TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Ðại Mão phát triển nghề truyền thống
(Ngày đăng: 20/07/2013   Lượt xem: 486)

Một xưởng may màn ở thôn Ðại Mão.

Nằm bên dòng sông Ðuống bát ngát phù sa với những bãi ngô xanh ngát, thôn Ðại Mão, xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) hôm nay khởi sắc với những con đường bê-tông chạy dài, những ngôi nhà khang trang mới xây. Ðó là những thành quả bước đầu nhờ nghề sản xuất màn khung độc đáo của người dân nơi đây.

Nằm giữa trung tâm xã Hoài Thượng, làng Ðại Mão xưa kia quanh năm chỉ làm nông nghiệp, cuộc sống người dân thiếu thốn trăm bề. Không cam cảnh một nắng hai sương với ruộng đồng, người dân quyết khôi phục nghề truyền thống cha ông để lại. Dăm năm nay, từ nghề làm màn khung, cuộc sống của người dân đã phần nào bớt khó khăn vất vả, nhiều gia đình giàu lên. Xã Hoài Thượng có chín thôn, với hơn 40% số hộ gia đình làm nghề, trong đó Ðại Mão chiếm hơn 80% số gia đình làm màn. Chị Nguyễn Thị Thanh, một công nhân cho biết: "Việc làm màn tuy đơn giản nhưng phải có kỹ thuật may khéo léo, thực hiện nhuần nhuyễn các công đoạn: cắt, ve dây vào màn, máy...". Thôn Ðại Mão hiện có ba công ty là Công ty TNHH Quang Hưng, Công ty TNHH Hoài An, Công ty TNHH Nam Tiến và hơn 100 xưởng nhỏ lẻ mở tại nhà. Phó Giám đốc Công ty TNHH Nam Tiến Lê Thị Lai cho biết: "Nghề may màn này do các cụ để lại nhưng trước kia làm ăn nhỏ lẻ và mang tính tự phát chứ không làm theo mô hình tập thể như bây giờ". Công ty Nam Tiến hiện có hơn 100 công nhân với mức lương trung bình từ 3 đến 4 triệu đồng/người/tháng, nhiều người có tay nghề có thể đạt mức lương 6 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, công ty cho ra thị trường khoảng năm đến sáu nghìn sản phẩm hoàn thiện, mang lại thu nhập gần một tỷ đồng. Có năm, công ty đạt kỷ lục 18 tỷ đồng/năm. Do chưa tự sản xuất được nguyên liệu là vải màn, cho nên các công ty ở đây phải nhập nguyên liệu, chủ yếu là từ Công ty May 10. Hằng năm, Công ty May 10 tổ chức cuộc thi "Bàn tay vàng" và đã có nhiều công nhân thôn Ðại Mão đoạt giải.

Nghề làm màn ở đây bắt đầu phát triển từ năm 2004. Thời điểm đầu chỉ có vài người làm theo cách thức sản xuất thủ công màn dây, màn sào đem bán rong ở những vùng chung quanh khu vực. Vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, người dân Ðại Mão nhạy bén trong tiếp cận xu hướng nhu cầu thiết yếu của thị trường, họ đã không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách thiết kế kiểu dáng mới: Sản phẩm màn khung mạ inox gọn gàng, hoa văn độc đáo, đang chiếm được thị hiếu của người dân khắp nơi. Màn khung đa dạng, nhiều mẫu mã giá thành cũng rất phong phú dao động từ 100 đến 300 nghìn đồng/bộ, hầu hết được sản xuất tại các gia đình, còn màn xuất khẩu được sản xuất tập trung tại các công ty trong thôn. Với đôi tay thoăn thoắt khi vào màn, chị Loan, người đã gắn bó với nghề may màn được bảy năm vẫn chăm chú làm việc, cho biết: "Công việc không vất vả, đơn giản nhưng đòi hỏi phải có kỹ thuật và đôi tay khéo léo, sản phẩm mới đẹp và không bị lỗi".

Bên cạnh những cơ sở sản xuất tập trung, nhiều sản phẩm được xuất đi thì không ít gia đình lấy việc bán rong làm hướng tiêu thụ chính. Họ tập trung mỗi đoàn khoảng năm đến bảy người đem sản phẩm quảng bá khắp nhiều vùng kể cả các tỉnh ở phía nam. Chị Trần Thị Lưu, người chuyên chạy chợ màn khung cho biết, tuy công việc vất vả, rong ruổi cả ngày ngoài đường nắng gió nhưng có thu nhập, trung bình mỗi ngày chị kiếm được 300 đến 500 nghìn đồng.

Trưởng thôn Ðại Mão Nguyễn Ðình Quế cho chúng tôi biết: "Trước đây, người dân trong thôn chỉ biết làm ruộng cấy lúa, không có nguồn thu nào khác, nên cuộc sống khó khăn. Từ khi nhu cầu sử dụng màn với kiểu dáng đẹp của người dân phát triển, thì nghề làm màn khung cũng theo đó phát triển theo. Nhiều người mạnh dạn làm với quy mô lớn. Sản phẩm này là nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng cho nên công việc ổn định, tạo điều kiện công ăn việc làm cho nhiều người lao động".

Ðại Mão đang từng ngày khởi sắc nhờ bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, đạt hiệu quả kinh tế cao, đem lại nhiều việc làm cho người dân. Ðây được xem là động thái tích cực trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.

                                                                                                               Theo: Nhân Dân

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

15
Đang xem:
72.516.072
Tổng truy cập: