TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Gánh nặng cuộc đời trên đôi vai mẹ
(Ngày đăng: 09/08/2013   Lượt xem: 633)
Họ là những người mẹ, người vợ vì miếng cơm, manh áo phải tạm rời bỏ làng quê, gia đình để lên thành phố làm cái nghề được coi là sự lựa chọn cuối cùng trong nghiệp mưu sinh: nghề thu gom phế liệu.



Khắc khoải những nẻo đường của những cô "ve chai”

Những mảnh đời ly hương 

Mới 5 giờ sáng, xóm "đồng nát” bãi An Dương (Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội) đã huyên náo bởi đội quân thu gom đồng nát khởi động một ngày làm việc mới. Dắt con xe đạp cà tàng có niên đại từ những năm 90, chị Đào Thị Thu (huyện Mỹ Hào, Hưng Yên) ngước lên nhìn trời rồi phán với mấy bà đồng nghiệp: "Trời hôm nay nắng to, chắc sẽ thu gom được nhiều hàng”. Với dân trong nghề đồng nát, khái niệm ngày đẹp trời đơn giản chỉ là không mưa, chứ nắng nóng đến 40 độ vẫn còn "tươi” chán. Nhai vội ổ bánh mỳ "không người lái” chị Thu than thở: "Mấy hôm rồi mưa bão, cả bọn nằm bẹp ở nhà chẳng kiếm được đồng nào. Mình đói một, lo con ở nhà đói mười”.

 Sinh ra ở mảnh đất thuần nông, học mới đến lớp 9, cả gia đình chị Thu chỉ biết trông chờ vào 2 sào ruộng. Nhưng khi khu công nghiệp đổ về Hưng Yên, ruộng mất, cả gia đình 6 miệng ăn trở nên khốn đốn. Chị Thu kể: Cả hai vợ chồng đều ít chữ, 2 đứa con đang ở tuổi đi học. Trong khi khu công nghiệp thì chỉ tuyển bọn trẻ, nên anh chị đành bỏ con cho ông bà chăm giúp, rồi cùng nhau lên Hà Nội kiếm sống. Gói ghém cân, bao tải sau yên xe, chị Thu nói vọng vào nhà nhắc chồng: "Ngủ ít thôi, để ý điện thoại thấy bảo hôm nay bên Quảng An người ta đập nhà. Có gì tôi gọi ra kiếm ít sắt.” 

Hành trình một ngày của dân đồng nát thường phải đạp xe gần 60 – 70km. Bên cạnh việc thu mua phế liệu, họ còn phải làm nhiệm vụ đi "rình” để tìm bới những đống rác có những phế liệu có thể tái sử dụng. Nói là "rình”, vì dân đồng nát đều phải nắm bắt rõ thời gian ở mỗi địa bàn dân cư giờ nào là giờ đổ rác để còn đến bới nhặt. "Phải nắm rõ giờ, chứ chậm một tí là xe thu rác đi thu gom, coi như mất trắng” - chị Xuân "đồng nghiệp” của chị Thu) chia sẻ. Nếu như trước kia dân đồng nát thường hoạt động đơn lẻ theo kiểu "thân ai người đấy lo” thì giờ đây họ đã có tổ chức thành những "hội” theo các vùng miền và phân rõ khu vực hoạt động. "Hội” Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương thì hoạt động khu vực quận Tây Hồ, Thanh Trì. "Hội” Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình thì hoạt động khu vực Thanh Xuân, Long Biên… 

Ruộng đất bị thu hẹp, những người phụ nữ nông thôn bỏ lại mẹ già, con nhỏ kiếm sống chốn phồn hoa, âu cũng là việc cực chẳng đã ở đời. Công việc hằng ngày vất vả, và cũng ối những câu chuyện rơi nước mắt. Chị Thành (quê Nam Định) nhớ lại: "Tôi làm ở khu vực Quảng An này cũng đã 8 năm rồi, lúc đầu thu gom đồng nát, rồi bê cây cảnh… Dần dà quen người ta giới thiệu làm việc dọn dẹp nhà theo giờ”. Tính nông dân thật thà, làm việc cẩn thận, chu đáo nên chị Thành được khá nhiều gia đình gọi đến dọn nhà. "Làm dọn dẹp như thế thường là 20 đến 30 nghìn/giờ. 

Ly nông, ly hương, kiếm được việc làm nơi đất khách và có thu nhập ổn định như chị Thu, chị Thành trong câu chuyện kể trên vẫn còn là điều may mắn. Một chút đượm buồn, chị Thành nhắc về "đồng nghiệp” cũ:  "Thương nhất vẫn là con bé Thắm hồi xưa ở cùng "hội”, nó lên làm được mấy tháng đi dọn nhà cho người ta. Không biết lau dọn thế nào nó bị điện giật, may mà không chết nhưng giờ nằm nhà nuôi báo cô”. Nhưng rồi vì cuộc sống mưu sinh, vì tương lai của con trẻ, vì cuộc sống, những người phụ nữ thôn quê ấy vẫn ngày ngày oằn vai gánh cả gánh nặng cuộc đời.



Gánh nặng cuộc đời trên vai những người phụ nữ thu gom phế liệu
Đồng nát cũng hết thời…

Cửa hàng thu mua phế liệu của ông Nguyễn Nam Hải (quê Nam Định) nằm ngay cạnh khu công nghiệp HANEL (Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội) chưa đến cuối giờ chiều đã đông đặc hàng chờ thu gom.

Nhưng đã mấy hôm nay, cửa hàng của ông Hải đã đầy ứ hàng mà không xuất được. Chỉ vào mấy chị đồng nát, ông bảo: "Chỉ ưu tiên mua của mấy bà là họ hàng ở quê thôi, cho họ kiếm tí cơm qua ngày. Cả phố này chỉ còn mỗi cửa hàng tôi chịu nhập hàng thôi đấy”. Quả thật trên con phố có hàng chục cửa hàng thu mua phế liệu giờ đã kín đặc hàng, từng đống sắt được chằng buộc kĩ càng rồi vứt ra vỉa hè. 

Rồi ông Hải cho hay: Quanh khu vực này có "binh đoàn” đồng nát quê Nam Trực, Nam Định, có 11 đôi vợ chồng cả thảy, vợ nhặt rác, thu mua đồng nát, chồng làm thuê, thỉnh thoảng có công trình nào phá bỏ thì mò đến đập bê tông kiếm tí sắt thép. Chị Thành ("Hội trưởng” "Hội” đồng nát Nam Định) kể: "Hội Nam Định tập trung ở đây được gần 3 năm rồi. Bỏ về quê cũng đã 4 đôi. Chúng tôi đi rạc cẳng cả ngày cũng chỉ đủ ăn thôi. Vui miệng chị Thành kể thêm: Tính hết tháng này, lấy xong "bát họ” (mỗi đôi vợ chồng của "binh đoàn” này đóng 500.000đ/tháng cho một người lấy để mỗi lần lấy còn được một món kha khá) thì hai vợ chồng chị cũng dắt nhau về quê thôi, bao giờ tình hình kinh tế khá hơn, sẽ lại ra Hà Nội làm nghề thu gom đồng nát.

Về điều này, ông Hải chia sẻ: Mình là chủ hàng cùng lắm chỉ mất tiền thuê nhà, dân thu gom đồng nát mới khổ, ai đời sắt vụn trước đây 8.000 đ/kg chạy hàng tơi tới mà bây giờ nhập 1.500 đ/kg mà cứ lo ngay ngáy. Ai đời đèo tạ hàng mà lãi chưa được ba chục nghìn thì có khổ không… Mấy tháng trở lại đây, giá đồng nát sụt kinh khủng, gần như mặt hàng nào cũng giảm giá 50 - 70%, thậm chí còn hơn nữa. Có sự sụt giảm khủng khiếp này đơn giản chỉ vì các đơn vị tái chế đều ngừng hoạt động. 

Mấy chủ hàng tại đây giải thích: Do các công ty không nhập vào nên đang có tình trạng "sắt ăn thịt người”, mỗi ngày không bán được là một ngày nó ngoạm thêm mình miếng thịt… Thấy chúng tôi khó hiểu trước cụm từ lạ lẫm, ông Hải giải thích: "Cửa hàng tôi để được khoảng 5 tấn sắt, thuê mất 3 triệu/tháng. Không bán được mỗi ngày nó ngoạm của tôi mất 100.000 đồng còn gì. Mấy bãi đất trống quanh đây cũng bị thuê hết rồi. Không buôn bán được cũng không bỏ cửa hàng được, hàng hoá còn đầy trong ấy, đến tháng vẫn phải trả tiền thuê nhà. Mấy vị ngắn vốn phải bán lại cả cửa hàng cho mấy người trường vốn rồi đấy”. 

 Cái cụm từ "Khủng hoảng kinh tế” nghe thật xa lạ nhưng nó đã, đang tác động đến cái nghề lương thiện bần cùng nhất. Và một quy luật nữa được minh chứng: Những khó khăn, những khủng hoảng ở tầm vĩ mô bao giờ cũng gõ cửa dân lao động nghèo trước tiên…
                                                                                                    Theo: daidoanket
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

15
Đang xem:
72.516.141
Tổng truy cập: