DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Sống cùng di sản
(Ngày đăng: 23/06/2013   Lượt xem: 646)
Sau những lá đơn xin trả lại danh hiệu Di tích quốc gia của người dân Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội, các nhà quản lý đang nỗ lực tìm cách để vừa gìn giữ được những giá trị của làng cổ, vừa đáp ứng nhu cầu chính đáng về chỗ ở, sinh hoạt của người dân.
 
Ảnh: Minh Đức

Theo báo cáo tình hình, kết quả công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm của UBND thị xã Sơn Tây, người dân sống trong khu vực di tích làng cổ chủ yếu làm nông nghiệp từ nhiều đời nay, vì vậy kinh tế còn rất khó khăn. Sau 8 năm làng cổ Đường Lâm được công nhận Di tích cấp quốc gia, việc người dân tham gia vào các hoạt động dịch vụ, du lịch để phát triển kinh tế hộ gia đình cũng như phát triển kinh tế chung của địa phương rất hạn chế. Trưởng Ban quản lý (BQL) di tích làng cổ Đường Lâm Phạm Hùng Sơn cho biết, trong năm 2012, làng đón 120.000 khách du lịch, thu về khoảng 1,4 tỷ đồng. Song 100% số tiền phí này dành cho công tác phục vụ như in vé, tờ rơi, quảng bá du lịch, an ninh... chứ không đến tay người dân. BQL chỉ hỗ trợ tập huấn người dân cách bảo tồn nhà cổ, đi thăm quan để học hỏi làm du lịch. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến người dân Đường Lâm đồng loạt xin từ bỏ danh hiệu.

Ngày 13.6, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ Hà Nội nghiên cứu, tổ chức lại Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm. Theo đó, trong thành phần tham gia Ban quản lý di tích cần có đại diện của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đại diện nhân dân xã Đường Lâm. Để giải quyết những vướng mắc của người dân làng cổ trong cải thiện, xây dựng nhà ở, Phó chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc xây dựng quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị làng cổ Đường Lâm, dự án quy hoạch xây dựng khu giãn dân phục vụ bảo tồn làng cổ Đường Lâm, đồng thời thiết kế nhà mẫu cho người dân, báo cáo UBND TP trước ngày 30.6.

Nhằm giải quyết vấn đề này, ông Phạm Hùng Sơn cho hay, “thời gian tới sẽ để cho cộng đồng dân cư quản lý di tích sống của mình. Cụ thể, UBND thị xã Sơn Tây đã có quyết định thành lập Ban chỉ đạo Công tác bảo tồn phát huy di tích làng cổ Đường Lâm, song song với BQL Di tích làng cổ Đường Lâm, trong đó có sự tham gia của đại diện các dòng họ, thôn, xóm. Ban này sẽ công khai, dân chủ từ khâu bảo tồn đến phát triển, thu phí. Về số tiền phí thu được, sẽ kiến nghị UBND TP thay đổi Quyết định 43, hỗ trợ trực tiếp cho người dân Đường Lâm 60%, còn lại 40% thuộc về Ban quản lý. Bên cạnh đó, UBND thị xã Sơn Tây, BQL di tích làng cổ Đường Lâm phối hợp với các sở, ban, ngành sẽ tập trung đầu tư vào việc chuyển đổi cơ cấu từ nông nghiệp sang dịch vụ du lịch (cả trực tiếp và gián tiếp). “Sẽ có những vùng để bà con trồng cây nông nghiệp như ngô, lúa... để trở thành hàng hóa, khi khách du lịch đến có thể bán sản phẩm. Một năm sẽ tổ chức vài lớp tập huấn để làm du lịch, làm nghề; tuyên truyền để người dân tự giác làm du lịch. Khi đó, chính 70% số dân sống bằng nông nghiệp sẽ có lợi từ du lịch” - ông Phạm Hùng Sơn nói.

Cũng nhằm giúp người dân Đường Lâm sống được từ đồng ruộng và di tích của mình, tại hội thảo Chung tay gìn giữ giá trị của viên ngọc quý - Làng cổ Đường Lâm diễn ra mới đây, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển Bền vững, Ts Nguyễn Thu Hạnh gợi ý, phải cho người dân tận dụng ưu thế phát triển kinh tế nông nghiệp nhằm phục vụ du lịch; phát triển ẩm thực dân gian, sáng tạo đồ lưu niệm từ vật liệu truyền thống... Sáng kiến Ts Nguyễn Thu Hạnh đưa ra là hướng dẫn người dân mở tour du lịch đặc biệt Mùa lúa chín với các hoạt động: tham quan và thưởng ngoạn cánh đồng lúa chín vàng; tổ chức các đám cưới lãng mạn trên cánh đồng; ngắm cảnh gặt lúa, phơi lúa; ngủ đêm trên cánh đồng để hưởng thụ hương lúa vào ban đêm; thưởng thức ẩm thực từ hạt gạo; du lịch tìm hiểu nông thôn; tham gia cấy lúa, trồng rau, bắt cua, xem cò về cánh đồng... kết hợp tham quan làng cổ.

Ý tưởng của Ts Nguyễn Thu Hạnh nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà khoa học cũng như các chuyên gia du lịch. Phó hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng, PGs, Ts Phạm Hùng Cường nhấn mạnh: phát triển hoạt động du lịch tại Đường Lâm là cần thiết và quan trọng để quảng bá hình ảnh, phát triển kinh tế, tạo động lực cho việc bảo tồn làng cổ. Song ngay từ đầu, các cơ quan chức năng cần phải kiểm soát chặt chẽ, điều tiết hợp lý để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo tồn những giá trị bền vững của làng cổ Đường Lâm. Đồng thời, cần có sự hướng dẫn, đào tạo về công tác phục vụ du lịch cho người dân; hướng dẫn người dân học tập các mô hình làm dịch vụ du lịch hộ gia đình, làm ra các sản phẩm du lịch mới, tham gia các chương trình du lịch, tương tự như mô hình du lịch ở Hội An hay một số khu vực khác. Trong giai đoạn đầu, đây là công việc rất quan trọng vì người dân vốn chỉ quen với hoạt động nông nghiệp, chưa quen với hoạt động dịch vụ. Đến khi người dân được hưởng thụ lợi ích từ chính làng cổ của mình, được chủ động quản lý di sản ấy họ sẽ tích cực gìn giữ những gì cha ông để lại và thêm gắn bó với nghề nông.

Làng cổ Đường Lâm không chỉ là của riêng nhân dân Đường Lâm mà là di sản của quốc gia. Ở mức độ nào đấy, người dân được hưởng lợi, được quản lý di sản dưới sự chỉ đạo kịp thời của các cấp chính quyền thì tương lai làng cổ Đường Lâm - nơi hội tụ những đặc điểm tiêu biểu của đồng bằng Bắc bộ và châu thổ sông Hồng - sẽ là điểm đến mơ ước của các nhà nhiếp ảnh, khách du lịch trong nước và quốc tế.

                                                                                     Theo: Đại Biểu Nhân Dân

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

14
Đang xem:
72.684.433
Tổng truy cập: