DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Kỳ vọng đưa hát xẩm trở thành Di sản thế giới:
(Ngày đăng: 04/06/2013   Lượt xem: 814)
Vì đường còn dài…

Trung tâm nghiên cứu phát triển âm nhạc Việt Nam tổ chức dâng hương giỗ tổ nghề hát xẩm tại đình Hào Nam – Hà Nội 2013.

Quan tâm phục hồi, lưu giữ lâu dài nghệ thuật hát xẩm là công việc đáng được ủng hộ và cần tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn. Nhưng sớm nghĩ đến việc vinh danh di sản ở tầm thế giới khi chưa đủ “tiềm lực” về khoa học và nghệ thuật thì đây là điều cần phải cân nhắc. 

Chỉ mới là chặng ngắn

Khởi động cuối tháng 11-2011, đề án “Khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát xẩm” của tỉnh Ninh Bình do Nhà hát chèo Ninh Bình triển khai mới đi được một chặng ngắn. Trong hơn một năm qua, có một số thời điểm dư luận khá quan tâm đến đề án này, nhất là khi đề án được coi là bước đệm để trong tương lai, tỉnh Ninh Bình xây dựng hồ sơ, hướng đến việc đề nghị UNESCO công nhận nghệ thuật hát xẩm là di sản thế giới cần bảo vệ khẩn cấp.

Được biết, trong giai đoạn đầu của đề án này, một số nghệ sĩ có nhiều công sức trong khôi phục và biểu diễn xẩm trên địa bàn Hà Nội như NSND Xuân Hoạch, NSƯT Thanh Ngoan, đã về truyền dạy cho một số diễn viên của nhà hát. Bên cạnh đó, NSƯT, nghệ nhân Hà Thị Cầu khi chưa qua đời, cũng tham gia hướng dẫn cho các nghệ sĩ cùng một số học viên của xã Yên Phong, huyện Yên Mô, Ninh Bình, địa bàn mà cụ sống cho đến những ngày cuối đời. Thời gian qua, vào dịp giỗ tổ nghề xẩm, tiếp nối một số tổ chức, nhóm nghệ sĩ tại Hà Nội, ở Ninh Bình cũng đã diễn ra một đêm biểu diễn tưởng niệm cụ Cầu.

Sắp tới, Nhà hát chèo Ninh Bình và các ban ngành liên quan của Ninh Bình có thể sẽ xúc tiến trên hành trình khôi phục, bảo tồn và tiếp tục nuôi kỳ vọng đề cử hát xẩm vào danh sách di sản thế giới. Tuy nhiên, với những gì mới thực hiện được bước đầu với nghệ thuật xẩm, mà hiện tại mới là trên địa bàn tỉnh Ninh Bình chứ chưa nói gì đến các tỉnh, thành khác, có lẽ nền tảng cho kỳ vọng di sản thế giới này còn mỏng manh.  

Cần biết khó khăn


Nghệ sĩ trẻ biểu diễn nhân giỗ tổ nghề hát xẩm tại đình Hào Nam – Hà Nội 2013.

Nghĩ về đề án khôi phục, bảo tồn, phát triển của Ninh Bình, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long – Phó Ban biên tập NXB âm nhạc nói, anh cảm thấy vui, vì sau bao năm các chuyên gia và nghệ sĩ mà anh là một người trong cuộc, miệt mài sưu tầm và phục dựng những làn điệu, bài bản hát xẩm nhưng hầu như không được sự quan tâm, hỗ trợ về tinh thần vật chất của các cơ quan văn hóa, thì giờ đây đã có địa phương, đơn vị, dù chỉ ở một tỉnh, quan tâm đến hát xẩm.

Tuy nhiên, về hướng đi tiếp theo của địa phương, nhạc sĩ Quang Long cũng băn khoăn khi cho rằng, liệu chỉ riêng Ninh Bình có đủ cơ sở để lập hồ sơ di sản cho hát xẩm? Anh nói: Chúng tôi đã gắn bó với hát xẩm gần 10 năm nay, đi khắp nơi để tìm các nghệ nhân và bài bản hát xẩm thì tại Ninh Bình, chúng tôi chỉ học hỏi được duy nhất nghệ nhân Hà Thị Cầu. Và anh nhấn mạnh: Để đảm bảo đáp ứng đầy đủ các yếu tố cho một bộ hồ sơ, dù là ở khía cạnh cần bảo vệ khẩn cấp thì cũng có những nghiên cứu về số lượng và các gương mặt nghệ nhân, môi trường hoạt động, các bài bản đặc trưng riêng của địa phương..., rồi đội ngũ các nhà nghiên cứu khoa học, âm nhạc... Tất cả những điều này hẳn đều là những khó khăn không chỉ với Ninh Bình mà với bất kỳ địa phương nào muốn xây dựng hồ sơ cho nghệ thuật hát xẩm.

Những băn khoăn trên hẳn đã có cơ sở thực tế. Nhất là khi theo các chuyên gia lâu nay vẫn nhận định, nghệ thuật hát xẩm từng có thời gian dài phát triển tại các tỉnh đồng bằng, trung du Bắc bộ, chứ chưa thể xác định địa phương nào là cái nôi ra đời nghệ thuật hát xẩm. Chưa kể, tỉnh Ninh Bình có thể tự hào về NSƯT, nghệ nhân tài danh hàng đầu Hà Thị Cầu, nhưng cũng cần lưu ý về gốc gác của cụ, vì cho đến nay, nơi sinh thành của cụ vẫn được xác định là huyện Ý Yên, Nam Định.

Vì đường còn dài…


Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc biểu diễn giỗ tổ nghề hát xẩm tại đình Kim Ngân – Hà Nội 2013.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, nghệ sĩ, thì tuy không được biết đến nhiều như cụ Hà Thị Cầu, ở nhiều tỉnh thành vẫn có các nghệ nhân xẩm độc đáo khác, từng đóng góp vào quá trình phục hồi xẩm lâu nay. TS nhạc sĩ Thao Giang – Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam thuộc Hội nhạc sĩ Việt Nam nhận định: Hoan nghênh nếu Ninh Bình khôi phục xẩm và đưa vào hoạt động du lịch. Nhưng nếu làm hồ sơ trình UNESCO thì có thể trình những gì?

Là người đã bỏ nhiều tâm sức cùng đồng nghiệp, các nghệ sĩ và học trò nghiên cứu, khôi phục hát xẩm những năm qua, ông nói: Chục năm nay, chúng tôi phục hồi xẩm, nhưng mới chỉ dám “đụng” đến chủ yếu là xẩm Hà thành thôi, còn bao nhiêu thứ nữa, thậm chí các cụ xưa từng có cả xẩm trên sông nước, và xẩm thì đã lan tỏa khắp nhiều tỉnh, vào cả Nghệ An, Hà Tĩnh và nay đã đi xa hơn nữa. Lại còn nhiều tài liệu, vốn liếng về xẩm ở các nơi mà chúng ta vẫn chưa khai thác được.

Nên chăng, chưa vội kỳ vọng về một danh hiệu ở tầm thế giới khi trong tay chưa có những điều kiện cần thiết. Mà tiếp tục triển khai đề án, Ninh Bình cần sớm tranh thủ được nhiều hơn, sự hỗ trợ của các chuyên gia và nghệ sĩ về tư liệu khoa học, hệ thống bài bản cùng những ý tưởng bảo tồn, phát huy khả thi. Có lẽ, nếu đã thực sự muốn giữ gìn nghệ thuật hát xẩm nói chung và xẩm hiện có tại Ninh Bình nói riêng, thì nên xác định đây là nhiệm vụ chính để chuyên tâm hơn, chứ không nên coi đó là bước đệm cho việc hướng ra thế giới.

Theo nhạc sĩ Thao Giang, nếu trong tương lai chúng ta nghĩ đến việc xây dựng hồ sơ đề nghị xét danh hiệu di sản thế giới cho nghệ thuật hát xẩm, thì cần liên tục có các cuộc điền dã trên nhiều địa bàn để tìm hiểu sức lan tỏa của xẩm. Đồng thời phải có các cuộc liên hoan với sự tham gia của nhiều tỉnh thành, thu hút được nhiều nghệ nhân, truyền nhân, các nhà nghiên cứu và công chúng thưởng thức. Như vậy mới có thể tập hợp, so sánh, đối chiếu bài bản và những đặc trưng của xẩm ở mỗi địa phương.

                                                                                            Theo: Nhân Dân

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

11
Đang xem:
72.684.357
Tổng truy cập: