương Bình Hiệp tính đến nay đã hình thành và phát triển được gần 200 năm. Vào những năm đầu Thế kỷ XX, Tương Bình Hiệp cùng với làng nghề điêu khắc gỗ Phú Thọ và làng nghề gốm sứ Chánh Nghĩa đã làm cho Thủ Dầu Một - Bình Dương nổi tiếng khắp cả nước về văn hóa truyền thống trong các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp được làm theo phương pháp thủ công vừa tinh xảo lại vừa bền. Trải qua nhiều thăng trầm, biến đổi, làng sơn mài Tương Bình Hiệp vẫn tồn tại đến hôm nay.

Sự sáng tạo, óc thẩm mỹ của những người thợ còn mang lại sự mới lạ cho các sản phẩm. Ngoài cách làm sơn mài truyền thống khảm vỏ ốc lên gỗ thì những người thợ còn dùng những chất liệu cẩn khảm từ tre, nứa, vỏ cây với các sản phẩm bình, chậu, tranh… nhiều kích cỡ khác nhau.

Các sản phẩm cũng ngày càng phong phú, phù hợp với yêu cầu của cơ chế thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Cũng chính nơi đây đã sản sinh ra nhiều thế hệ nghệ nhân tài hoa, đưa sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp đi nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản…

Điều đáng buồn là theo thời gian, số hộ gia đình làm nghề sơn mài ngày càng ít đi. Nếu như 5 năm về trước, toàn xã Tương Bình Hiệp có trên 400 hộ làm nghề sơn mài truyền thống thì hiện nay chỉ còn gần 100 hộ “đeo bám” nghề này.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự đi xuống của làng nghề truyền thống này. Khi có nguồn khách hàng dồi dào, nhiều cơ sở sản xuất sơn mài Tương Bình Hiệp đã thành lập doanh nghiệp để thuận tiện cho việc xuất khẩu hàng hóa, đồng thời sản xuất đại trà theo phương pháp công nghiệp. Là nghề thủ công truyền thống, nhưng lại sản xuất theo phương pháp công nghiệp cũng là một trong những nguyên nhân làm cho làng sơn mài Tương Bình Hiệp “chết” dần.

Trước đây, để làm ra một sản phẩm sơn mài thủ công, phải trải qua nhiều khâu đọan, từ việc tạo dáng gỗ đến mài nhám rồi vẽ hình, phủ sơn, đánh bóng. Hình ảnh được khắc họa lên sản phẩm sơn mài thường mang màu sắc dân gian như chim muông, hoa lá, phong cảnh thiên nhiên... với 25 thao tác.

Còn với lối sản xuất đại trà, một sản phẩm chỉ trải qua 10 thao tác. Lối sản xuất hàng loạt cũng khiến cho các nghệ nhân không kịp sáng tạo, nên hình hài bức tranh cũng không gần gũi và tinh xảo. Vì vậy, khách hàng cũng không còn ưa chuộng như xưa.   

Thực tế hiện nay cho thấy, ngoài khó khăn do giá cả vật tư tăng cao, làng nghề này còn bị thiếu nhân công, đặc biệt là nhân công có tay nghề cao. Nhiều người đã bỏ nghề làm sơn mài để đi làm những công việc khác có thu nhập cao hơn. Dấu hiệu mai một làng nghề truyền thống này ở Bình Dương đang trở nên rất gần.

“Khi doanh nghiệp tính giá với đối tác nước ngoài sẽ phải tính giá thành trong cả 1 năm, do vậy khi giá vật tư đầu vào tăng lên quá thì doanh nghiệp dễ bị lỗ. Hơn nữa, bây giờ sản xuất quy mô lớn cần phải được hỗ trợ về kỹ thuật, cải tiến phương thức sản xuất sao cho hiệu quả. Nhiều khi có đơn hàng lớn doanh nghiệp vừa không có đủ công nhân và kỹ thuật nên đã không thể làm cho nhanh và đẹp dẫn đến bị phạt hợp đồng là chuyện đương nhiên”, ông Lê Bá Linh, Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài tỉnh Bình Dương cho biết.

Làng tranh sơn mài Tương Bình Hiệp thuộc thành phố Thủ Dầu Một, là chiếc nôi của ngành sơn mài mỹ thuật Bình Dương với lịch sử gần 200 năm hình thành và phát triển. Thời hoàng kim, nơi đây có nhiều cơ sở, xí nghiệp quy mô sản xuất lớn , góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động  và đem lại thu nhập cao cho nhiều gia đình. Tuy nhiên, những năm gần đây, do không thích ứng được với thị trường, các cơ sở sản xuất trong làng nghề dần bị thu hẹp và có nguy cơ phá sản. Trong khi đó, những biện pháp mà tỉnh Bình Dương đưa ra nhằm bảo tồn làng nghề truyền thống này không mang lại hiệu quả thiết thực.
Trước thực trạng này, để vực dậy sức sống, đem lại sự hưng thịnh cho làng nghề làm tranh sơn mài Tương Bình Hiệp, đòi hỏi sản phẩm làm ra từ làng nghề phải có thương hiệu. Vấn đề xây dựng thương hiệu đang là vấn đề cấp thiết đặt ra cho các làng nghề truyền thống ở Bình Dương.

Với các sản phẩm truyền thống, thương hiệu không chỉ phát huy giá trị kinh tế mà còn phát huy giá trị giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Dương cần xây dựng chiến lược cho sự phát triển của làng nghề này, từ đó có sự đầu tư đồng bộ cho các cơ sở sản xuất và đầu ra cho sản phẩm.

Ông Huỳnh Tấn lợi, Chủ tịch UBND xã Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương cho biết, trước sự khó khăn của nhân dân trong việc vực dậy làng nghề sơn mài, Đảng ủy, UBND xã cũng có đề nghị với UBND và các ngành cấp trên, Sở Công thương cũng như Hiệp hội sơn mài cần bàn bạc, thống nhất và có 1 chương trình cụ thể để tháo gỡ từng vấn đề khó khăn cho làng sơn mài.

Làng sơn mài Tương Bình Hiệp đang trở thành một ví dụ điển hình của làng nghề truyền thống không có sự đầu tư, không thích ứng được với thị trường trong thời kỳ hội nhập. Nếu tình trạng này kéo dài, làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp sẽ khó tồn tại. Thật đáng buồn  khi chúng ta đang phải chứng kiến một nghề  truyền thống đặc trưng của vùng đất Nam bộ dần bị mai một./.

                                                                                                         Theo: VOV.VN

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

2
Đang xem:
72.519.489
Tổng truy cập: