DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Quản lý di sản ở Hà Nội: Phân cấp từ cơ sở
(Ngày đăng: 14/05/2013   Lượt xem: 505)
TP Hà Nội hiện chỉ quản lý trực tiếp 12 di tích, còn lại phân cấp cho UBND các quận, huyện trực tiếp quản lý, bảo tồn, tôn tạo di tích. Các di tích khi xuống cấp đòi hỏi UBND quận, huyện chỉ đạo hoàn toàn trong việc tính đến các biện pháp trùng tu, tôn tạo.

Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội. Ảnh: Huy Anh.

Trong cuộc trao đổi với Phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đã chia sẻ về việc phân cấp quản lý các di sản ở Hà Nội hiện nay.

Còn khoảng 600 di tích xuống cấp trầm trọng

Hà Nội hiện là địa phương có số di sản lớn nhất cả nước, số lượng các di tích xuống cấp hiện cũng không nhỏ, vậy công tác phân cấp quản lý và bảo tồn các di sản này được thực hiện như thế nào thưa ông?

Ông Trương Minh Tiến: Hiện Hà Nội có hơn 5.175 di tích gồm nhiều loại hình. Nhiều di tích gắn với các sự kiện quan trọng, các danh nhân của đất nước, nhiều di tích lâu năm, thậm chí có di tích có hàng nghìn năm lịch sử. Số lượng di tích đã xếp hạng là 2.119 gồm các di tích được UNESCO công nhận, di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt, di tích cấp quốc gia, di tích cấp thành phố... Mật độ di tích trải dài trên khắp các quận, huyện.

Trong những năm qua, thành phố đã rất quan tâm công tác chỉ đạo quản lý, bảo tồn di tích theo đúng Luật di sản và các Luật khác có liên quan. Hiện nay hệ thống di tích của Hà Nội nhiều và mật độ lớn. Theo thời gian, các yếu tố tự nhiên và xã hội và bản thân thời gian tồn tại, các vật liệu xây dựng các di tích chủ yếu là gỗ xuống cấp nhanh, yêu cầu về trùng tu lớn. Từ năm 2010 đến 2012, thành phố đã tu bổ, tôn tạo 675 di tích các loại, với kinh phí lên đến gần 3.000 tỷ đồng. Theo tổng hợp của các quận huyện, hiện có khoảng 600 di tích xuống cấp trầm trọng cần trùng tu.

Từ năm 2011, thành phố chỉ quản lý trực tiếp 12 di tích, còn lại phân cấp cho UBND các quận, huyện quản lý trực tiếp, bảo tồn, tôn tạo di tích. Các di tích khi xuống cấp đòi hỏi UBND quận, huyện chỉ đạo hoàn toàn trong việc tính đến các biện pháp trùng tu, tôn tạo. Thành phố cũng luôn lồng ghép việc chống xuống cấp các di tích trong các chương trình mục tiêu và hỗ trợ ngân sách trong việc bảo vệ, trùng tu di tích.

Trong quá trình quản lý, cấp chính quyền cơ sở có trách nhiệm quản lý, bảo vệ toàn bộ di tích. Bên cạnh đó, mỗi di tích khi xếp hạng đều đã cắm mốc khoanh vùng bảo vệ và lập Ban quản lý để góp phần quản lý tốt từng di tích.

Với số lượng di tích lớn có lịch sử lâu đời vậy có khó khăn gì trong công tác quản lý và bảo tồn di tích không, thưa ông?

Ông Trương Minh Tiến: Hiện ở Hà Nội, nhất là ở khu vực nội thành, đúng theo Luật di sản thì nhiều di tích đang bị người dân lấn chiếm, xâm phạm, người dân ở và sinh hoạt ngay trong khu di tích. Tình trạng xâm phạm di tích có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc người dân sống chung với di tích sau ngày giải phóng Thủ đô, người đi kinh tế mới trở về vào những năm 60 của thế kỷ trước, người dân ngoài bãi sông Hồng chạy lụt, vào ở nhờ di tích từ những năm 1971, 1972… khiến di tích bị lấn chiếm không gian.

Những vi phạm này tồn tại lâu từ những thập kỷ trước nên đòi hỏi các quận, huyện dưới sự hỗ trợ của thành phố phải từng bước tiến hành cắm mốc giới lại, lập dự án và di chuyển người dân đi nơi khác để đảm bảo nguyên gốc cho di tích. Việc tiến hành cắm mốc giới cho từng di tích cũng đang được thực hiện ở các quận, huyện.

Nguồn lực để tu bổ, tôn tạo các di tích xuống cấp cũng gặp nhiều khó khăn. Kinh phí chủ yếu do ngân sách thành phố kết hợp với xã hội hóa, vì vậy việc trùng tu phải theo từng bước. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã chủ động trong việc huy động nguồn lực từ ngân sách và nguồn xã hội hoá để chống xuống cấp.

Tuy nhiên, vì số lượng di tích rất lớn, các nguồn lực được huy động cũng chưa thể đạt yêu cầu để trùng tu đồng thời toàn bộ các di tích. Bên cạnh đó, có những dự án tu bổ di tích lựa chọn đơn vị thi công ít kinh nghiệm, làm cho di tích bị thay mới cấu kiện, biến đổi hình thức kiến trúc.

Trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về Văn hóa nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu của Quốc gia trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn (2013 - 2015), thành phố đã dự kiến đầu tư tu bổ, tôn tạo và hỗ trợ chống xuống cấp 68 di tích nhằm ngăn chặn các nguy cơ bị mất di tích, bị hủy hoại và xuống cấp nghiêm trọng.

Chùa Một Cột

Sự việc Chùa Một Cột: Ý thức tốt, phương pháp chưa tốt

Về vấn đề của Chùa Một Cột đang nóng dư luận trong vài ngày gần đây, ý kiến của ông như thế nào?

Ông Trương Minh Tiến: Đây cũng là một khó khăn trong công tác quản lý hiện nay. Hiện số lượng di tích của Hà Nội nhiều và mật độ trải rộng, việc hiểu biết về Luật di sản đối với ngay một số cán bộ quản lý di tích cũng chưa được đầy đủ dẫn đến một số việc xảy ra như tại Chùa Một cột, chùa Trăm Gian…

Dự án chùa một cột chia làm 2 giai đoạn, UBND quận Ba Đình đã triển khai giai đoạn 1 để tu bổ, làm lại mái chùa Một Cột, làm lại hệ thống thoát nước, sân, vườn, lối đi quanh chùa đón đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Giai đoạn 2 đang tiến hành, đã xin ý kiến các cơ quan chức năng, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử để triển khai nhưng chưa đưa ra được phương án thống nhất. Xung quanh chùa Diên Hựu - Một Cột là cả một hệ thống di tích quốc gia, thận trọng là điều cần thiết.

Vấn đề ở đây là ý thức tốt nhưng phương pháp thì chưa tốt, bảo vệ di tích là điều tốt nhưng phương pháp tiến hành chúng ta phải tuân theo Luật di sản. Trong khi dự án giai đoạn 2 chưa xong, nếu đề xuất trong gói dự án tiến hành trước bước chống dột của chùa Diên Hựu thì tôi nghĩ công việc này sẽ được tiến hành ngay.

Bản thân các cấp chính quyền phải có phải trách nhiệm quan tâm đến việc xuống cấp của các di tích. Phương pháp đề xuất không tốt sẽ ảnh hưởng đến cả quá trình, công sức của địa phương và thành phố trong việc nỗ lực thực hiện trùng tu và bảo vệ các di tích. Sự việc cũng có thể gây dư luận không tốt khi không tìm hiểu kỹ thông tin.

Tới đây, Sở sẽ phối hợp và hướng dẫn UBND Quận Ba Đình tiến hành tốt các thủ tục liên quan đến việc trùng tu, tôn tạo di tích giai đoạn 2 này. Sở cũng đề nghị UBND các quận huyện tăng cường hơn nữa việc bảo vệ các di tích. Đồng thời, có kế hoạch tăng cường trách nhiệm của phòng văn hoá các quận, huyện trong việc tham mưu cho các quận, huyện trong công tác quản lý, bảo vệ di tích.

Xin cảm ơn ông!
                                                                                            Theo: Chinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

22
Đang xem:
72.667.884
Tổng truy cập: