DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Tu bổ, tôn tạo Làng cổ Đường Lâm sẽ có 50% kinh phí từ Nhà nước
(Ngày đăng: 22/05/2013   Lượt xem: 667)
Tại hội nghị về công tác bảo tồn và quản lý di sản văn hóa Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) ngày 21.5, ông Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, việc tu bổ, tôn tạo Làng cổ Đường Lâm sẽ có 50% nguồn kinh phí từ Nhà nước cùng với nguồn thu xã hội hóa và từ hoạt động du lịch tại Đường Lâm.

Đề xuất nhiều khoản hỗ trợ người dân

Hội nghị diễn ra sáng 21.5 tại trụ sở UBND thị xã Sơn Tây, với sự tham gia của lãnh đạo Bộ VHTTDL; UBND thành phố, các sở, ban, ngành thành phố, thị xã Sơn Tây, Ban quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm và đại diện các hộ dân trong làng.

Những ngôi nhà tường đá ong độc đáo tại Đường Lâm.

Đã có gần 20 ý kiến của các đại biểu dự hội nghị, trong đó rất nhiều người đồng tình với kiến nghị, đề xuất của UBND thị xã Sơn Tây về việc quy hoạch khu tái định cư để tổ chức dãn dân các hộ trong khu vực di tích; đồng thời xem xét ban hành cơ chế đặc thù về chính sách hỗ trợ tiền thuế sử dụng đất khi nhà nước giao đất giãn dân cho các hộ dân và hỗ trợ kinh phí tu bổ, sửa chữa nhà ở cho các hộ dân trong khu vực bảo tồn di tích; tu bổ, trùng tu, phục chế các công trình dân sinh, đắc biệt là tu bổ các di tích, các ngôi nhà cổ đang bị xuống cấp nghiêm trọng như đình Cam Thịnh, đình Đoài Giáp...

Ông Phạm Quang Long – Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội phát biểu: “Sở hoàn toàn đồng ý đồng ý với nội dung kiến nghị của UBND thị xã Sơn Tây. Tuy nhiên về cơ chế quản lý bán vé phải thay đổi, để nhân dân hiểu và tuân thủ pháp luật nhưng đời sống của họ dễ thở hơn chứ không phải cứng nhắc”. Cũng theo ông Long, Sở đang hoàn thiện hồ sơ để trình lên Bộ VHTTDL công nhận Làng cổ Đường Lâm là Di tích Quốc gia đặc biệt và tiến tới là trình lên UNESCO công nhận Làng cổ Đường Lâm là di sản thế giới.

Chị Nguyễn Thị Hạnh trú tại thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm cho biết: Ngồi dự hội nghị, tôi vẫn chưa thấy câu trả lời nào thỏa đáng cho dân. Và tôi mong có được câu trả lời là các nhà cổ thì giữ gìn, còn các nhà không phải cổ thì cho dân cơi nới, xây dựng ngay để cho những hộ gia đình với nhiều thế hệ sống trong một nhà có cuộc sống thoải mái.

Còn TS Đặng Văn Bài - Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia thì chia sẻ, Làng cổ Đường Lâm là một làng hiếm có của Việt Nam, không chỉ độc đáo ở Việt Nam mà ở các nước khác mong muốn cũng không có được. Hướng giải quyết vấn đề tại Làng cổ Đường Lâm là cơ quan chức năng cần gần dân, nghe và cảm thông hơn nữa. Thứ 2 là giữ nguyên trạng chỉ ở những nhà cổ trọng điểm, đồng thời cần phải hướng dẫn làm sao để người dân làng cổ sống được bằng chính sản phẩm nông nghiệp của họ, như người dân Hội An sống khỏe nhờ trồng rau hữu cơ.

Sẽ có 50% kinh phí từ ngân sách Nhà nước

Theo TS Lưu Minh Trị - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Thăng Long, hiện tại Đường Lâm vẫn còn lác đác một vài mái nhà bằng bê tông vô cùng nhức mắt, trong khi Đường Lâm là một trong những làng cổ thuần nông của Việt Nam. Ông cho rằng 37 ngôi nhà có giá trị đặc biệt cần phải nghiêm ngặt quản lý, phải có cơ chế phối hợp Nhà nước và nhân dân.

Nhà nước đầu tư 100% tu bổ các nhà cổ có giá trị đặc biệt và 74 nhà loại 1 thì đầu tư một phần (50- 80%). “Về mong muốn sửa chữa, cơi nới nhà của người dân, theo tôi những nhà cổ trọng điểm phải giữ nguyên hiện trạng. Còn lại những nhà ở khu vực 1 di tích mà không phải nhà cổ thì cho cơi nới lên 2 tầng và phải có mái ngói... Nghĩa là phải quản lý được kiến trúc, hòa hợp với nông thôn” - TS?Lưu Minh Trị cho hay.

Còn đề xuất của TS Nguyễn Thế Hùng – Cục trưởng Cục Di sản, Bộ VHTTDL là cần sớm phê duyệt quy hoạch tổng thể làng cổ Đường Lâm. “Riêng việc trình lên Bộ VHTTDL công nhận là di tích đặc biệt, trình UNESCO công nhận di sản thế giới thì nên lùi lại sau khi chúng ta hoàn thành bảo tồn một số di tích” - ông Hùng nói.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng: “Việc bảo tồn và quản lý di sản văn hóa Làng cổ Đường Lâm là một việc lớn, việc khó, chúng ta cần tháo gỡ dần dần, phải có lộ trình và từng bước. Ngay sau cuộc hội nghị này, một tuần sau mà đã có sự thay đổi tại Làng cổ Đường Lâm là không thể có và không thể thực hiện được. Vì vậy chúng ta cần tiếp tục khẩn trương nghiên cứu, đặt ra yêu cầu giải quyết từng việc một”.

Bí thư Thành ủy đề nghị cần sớm phê duyệt quy hoạch làng cổ và các dự án thành phần như: Dự án dãn dân, dự án bảo tồn. Bên cạnh đó cần sửa đổi và vận dụng linh hoạt quy chế quản lý làm sao vừa bảo tồn và phát triển được di tích lịch sử văn hóa, vừa đảm bảo hài hòa lợi ích các bên. Đặc biệt cần quan tâm, giúp đỡ người dân trong việc sửa chữa cải tạo nhà ở giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống mà vẫn không mất đi giá trị kiến trúc văn hóa của làng.

Về cơ chế tài chính, ông Phạm Quang Nghị cho rằng nên có nguồn thu thường xuyên và lâu dài từ việc di tích “nuôi” di tích thông qua bán vé, thông qua hoạt động dịch vụ và đề nghị tăng giá vé. Bên cạnh nguồn thu xã hội hóa, một nguồn kinh phí nữa để tu bổ, tôn tạo làng cổ là của ngân sách Nhà nước với mức đầu tư 50%, ưu tiên cho những nhà trọng điểm.

                                                                                          Theo: Dân Việt

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.684.378
Tổng truy cập: