MẪU MÃ & XU HƯỚNG (TREND) - ỨNG DỤNG
Thời 4.0 của thủ công mỹ nghệ
(Ngày đăng: 12/12/2022   Lượt xem: 202)

Thủ công mỹ nghệ Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để được kỳ vọng là một ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa khác phát triển. Mặt hàng này được dự báo kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 4 tỷ USD vào năm 2025. Đặc biệt, trong thời 4.0, thủ công mỹ nghệ còn mang lại lợi nhuận nhiều hơn nếu từ nhà sản xuất, doanh nghiệp đến nhà quản lý tận dụng được lợi thế của công nghệ, cũng như thương mại điện tử. Tuy nhiên, làm gì để khắc phục những điểm yếu, đồng thời gỡ rào cản cho ngành còn rất nhiều dư địa phát triển này là những vấn đề cấp thiết đặt ra.
Bộ đĩa pháp lam Long Phụng của nhóm tác giả Đỗ Hữu Triết, Trần Nam Long và Nguyễn Quốc Hiếu, TP Huế đạt giải Nhất Hội thi Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam 2020.  
Bộ đĩa pháp lam Long Phụng của nhóm tác giả Đỗ Hữu Triết, Trần Nam Long và Nguyễn Quốc Hiếu, TP Huế đạt giải Nhất Hội thi Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam 2020.  

Tinh hoa đất nước, tâm hồn người Việt

Festival Làng nghề Việt Nam năm 2022 tại Hà Nội vừa khép lại nhưng mở ra khá nhiều cơ hội, thúc đẩy phát triển sáng tạo cho công nghiệp văn hóa bởi Hội thi Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã tạo ấn tốt đẹp với những sản phẩm chất lượng. Ngắm nhìn giải đặc biệt thuộc về sản phẩm bàn ăn mây tre của tác giả Kha Văn Thương (Nghệ An).

5 sản phẩm đạt giải Nhất gồm: Chào mào hót (chạm bạc) của tác giả Quách Phan Tuấn Anh (Hà Nội); Sản phẩm cây lúa (điêu khắc gỗ) của tác giả Vũ Văn Hoan (Hưng Yên); Bộ bàn ghế lưu thủy (gốm sứ) của tác giả Hoàng Long (Hà Nội); Đôi chim sếu (chỉ vải) của tác giả Lê Văn Nguyên (Hà Nội) và sản phẩm Lọ hoa trang trí (tre nứa) của tác giả Hồ Mai Hương (Hà Nội)… Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan bày tỏ, chúng ta hãy nhìn sản phẩm thủ công mỹ nghệ là tinh hoa của đất nước, tâm hồn của người Việt, để thấy được sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam tự tin đặt ngang hàng với sản phẩm của các nước trên thế giới.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ: Đất nước Việt Nam có truyền thống lịch sử với hàng nghìn làng nghề, tạo ra nhiều sản phẩm thông qua bàn tay tinh tế của những nghệ nhân. Vật liệu có thể mộc mạc như cục đất, cây tre, nứa, lá, khúc gỗ... nhưng qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, thợ giỏi, chúng đã trở thành những sản phẩm có hồn. Tuy nhiên, để có được một sản phẩm có hồn thì người tạo ra nó đã gửi gắm tất cả trí tuệ, tài hoa, sức sáng tạo, khát vọng vào trong đó.
Bình hoa, giải Nhì tại Festival Làng nghề Việt Nam năm 2022.  

Bình hoa, giải Nhì tại Festival Làng nghề Việt Nam năm 2022.  

"Chúng ta sẽ nói với thế giới rằng, người Việt có thể làm được tất cả sản phẩm mà các nước làm được, thậm chí còn làm tốt hơn, tinh tế hơn. Bởi lẽ, chúng ta tạo nên sản phẩm đó bằng giá trị Việt, tâm hồn Việt và con người Việt”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Mới đây, nhiều sản phẩm làng nghề truyền thống Hà Nội được trưng bày giới thiệu tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2022 (diễn ra từ ngày 11-18/11) cũng khiến du khách trong và ngoài nước ngạc nhiên bởi những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo và đẹp mắt.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch TP Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh, các làng nghề truyền thống thực sự là nguồn tài nguyên du lịch văn hóa đặc sắc, là thế mạnh để phát triển loại hình du lịch làng nghề. Đặc biệt, sau khi Hà Nội chính thức trở thành thành viên mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, thì làng nghề Việt Nam càng trở thành một phần không thể thiếu trong việc nâng cao giá trị thẩm mỹ, giá trị kinh tế góp phần đưa Hà Nội trở thành trung tâm hội tụ thiết kế và đổi mới ở khu vực - kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á.

Chia sẻ về nghề thủ công mỹ nghệ ở Việt Nam, GS.TS Từ Thị Loan - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết: Thủ công mỹ nghệ có truyền thống lịch sử lâu đời gắn với rất nhiều tên tuổi các làng nghề, phố nghề trải rộng khắp cả nước. Từ hình thức là những công việc phụ trợ lúc nông nhàn, tranh thủ kiếm thêm thu nhập, thủ công mỹ nghệ dần dần phát triển thành một nghề độc lập, một ngành kinh tế chính. Nghề này lúc đầu chỉ được truyền bá trong các gia đình cha truyền con nối, sau đó dần lan truyền ra cả làng hay nhiều làng, có sự phân hóa và chuyên môn hóa để hình thành nên những làng nghề chuyên sâu, như: làng gốm, làng chiếu, làng lụa, làng chạm gỗ, làng đồ đồng, đồ chạm bạc, thêu ren…
Bình gốm Bát Tràng, giải Ba tại Festival Làng nghề Việt Nam năm 2022.  

Bình gốm Bát Tràng, giải Ba tại Festival Làng nghề Việt Nam năm 2022.  

Theo số liệu của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có 5.411 làng nghề và làng có nghề. Số hộ và cơ sở ngành nghề ở nông thôn tăng lên với tốc độ bình quân 8,8 - 9,8%/năm. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân của làng nghề khoảng 15%/năm. Riêng ngành thủ công mỹ nghệ đã tạo ra mặt hàng chủ lực của làng nghề, thu hút khoảng 1,5 triệu lao động.

Có thể kể đến những làng nghề nổi tiếng như: gốm Bát Tràng, gốm Phù Lãng, lụa Vạn Phúc, khảm trai Chuyên Mỹ, mộc La Xuyên, tre đan Bằng Sở, đúc đồng Đại Bái, đá mỹ nghệ Ninh Vân, chạm bạc Đồng Xâm… Ngoài việc phục vụ thị trường nội địa rộng lớn cũng như du khách quốc tế đến Việt Nam, nhiều năm qua hàng thủ công mỹ nghệ luôn nằm trong Top 10 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam. Đến nay, các sản phẩm của chúng ta đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ, với giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,7 tỷ USD mỗi năm, chiếm gần 10% nhu cầu của thị trường toàn cầu.

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam được thị trường quốc tế ưa chuộng bởi bên cạnh sự tinh tế, tài khéo của sản phẩm còn toát lên những nét đặc sắc, độc đáo của văn hóa dân tộc. Hoa Kỳ là một trong những thị trường tiêu thụ lớn nhất của Việt Nam với doanh số chiếm 35% kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Bên cạnh đó là các thị trường khác như: Nhật Bản, Liên minh châu Âu (đặc biệt là Đức, Anh, Pháp, Hà Lan), Australia, Hàn Quốc...

Ở khu vực châu Á, Việt Nam đứng thứ hai trong số các quốc gia xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, chỉ sau Trung Quốc. Chúng ta đang có cơ hội rất lớn để thúc đẩy tăng trưởng cũng như nâng cao vị thế của ngành hàng này trong bối cảnh các nhà nhập khẩu trên thế giới có xu hướng muốn tìm kiếm nguồn hàng từ các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Tiềm năng là vậy nhưng vấn đề đầu ra, thương hiệu, quảng bá sản phẩm chưa được bài bản là vấn đề chung của các làng nghề và ngành thủ công mỹ nghệ nói riêng. Bên cạnh đó nội tại ngành thủ công mỹ nghệ vẫn còn nhiều rào cản khiến ngành chưa có sức bật để tạo ra những thương hiệu cạnh tranh.

“Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã xác định thủ công mỹ nghệ là một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa mà Việt Nam cần ưu tiên phát triển. Như vậy, để thủ công mỹ nghệ trở thành “mũi nhọn” ngành công nghiệp văn hóa phải có những bước đi kiên quyết để tạo đột phá.
Nghệ nhân làng nghề giới thiệu  sản phẩm Lồng bàn đan mây đạt giải nhất tại Hội thi sản phẩm Thủ công Mỹ nghệ Việt Nam 2020.  
Nghệ nhân làng nghề giới thiệu  sản phẩm Lồng bàn đan mây đạt giải nhất tại Hội thi sản phẩm Thủ công Mỹ nghệ Việt Nam 2020.
  

Điểm yếu ở đâu?

Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) cho biết, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam rất đa dạng với con số thống kê có 8.500 sản phẩm nhưng còn gặp khó khăn trong vấn đề thương mại hóa, nâng cao giá trị. Bởi vậy, câu hỏi lớn nhất lúc này là làm thế nào để tiếp tục phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Làm thế nào để nghệ nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp đẩy mạnh hơn nữa trong phát triển thủ công mỹ nghệ nói chung cũng như sản phẩm thủ công mỹ nghệ đạt chuẩn trong tương lai? Thống kê từ Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cũng cho thấy, thị trường tiêu thụ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam vẫn chủ yếu ở trong nước, chiếm 80-90%. Đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài.

Cho rằng, thủ công mỹ nghệ chưa được hưởng nhiều chính sách, nhất là những chính sách thúc đẩy, hỗ trợ phát triển, GS.TS Từ Thị Loan nêu ra các hệ lụy, như: Khó tiếp cận các nguồn lực của Nhà nước, chưa thu hút được nguồn lực của toàn xã hội, chưa phát huy được tối đa tiềm năng, thế mạnh của ngành...

Đánh giá về khả năng cạnh tranh sản phẩm làng nghề cũng như sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam so với các quốc gia xuất khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ nổi tiếng thế giới như Ấn Độ, Trung Quốc, chuyên gia thủ công mỹ nghệ Vũ Huy Thiều cho biết: Ưu thế của các nghệ nhân của chúng ta đó là tay nghề vô cùng tinh xảo. Nếu so với sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các nước, có thể nói, độ tinh xảo của sản phẩm Việt là khá tốt, nhưng điểm yếu lại là công năng sử dụng. Do không gần gũi thị trường, không hiểu nhu cầu của người khách đối với sản phẩm đó để làm gì.

“Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam có hạn chế rất lớn đó là không gần gũi với thị trường, việc này cũng có thể coi là nhược điểm. Nguyên nhân do các nghệ nhân thường làm việc tại nhà và ít có điều kiện tiếp xúc với thị trường, nhất là thị trường nước ngoài. Ví dụ như sản phẩm gốm, trang trí rất đẹp nhưng hình dáng không thay đổi mấy.

Hay đối với một số sản phẩm mây tre đan đi vào các chi tiết quá cầu kỳ, không thể hiện được sản phẩm đó sẽ trưng bày ở đâu, dùng làm việc gì. Mục đích của các sản phẩm thêu mới chỉ để trưng bày, trang trí”, ông Thiều phân tích, đồng thời cho rằng, những việc này cần phải tính toán. Bởi chỉ để trưng bày không thì cần đạt mức độ nghệ thuật rất cao, còn nếu để trang trí thì cần thấy rõ trang trí vào không gian nào, phòng khách khác với phòng ăn. Có thể nói, các nghệ nhân của chúng ta đang gặp khó khăn và chưa hiểu rõ được khách hàng của mình. Do đó, các sản phẩm của chúng ta nhiều khi được làm rất cầu kỳ nhưng nhiều khi chưa đạt được hiệu quả về mặt kinh tế.

Mặt khác, đang có một nghịch lý, để các làng nghề duy trì sự tồn tại và phát triển bền vững, thương mại điện tử được cho là một hướng đi cần thiết, trong khi đó ở chính các làng nghề, hoạt động thương mại điện tử còn chưa thực sự phát triển, giao dịch bán hàng trên internet còn nhiều hạn chế… Do đó câu chuyện cạnh tranh thời 4.0 của hàng ngàn làng nghề và làng có nghề trên cả nước cũng là vấn đề được đặt ra.

                                             Theo:  daidoanket.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.668.216
Tổng truy cập: