DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Vàng son một thuở: Còn đó dấu xưa thời Trần
(Ngày đăng: 12/05/2013   Lượt xem: 719)

Thiên Trường, xưa là thủ phủ của Nam Định, cố hương của tôn thất họ Trần, được sử sách ghi nhận. Lịch sử hào hùng của vương triều Trần nổi trội về chính sách "thân dân”, công bằng trong việc chọn hiền tài. Các vị hoàng đế cùng tướng lĩnh dưới vương triều Trần đã biết dựa vào dân, tin dân và cho phép dân cùng được bàn việc nước mà hội nghị Diên Hồng năm 1282 bàn cách đối phó với quân Nguyên – Mông là điều chứng minh.



Bộ cửa ở chùa Phổ Minh hơn 700 năm tuổi, 
được đóng bằng gỗ lim từ thời Trần với hoa văn
 hình con rồng uốn lượn trong lá đề, 
được trưng bày tại Bảo tàng Nam Định

Các bậc vua hiền, tướng giỏi thời Trần cũng rất khéo huy động toàn dân vào cuộc chiến tranh tự vệ, thể hiện qua việc thực hiện kế "thanh dã” (vườn không nhà trống) để làm cho kẻ thù không có lương thực, tạo điều kiện cho kháng chiến thành công. Cách vỗ về, yên dân này phải nói là ít vương triều, kể cả trước thời Trần, sau thời Trần làm được. Và chính đây là nguyên nhân thắng lợi mà vị Tiết chế quốc công Hưng Đạo Đại Vương, người con của Tức Mặc – Thiên Trường đã đúc kết : "Vua tôi đồng tâm, anh em hoà thuận, cả nước ra sức nên bọn giặc phải chịu bị bắt”.

Việc lấy đức trị dân và nới sức dân hiệu quả được chứng minh qua sự kiện ba lần vương triều Trần tổ chức kháng chiến tiêu diệt gần 100 vạn quân Nguyên Mông, khiến kẻ thù khiếp sợ đến nỗi tóc bạc trắng, còn cộng đồng dân tộc Việt thì vô cùng biết ơn, bởi hoạ xâm lăng không còn. Chiến tích lẫy lừng trên là nét vàng son chói lọi, cũng là niềm tự hào của quân dân Đại Việt và trên đất Thiên Trường - Nam Định  còn lưu câu đối tại cổng Trần Miếu :

"Bảo quốc hộ dân ngoại tặc chí kim do bạch phát
Nhân hoà đức trị nội bang tự cổ hạ hoàng ân”
(Giữ nước giúp dân, giặc ngoại xâm đến nay khiếp đảm đầu bạc trắng,
Lấy đức trị quốc, nhân dân trong nước khắp nơi cảm tạ ơn vua)

Trên đất Tức Mặc – Thiên Trường mà nay thuộc thành phố Nam Định và các làng xã phụ cận còn nhiều di tích thờ vua, thờ vương phi công chúa cùng các tướng lĩnh thời Trần. Tiêu biểu hơn là khu di tích đặc biệt đền Trần và chùa Phổ Minh. 

Mùa Xuân ở Trần Miếu – Tức Mặc – Thiên Trường còn có lệ khai ấn. Cánh ấn này không phải của triều đình, chỉ là ấn tâm linh ở miếu thờ các vị Hoàng Đế với các dòng chữ ghi trên ấn: "Trần miếu tự điển” và "Tích phúc vô cương” (Ban cho điều phúc lớn, theo điển thờ tại miếu nhà Trần). Đây là cánh ấn cầu phúc có từ lâu đời, trước kia nhân dân địa phương Tức Mặc xin ấn để mong cho gia đình được hạnh phúc, việc làm này thành lệ và cũng thật đơn giản. 

Dấu xưa Thiên Trường còn có nhiều di chỉ, di tích, nó trở thành di sản văn hoá rất đáng trân trọng. Đó là công trình chùa, tháp Phổ Minh. Ngôi chùa cổ có từ thời Lý, sang thời Trần được mở mang, hiện còn một số đá chân tảng là dấu vết chứng minh. Hàng sóc đá, rồng đá thời Trần, bộ cánh cửa ở toà tiền đường cũng là điều chứng minh. Một số văn bia thời Lê và đặc biệt là toà bảo tháp cao 20m có niên đại thời Trần Anh Tông – 1305, trên thượng tháp còn quách đựng xá lị đức vua Trần Nhân Tông. Đây là bảo tháp thời Trần cao, to và nguyên vẹn nhất Việt Nam. 



Thạp đất nung thời Trần

Một số bệ đá chạm khắc rồng, cánh sen thời Trần ở các chùa An Lá, Vạn Đồn, Lục Độ… Những cặp sóc đá sinh động ở chùa Đệ Tứ cùng các mảng sân gạch hoa chìm sâu trong lòng đất nơi đây, cũng là những tác phẩm nghệ thuật mang sắc thái nhà Trần, rất khoẻ khoắn.

Bia đá thời Trần ở Mỹ Thịnh, Mỹ Thành vừa chứng minh nghệ thuật điêu khắc độc đáo, vừa có nội dung xúc tích, tán dương bà chủ thái ấp hiền thục, giỏi giang Phụng Dương công chúa, phu nhân của Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải.

Bảo tàng Nam Định cũng đã thu thập được một khối lượng đáng kể hiện vật đất nung, đồ gốm trong lòng đất đã và đang trưng bầy được đông đảo cán bộ, nhân dân tấm tắc khen ngợi. Đó là chiếc thạp gốm thời Trần tìm thấy ở cánh đồng Cửa Triều – Tức Mặc. Nhiều bát, đĩa cổ thời Lý, Trần rất có giá trị. Lại cả những chồng gốm khi nung bị khê dính vào nhau, dưới trôn bát có chữ "Thiên Trường phủ chế”. Chồng gốm khê biết nói này thật ý nghĩa, không chỉ cho biết nơi sản xuất mà còn đánh vào quan điểm của thế lực ngoại xâm, phủ nhận sự sáng tạo, tài làm gốm của dân tộc ta.

Nhưng một số địa danh tiếp giáp với cung điện Thái Thượng hoàng nhà Trần như Đệ Nhất, Đệ Nhì, Đệ Tam, Đệ Tứ với các phế tích kiến trúc quy mô, vật liệu xây dựng được làm kỳ công và những câu chuyện về hoàng hậu, vương phi còn rất trẻ khiến không thể không suy ngẫm về chủ nhân trên các hành cung? 



Ngói hình lá đề là dấu tích của vật trang trí
 kiến trúc kinh thành Thiên Trường xưa

Thời Trần giữ ngôi 175 năm, thời kỳ thịnh trị từ các hoàng đế Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông rồi Trần Minh Tông (1329). Trên một thế kỷ năm vị vua hiền có nhiều năm, tháng gắn bó với Thiên Trường – Nam Định. Trên một thế kỷ các vua hiền đã đóng góp không nhỏ trong việc lấy đức trị dân, không vì đặc quyền đặc lợi, không ham muốn sở thích đời thường, hết lòng vì giang sơn xã tắc, thương dân và tin ở dân nên ngôi báu lâu dài, đương thời và hậu thế tâm phục khẩu phục. Đây là nét vàng son chói lọi mà ít triều đại phong kiến Việt Nam có được. Phải chăng các vị hoàng đế lãnh đạo đất nước đã theo đúng lời khuyên của Quốc sư Phù Vân:

"Phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình”.
                                                                                            Theo: Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

19
Đang xem:
72.668.118
Tổng truy cập: