DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Hành trình và cơ hội của di sản
(Ngày đăng: 05/06/2013   Lượt xem: 596)
Các hộ dân ở làng cổ Đường Lâm đòi trả lại danh hiệu Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia cho Nhà nước để được sống và phát triển. Sở hữu hàng trăm gian nhà đẹp và một không gian kiến trúc đặc biệt tiêu biểu cho kiến trúc làng quê Bắc bộ, bây giờ người Đường Lâm thấy ngạt thở với di sản ông cha để lại và muốn thay đổi.
Những làng nghề Hội An tạo sức hút du khách quốc tế
Trong lúc đó, Quảng Nam rộn ràng chuẩn bị Hành trình Di sản Quảng Nam 2013 vào trung tuần tháng 6, một lễ hội văn hóa đặc biệt bởi sự công phu hơn hẳn những festival văn hóa - du lịch tầm quốc gia. Tại sao những câu chuyện khác nhau lại diễn ra ở những nơi có cùng điểm xuất phát?

Hành trình giản dị mà hấp dẫn

Hành trình Di sản Quảng Nam từ trước đến nay luôn có tính mở, kết nối giữa Quảng Nam, một địa danh nhỏ của Việt Nam, với ASEAN thông qua nhiều hoạt động sáng tạo nghệ thuật.

Năm nay tại Hội An có nhiều hoạt động giao lưu giữa các nhà nghiên cứu văn hóa và các đoàn nghệ thuật Đông Nam Á với Festival Di sản Văn hóa Thế giới các nước ASEAN, Hội thi Hợp xướng quốc tế lần thứ 3 tại Việt Nam - Hội An 2013, Cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam, Liên hoan Nghệ thuật các dân tộc Việt Nam, Triển lãm "Không gian di sản văn hóa Việt Nam", Liên hoan Cồng chiêng đồng bào các dân tộc thiểu số Quảng Nam, Ngày hội Văn hóa Chăm, Hội chợ triển lãm làng nghề truyền thống.

Trong dịp này, Quảng Nam có thể thu hút khoảng 70 ngàn lượt khách, trong đó 1/10 là các nhà nghiên cứu, hoạt động văn hóa, nghệ sĩ, nghệ nhân, doanh nhân.

Sự hấp dẫn của Hành trình Di sản Quảng Nam không chỉ gói gọn trong không gian văn hóa của Hội An và Mỹ Sơn, những địa điểm vang bóng, mà còn trải dài lên miền núi phía Tây, khai thác tầng văn hóa còn ẩn kín của đồng bào các dân tộc thiểu số với cồng chiêng, thổ cẩm, mỹ thuật kiến trúc dân gian; xuống biển với các lễ hội hiện đại thả diều nghệ thuật, trình diễn sắp đặt xe cổ là cuộc chơi của các resort hiện đại, đi vào các làng nghề khơi dậy tinh hoa của nền thủ công mỹ nghệ và sản vật địa phương như nghề đúc đồng, trồng rau, dệt lụa tơ tằm, làm đồ gốm, mộc, đèn lồng, yến sào, chài lưới.

Nhìn bề ngoài Hành trình Di sản Quảng Nam lần thứ 5 giống như một cuộc trình diễn đẹp về văn hóa, ở đó người ta có thể gặp gỡ các chuyên gia, nghệ sĩ đến từ khắp nơi trên thế giới, hoặc trải nghiệm với nghệ nhân làm đèn lồng, dệt khăn lụa, tạo tác trên gỗ trong không gian nhà cổ, đi xem triển lãm mỹ thuật, ngắm cổ vật trong nhà dân.

Tuy nhiên, đó là một hành trình văn hóa tinh tế, được tính toán, gợi mở đến từng chi tiết để khơi gợi cảm xúc của du khách trên nền tảng bao quát và khai thác các tầng sâu tinh hoa văn hóa của địa phương kết nối với thế giới.

Nhưng tầm nhìn phát triển của Quảng Nam không dừng lại ở khai thác triệt để cái có thương hiệu, mà nỗ lực phát hiện những gì còn ẩn kín. Từ Hội An, Mỹ Sơn, những di sản khác đã tỏa sáng, đưa các giá trị của nó vào phục vụ đời sống.

Di sản đem lại cơ hội

Năm nào Quảng Nam cũng tổ chức hành trình di sản với mục đích tôn vinh văn hóa Việt, khơi dậy những giá trị còn chìm lấp đi kèm với phương án phát triển. Cái may mắn là Hội An có được một thủ lĩnh như ông Nguyễn Sự với tầm nhìn phải biến Hội An thành một di sản sống với ý nghĩa di tích cũ phục vụ cho cuộc sống hiện đại.

Một di sản không chỉ bao gồm mấy trăm di tích kiến trúc cổ, nó còn bảo vệ cả phong tục, lối sống văn hóa cổ truyền nhân nghĩa trong ứng xử làm ăn. Chính vì vậy nó mới là tiền đề bền vững, có sức thu hút lớn.

Hội An bắt đầu có nhiều dân ngụ cư "chất lượng cao", gần một trăm họa sĩ, đạo diễn, nhà văn trong và ngoài nước ưa thích kiến trúc cổ đến đây định cư, làm việc. Rất nhiều gallery do người nước ngoài làm chủ tự bán tranh, tác phẩm điêu khắc của mình. Các nhà văn, đạo diễn phim thế giới cũng chọn Hội An để thực hiện các dự án sáng tạo của họ.

Hội An từng là địa điểm quay các phim Người Mỹ trầm lặng, Áo lụa Hà Đông. Phố cổ là nơi các hoa hậu thế giới, hoa hậu hoàn vũ dạo gót cổ vũ cho bảo vệ môi trường và tôn vinh tà áo dài Việt Nam. Sinh viên Nhật, Na Uy, Đan Mạch đã đến đây học các chương trình thực địa.

Sức hút của văn hóa bản địa, sự tiện nghi và tính đa dạng ở mức độ ngày càng cao đã biến Hội An thành điểm sống và sáng tạo nghệ thuật thú vị. Chính sức hút đó giúp Hội An đăng cai nhiều cuộc thi lớn như Hội thi Hợp xướng quốc tế lần 3 - 2013, Chung kết cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần 3 - 2013.

Các doanh nghiệp cũng góp tay khai thác tiềm năng văn hóa phố cổ, họ xây dựng các làng nghề mới, làm bảo tàng để phục dựng các nghề cổ xưa, mở các tour giới thiệu văn hóa địa phương.

Mỗi năm Quảng Nam đều tổ chức hành trình di sản, và năm nay với chủ đề "Tôn vinh văn hóa Việt", không một đô thị nào của Quảng Nam bị bỏ rơi trong cuộc chơi lớn. Di sản văn hóa đối với họ chính là cơ hội và niềm tự hào, không phải là gánh nặng.

                                                                                                 Theo: Doanh Nhân

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

12
Đang xem:
72.684.369
Tổng truy cập: