TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Kí sự nghệ nhân Làng Nghề - Nhịp phách làng nghề Sơn Đồng
(Ngày đăng: 21/03/2012   Lượt xem: 2733)

Cách trung tâm thủ đô khoảng 15km, làng nghề truyền thống Sơn Đồng (Hoài Đức - Hà Nội) được biết đến là nơi giữ gìn và phát triển những tinh hoa văn hóa trong nghệ thuật điêu khắc của nước ta. Những nghệ nhân ở đây luôn tận tâm, tận lực thổi hồn vào từng sản phẩm; hàng của họ đã được mang đi giới thiệu với bạn bè quốc tế như một nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam

Lần theo con đường quốc lộ 32, chúng tôi đến Sơn Đồng vào một ngày tháng 3. Con đường nhựa đang làm như vạch một nét ngang ngay cạnh ngôi làng có lịch sử làm nghề điêu khắc đã hàng trăm năm tuổi. Sơn Đồng đang vào mùa điêu khắc tượng, đi dọc các ngõ trong làng, tiếng chạm gỗ nhịp nhàng vang lên đều đặn như những tiếng phách chèo không khỏi làm người ta xốn xang.

Đón chúng tôi tại UBND xã là Hiệp hội nghệ nhân làng nghề Sơn Đồng. Trong câu chuyện trà nước, nghệ nhân Nguyễn Viết Thanh – chủ tịch hội nghệ nhân cho biết: đến giờ, lớp con cháu của làng gỗ Sơn Đồng không ai còn nhớ rõ xuất xứ của nghề, chỉ biết rằng sản phẩm của làng nghề đã được xác định từ hàng trăm năm nay. Người làng Sơn Đồng không chỉ tài tình trong nghề sơn, tạc, tạo ra được những bức tượng Phật bà nghìn tay, nghìn mắt, tượng ông Thiện, ông Ác, tượng La Hán, kiệu bát cống.. nổi tiếng trong cả nước, mà từ cái thời xa xưa ấy, người Sơn Đồng đã biết nhắc nhau phải luôn kính trọng nghề tổ tiên ban tặng cho mình và luôn giữ vững tinh thần đoàn kết, anh em trong nghề phải yêu thương, giúp đỡ, bao bọc lẫn nhau. Lớp nghệ nhân già là điểm tựa, lưu giữ nhiều giá trị truyền thống quý báu của làng nghề, còn nghệ nhân trẻ là điểm đột phá, đưa làng nghề phát triển.

           

                         Chân dung nghệ nhân Nguyễn Viết Thạnh

Rời UBND xã, chúng tôi bắt đầu vào cuộc hành trình chính của mình, đi gặp gỡ và thăm xưởng điêu khắc gỗ của các nghệ nhân. Làng nghề tạc tượng sơn son Sơn Đồng có cấu trúc giống như một mảnh trăng lưỡi liềm. Có một trục lộ chính chạy từ đầu này đến đầu kia của làng, từ đó tỏa đi khắp các con ngõ sâu, cong queo và lắt léo.

          

Gỗ - nguyên liệu chính được phơi rải rác khắp các con đường làng. Đây là loại gỗ mít được lấy từ những khu rừng có độ tuổi ít nhất hơn 100 năm

Xưởng gỗ của nghệ nhân Nguyễn Danh Sơn nằm ngay trên trục đường chính là điểm đến đầu tiên của chúng tôi. Mặc tuổi đời còn khá trẻ nhưng anh đã có ngót 20 năm làm nghề điêu khắc gỗ. Với anh, người làm nghề sơn son thiếp vàng không chỉ kinh doanh vì lợi nhuận mà còn phải biết giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Anh tâm sự: “Có một thời đình chùa miếu mạo chưa được coi trọng đúng mức, ngay cả bàn thờ gia tiên trong mỗi gia đình cũng chưa được chú ý tôn tạo thì công việc của người thợ sơn son thiếp vàng cũng chẳng được mấy ai để ý tới, thậm chí có lúc còn phải làm “chui”. Bây giờ thì đã khác nhiều lắm rồi. Nơi thờ phụng tổ tiên ông bà, nơi thờ cúng các danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc đã trở thành nơi tụ hội thiêng liêng, nơi sinh hoạt văn hóa, giáo dục truyền thống và lòng yêu nước, vì thế công việc cũng có phần thuận lợi hơn”.

         

                     Nghệ nhân Nguyễn Danh Sơn bên tác phẩm

Chia tay nghệ nhân Nguyễn Danh Sơn, chúng tôi men theo con đường nhỏ trong làng đến nhà nghệ nhân Nguyễn Viết Thắng. Mặc dù nằm sâu trong làng nhưng không khó để nhận ra xưởng gỗ của anh. Một nếp nhà cổ nằm yên bình bên ao làng. Và thật may mắn khi chúng tôi lại được dịp gặp cụ Nguyễn Viết Thạc –  một cao niên trong làng về nghề chạm gỗ và cũng là ông nội của nghệ nhân Thắng. Mặc dù đã ở vào cái độ tuổi xưa nay hiếm nhưng cụ Thạc vẫn còn nhanh nhẹn và mỗi khi nhắc đến chạm gỗ, mắt cụ không khỏi ảnh lên niềm tự hào.

                       

                            Chân dung nghệ nhân Nguyễn Viết Thạc
Cụ Thạc cho biết nghề điêu khắc gỗ có 4 công đoạn chính là chế biến gỗ, vẽ mẫu, chạm khắc và sơn son thiếp vàng.

         

                                 Từ những ván gỗ mít dẻo và dai

        

                                       Người thợ bắt đầu vẽ mẫu

        

                                                           dập nổi

        


        

 Chạm gỗ đòi hỏi người thợ phải có đôi bàn tay khéo léo, sự kiên trì và tỉ mỉ

                   

                Những tượng gỗ sau khi đã được sơn và làm bóng.

Các sản phẩm tại làng nghề Sơn Đồng rất phong phú, đa dạng, bao gồm: tượng Phật, tượng Thánh tại các đền chùa, đồ thờ, câu đối, hoành phi, kiệu, võng… mỗi nghệ nhân lại sáng tạo thêm kiểu dáng, hoa văn. Tuy nhiên, theo nghệ nhân Nguyễn Viết Huân, sản phẩm thể hiện nét tài hoa nhất của người thợ Sơn Đồng chính là tượng Phật. Tượng Phật của lang Sơn Đồng rất phong phú và đa dạng và người nghệ nhân phải là người nắm bắt hết được cái hồn, cử chủ, nét mặt, màu áo và cả vị trí của tượng Phật.

        

Một bức tượng thổ Kim Cương trong xưởng của nghệ nhân nguyễn Viết Huân

                         

     Tượng Phật La Hán với những đường nét mền mại, sống động

             

                      Tượng Phật tổ với khuôn mặt từ bi hỉ xả

              

                        Tượng Hộ Pháp Thiện - Ác

Với lòng yêu nghề, yêu truyền thống lịch sử cha ông, người làng Sơn Đồng đang từng ngày cố gắng phát triển hơn nữa nét độc đáo của ngành điêu khắc gỗ nơi đây. Chia tay Sơn Đồng mà lòng tôi thấy nao nao về một cõi tâm linh làng nghề.

Một số các tác phẩm tiêu biểu khác của những người thợ chạm gỗ Sơn Đồng.

          

Tượng mẫu thượng ngàn của nghệ nhân Nguyễn Viết Thạc

           

                 Bình hoa sen của nghệ nhân Hùng

    

                  Một tác phẩm khắc của nghệ nhân Dần

     

               Tượng của nghệ nhân Nguyễn Viết Thắng

                                                                           Mai Hà
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

27
Đang xem:
72.473.130
Tổng truy cập: