TIN TỨC - VẤN ĐỀ HÔM NAY
Làng guốc Yên Xá - Trăn trở chuyện bảo tồn
(Ngày đăng: 20/07/2013   Lượt xem: 1150)
Làng Yên Xá (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) từng được ví như "kinh đô" của nghề guốc, nơi cung cấp một lượng guốc lớn cho Hà Nội, các vùng trong cả nước và xuất khẩu sang nhiều nước.
Tuy nhiên, hiện nay nghề làm guốc đã làm nên tên tuổi của làng Yên Xá có nguy cơ bị mai một khi người tiêu dùng không còn mặn mà với guốc, trong khi vẫn chưa có một phương án khả thi để bảo tồn nghề truyền thống của làng.
 
Yên Xá vốn nổi tiếng với các nghề truyền thống như nghề tơ sợi, nghề dệt, nhưng nghề làm guốc với các sản phẩm bền đẹp, mẫu mã phong phú đã giúp làng khẳng định được tên tuổi của mình. Nhưng đó là câu chuyện của nhiều năm về trước. Đến Yên Xá bây giờ, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi dấu tích của một làng nghề làm guốc nổi tiếng đã không còn. Nếu như trước đây, dân làng, từ già đến trẻ, từ phụ nữ đến đàn ông đều tham gia vào các công đoạn sản xuất guốc mà không có đủ hàng để bán. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các loại giày dép thời trang khiến người tiêu dùng gần như quay lưng với nghề làm guốc và số hộ làm guốc giảm nhanh chóng. Dù rất yêu nghề, nhưng do không thể sống được bằng nghề nên số hộ làm guốc giờ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

Dù khó khăn về thị trường nhưng một số hộ dân ở Yên Xá vẫn muốn lưu giữ nghề làm guốc

Theo sự chỉ dẫn của các cụ trong làng, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân Trương Công Đức, một trong số ít hộ còn nối nghiệp làm guốc, ông cũng chính là nghệ nhân bàn tay Bạc đã chế tạo đôi guốc lớn nhất Việt Nam. Nghệ nhân Trương Công Đức chia sẻ: "Tôi kế thừa cái nghiệp này từ tổ tiên để lại, cũng đã được ba thế hệ. Nghề làm guốc thấm vào máu, chừng nào còn làm được thì tôi sẽ vẫn cố để giữ nghề". Để làm ra đôi guốc phải mất rất nhiều công đoạn. Từ cây gỗ phải cưa khúc, bổ khổ sau đó cho vào máy xẻ, tiếp đến là công đoạn mài thô, sau khi mài thô ta sẽ định hình được hình dạng của chiếc guốc. Tiếp đến là công đoạn mài bóng, mài nhẵn và phun sơn. Công đoạn cuối cùng là đóng đế và quai, thế là chiếc guốc đã có thể đưa ra ngoài thị trường. "Tuy nghề làm guốc vất vả là thế nhưng đổi lại thu nhập lại không đáng kể, gia đình nào tâm huyết cũng đành bỏ nghề" -Ông Trương Công Đức bộc bạch. Với một thợ lành nghề như ông Đức có thể ngày làm ra 30 đôi guốc, đem về thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. "Làm guốc quan trọng là phải khéo tay và có con mắt nghệ thuật tinh tế mới làm được. Làm lần lượt từng công đoạn, công đoạn nào cũng quan trọng, chỉ cần sai sót một chút là hỏng luôn đôi guốc".

Rời nhà nghệ nhân Trương Công Đức, đến với gia đình anh Vũ Văn Thiều, là một trong những gia đình còn sót lại của làng với nghề chế tác guốc mộc. Tại xưởng nhà anh Thiều, những đôi guốc chưa thành phẩm và gỗ nguyên liệu chất đầy một góc sân nhà. Anh Thiều cho biết: Không giống như nhiều gia đình trong làng Yên Xá có truyền thống làm nghề guốc mộc cha truyền con nối, nhà tôi chưa làm nghề này bao giờ. Tuy nhiên sống trên đất làng nghề khiến nghề guốc bén duyên với mình. Tôi đã học hỏi những bậc tiền bối trong làng, nhờ sự khéo léo, sáng tạo liên tục tôi cũng trở thành một thợ làm guốc chuyên nghiệp. Nhưng nghề không nuôi sống được cho gia đình, tôi đành làm nghề khác để có tiền trang trải cuộc sống, giờ đây tôi chỉ tranh thủ làm hàng lúc nông nhàn hay vào những ngày nghỉ cuối tuần".

Guốc có rất nhiều loại khác nhau, nhưng chia ra thành 2 loại chính: Guốc thời trang và guốc thô. Trong đó, guốc thời trang là mặt hàng được đặt nhiều hơn và phần lớn là xuất khẩu, còn guốc thô được mua với số lượng ít để bán lẻ ở các chợ và cho các lớp võ cổ truyền cũng như các vở nhạc kịch. Giá cả hai loại guốc này phụ thuộc vào độ tinh tế trong khâu chế tác từng loại guốc. Thông thường, một đôi guốc thời trang nhập với giá 95.000 đồng/đôi, còn giá một đôi guốc mộc thô giá 17.000 đồng/đôi. "Bây giờ người ta đi guốc nhựa, guốc xốp nhiều, làm guốc mộc thì không đủ trang trải cho cuộc sống. Chi phí để mua gỗ xoan, đinh, quai và tiền điện máy làm guốc đã lên đến 14.000 đồng/đôi, trong khi đó bán ra chỉ được 17.000 đồng/đôi. Lời lãi chẳng được bao nhiêu nên mọi người đều phải chuyển sang làm nghề khác hoặc kinh doanh, xây nhà trọ cho thuê".

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về chính sách khôi phục và định hướng phát triển làng nghề, ông Nguyễn Văn Đức - Phó Trưởng thôn Yên Xá cho biết: Dù rất mong muốn giữ gìn và phát huy làng nghề nhưng trong thời buổi kinh tế hiện nay là rất khó khăn. Bởi hàng guốc rất cần mẫu mã đẹp và thời trang. Do vậy, người dân không còn mấy thiết tha với việc làm guốc vì lợi nhuận mang lại thấp, và không còn mấy ai đặt guốc, đi guốc. Kinh tế chủ yếu của Yên Xá dựa vào việc cho thuê nhà trọ và buôn bán.

Dẫu biết sự thất thế của guốc mộc trước những mẫu mã giày, dép thời trang là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, để đôi guốc mộc Yên Xá không chỉ tồn tại trong ký ức của người dân, các cơ quan chức năng nên kêu gọi các nhà thiết kế trong và ngoài nước tạo ra những mẫu mã mới, đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng. Ngoài ra, việc kết hợp với các doanh nghiệp lữ hành đưa khách du lịch tham quan làng nghề, vừa góp phần bảo tồn nghề truyền thống vừa tạo thêm thu nhập cho người dân.

                                                                                           Theo: KT & ĐT

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

24
Đang xem:
72.515.847
Tổng truy cập: