MẪU MÃ & XU HƯỚNG (TREND) - ỨNG DỤNG
(49)- Cà phê cổ vật níu hồn Đà Lạt xưa
(Ngày đăng: 12/10/2022   Lượt xem: 97)

Hơn ba năm mới trở lại Đà Lạt, tôi cứ bị ám ảnh bởi bao nhiêu câu chuyện như tốc độ đô thị hóa, gia tăng dân số và nhà kính kéo theo nhiều hệ lụy.

Hoa và rau củ vẫn sản xuất đều đặn nhưng nhiệt độ thay đổi, rồi kẹt xe, ngập úng lan rộng, rừng thông giảm, thác bị lão hóa và sương mù trở nên  đỏng đảnh hơn. Khách sạn bê tông khối như áp đảo các biệt thự cổ; văn hóa các tộc người thiểu số ngày càng phôi pha…

Dân kinh doanh ở Đà Lạt rất nhạy bén, liên tục có nhiều điểm đến mới, lạ. Du khách tha hồ check - in và livestream. Người hoài cổ lo lắng. Người sống nội tâm băn khoăn. Cuộc sống luôn có hai mặt đối lập. Bên cạnh dòng thác đô thị hóa vẫn còn  những con suối trong lành, bền bỉ, âm thầm níu giữ nét cũ hồn xưa. Tôi đã ngỡ ngàng vì vẫn có một “Đà Lạt xưa”, sâu lắng, duyên thầm với bao nét chân phương thật đáng quý...

Cổng của quán Miền Ký Ức.

Góc uống cà phê gần gũi với thiên nhiên.

Một trong những nét chấm phá làm nên Đà Lạt xưa giữa phố hiện đại là cà phê “Miền Ký Ức”. Bảng hiệu  trông bình thường như vô số quán cà phê khác, nhưng đừng vội “xem mặt mà bắt hình dong”nếu chưa bước vào khám phá bên trong.

Quán rộng hơn 1.000m2, xuôi triền dốc giữa màu rau hoa xanh mát. Những hình ảnh xưa cũ như mở ra. Vài con dốc nhỏ lát đá, dăm ba góc nhỏ xinh dưới giàn hoa, bên tán hồng cổ thụ đến hồ cá koi tĩnh lặng giữa tiếng nhạc nhỏ thầm thì hoài niệm, đưa khách ngược dòng thời gian…

Hồ cá Koi.

Không gian trong quán.

Tiểu cảnh bố trí trên sân thượng của quán.

Mấy góc ngồi khiêm tốn mà tinh tế với không gian mở để khách thưởng thức cà phê và các thức uống chuẩn. Tôi không dùng từ “cà phê sạch” vì dị ứng với những lạm dụng tự xưng vẫn thường nghe thấy ở nhiều nơi.

Cà phê ở đây được kết nối với nơi trồng và rang xay đúng phương thức mộc, không pha tẩm. Chủ nhân quan niệm rằng “Cà phê cũng là một phần di sản riêng của Tây Nguyên. Một  vài chi tiết bài trí “ không như  ý” theo lời chủ nhân , nhưng không thể cải tạo hoặc thay thế được vì là đất thuê”. Bù lại, điểm nhấn và linh hồn chính của “Miền Ký Ức” là  phòng trưng bày cổ vật rất  đặc biệt.

Quán cà phê nhìn từ trên cao.

Mặt tiền phòng trưng bày cổ vật.

Trái ngược với bảng hiệu không thể giản dị hơn, phòng trưng bày trên 5.000 cổ vật của Đà Lạt và Tây Nguyên, niên đại từ thế kỷ VIII - thế kỷ XX (thậm chí xưa hơn thế nữa). Tôi sững người vì hiện vật đậm đặc, chen chúc như một nhà kho. Trừ tủ kính lớn ở giữa trưng bày đồ trang sức và một số món chọn lọc thì các cổ vật xếp chồng lên nhau, bốn bức tường và cả  mặt tiền phòng trưng bày cũng trĩu nặng hàng loạt vật dụng mang bao hồn xưa cốt cũ…

Vào nhà là biết chủ. Chủ quán Nguyễn Quốc Dũng đam mê sưu tầm cổ vật quê mình còn hơn cả tín đồ mộ đạo. Chắt chiu sưu tầm, nâng niu gìn giữ, chăm chút như con mình. Không gian chật chội nhưng ngăn nắp. Cứ như nhà nghèo, đông con nhưng kỷ cương, lễ phép. Chủ nhân bình dị, mộc mạc, kiệm lời nhưng “thuyết giảng” về cổ vật như lên đồng.

Cổ vật trang sức.

Choé và gùi.

Các hiện vật trong phòng trưng bày.

Quán không bán vé. Những “tín đồ” cổ vật luôn quan niệm đó là tài sản chung, mình có duyên nên được giao quản lý. Chủ quán có thể ngồi cả ngày, giới thiệu về từng “đứa con” cổ vật một cách tự hào và say mê. Từ đá, gốm, sứ, đồng, sắt, vàng, bạc, thủy tinh núi lửa, hổ phách, ngọc trai, ngà, sừng đến song, mây, tre, thổ cẩm...

Có lẽ đây là bộ sưu tập liên hoàn về cuộc sống các tộc người Tây Nguyên từ xưa tới nay phong phú bậc nhất cả nước. Giữa thế giới cổ vật Tây Nguyên, ngụm cà phê càng đậm hồn quê và hương xưa lan tỏa. Cổ vật nào cũng có hồn cốt, thách thức thời gian, thay lời muốn nói về những giá trị cuộc sống và thực tiễn kinh doanh.

Các hiện vật được xếp theo chủng loại, công năng sử dụng trong phòng trưng bày. Cà phê cổ vật Miền Ký Ức ở địa chỉ: 30 Nguyên Tử Lực, phường 8, TP. Đà Lạt (cách Hồ Xuân Hương 500m).

Bên mấy bộ cồng chiêng và rất nhiều chóe rượu cần cổ, tôi mới hay là người Tây Nguyên không trực tiếp sản xuất cồng chiêng hay chóe. “Nhập cư” vào Tây Nguyên, chóe được dùng ủ rượu theo công thức riêng. Với đôi tay tài hoa, cảm nhận âm nhạc bậc thầy và trái tim khát vọng, cồng chiêng được chỉnh âm, trở thành di sản thế giới.

Cái hay của quán là ai vào cũng thích. Từ học sinh sinh viên đến các thầy cô. Từ đồng nghiệp đến các nhà nghiên cứu. Từ du khách khoái check - in đến  những người ưa tìm hiểu. Dù ghiền cà phê hay mê yaourt trái cây và các loại sinh tố, nước ép... Tất cả đều có những trải nghiệm thú vị.

Nguyễn Văn Mỹ (Chủ tịch Lửa Việt Tours)

                                        Theo: nguoidothi.net.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

26
Đang xem:
72.668.187
Tổng truy cập: