DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Giá trị lịch sử, văn hóa và sử dụng của di tích
(Ngày đăng: 29/04/2013   Lượt xem: 968)
Theo VIỆN TRƯỞNG (VT) VIỆN BẢO TỒN DI TÍCH, BỘ VH, TT VÀ DL LÊ THÀNH VINH, trong mỗi di tích đều chứa đựng cả giá trị lịch sử - văn hóa và giá trị sử dụng. Hai yếu tố này độc lập tương đối với nhau nhưng lại song hành và hỗ trợ nhau. Do đó, nếu có cách tiếp cận tốt, phân biệt rành mạch giá trị lịch sử - văn hóa, giá trị sử dụng và ứng xử phù hợp; vừa giữ lại những yếu tố gốc cấu thành di tích, những thông điệp của các thế hệ trước, những giá trị tiềm ẩn về lịch sử văn hóa được tích tụ từ xưa đến nay, để lưu truyền, phát huy bản sắc của dân tộc; vừa tạo được không gian, điều kiện đáp ứng nhu cầu sử dụng hàng ngày thì sẽ dung hòa được hai giá trị này.

- Bảo tồn và phát triển là hai yếu tố tương tác, phụ thuộc và bổ sung cho nhau. Vậy, đối với công tác bảo tồn di tích văn hóa hiện nay, vấn đề này đã được giải quyết thỏa đáng chưa, thưa Viện trưởng?
 
- VT Lê Thành Vinh: Bảo tồn và phát triển là vấn đề của xã hội nói chung chứ không riêng trong hoạt động bảo tốn di tích. Giữa bảo tồn và phát triển có mối quan hệ hữu cơ không thể tách rời, là hai mặt luôn luôn song hành với nhau, trong đó, bảo tồn là điểm tựa cho sự phát triển, còn phát triển tạo điều kiện để bảo tồn. Về mặt lý luận, khi nói đến phát triển là đã bao hàm cả bảo tồn, bởi vì phát triển là trên cơ sở những gì đã có sẵn, từ đó chuyển hóa, nâng lên chứ không phải làm mới hay thay thế. Do vậy, bảo tồn và phát triển hỗ trợ, bổ sung cho nhau mà không phủ định nhau. Nhưng từ lý luận, nhận thức chuyển hóa thành những hành động trong thực tế là một khoảng cách không hề đơn giản. Trên thực tế thường xảy ra mất cân bằng do thiếu chừng mực, từ đó có chuyện bảo tồn cản trở phát triển hay phát triển lấn át bảo tồn.
 
Trong lĩnh vực bảo tồn di tích, xin đề cập đến vấn đề tạm gọi là “chồng lấn phạm vi”. Trong cùng một lĩnh vực, chẳng hạn bảo tồn di sản văn hóa trong phát triển văn hóa, mâu thuẫn xuất hiện thường ít hơn, dễ kiểm soát hơn và từ đó dễ điều chỉnh hơn. Nhưng trong những lĩnh vực khác nhau hoặc chồng lấn nhau, ví dụ như bảo tồn di tích trong phát triển đô thị hay rộng hơn là bảo tồn di sản trong phát triển kinh tế xã hội, thì việc kiểm soát và điều chỉnh khá phức tạp, thực tế xuất hiện nhiều bất cập. Phát triển là cần thiết nhưng nếu quá thiên về phát triển mà lãng quên bảo tồn thì không thể phát triển bền vững. Giải quyết những nhu cầu của đời sống xã hội đặt ra hôm nay không thể bỏ qua nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa, cũng là nhu cầu của một xã hội văn minh. Ngược lại, bảo tồn là cần thiết nhưng bảo tồn di tích cũng phải là một hoạt động tham gia tích cực vào cuộc sống đương đại. Để giải quyết thỏa đáng vấn đề này cần có sự tham gia, phối hợp của các ngành liên quan một cách thực sự bình đẳng, cầu thị để có thể thống nhất cách ứng xử phù hợp nhất nhằm đáp ứng trong mức độ có thể và khả thi các yêu cầu về bảo tồn và phát triển.
 

 

- Có ý kiến cho rằng, công tác bảo tồn di tích đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng nghỉ và khả năng linh hoạt trong việc vận dụng các nguyên tắc khoa học để lựa chọn phương án xử lý thích hợp cho từng di tích cụ thể. Quan điểm của Viện trưởng về vấn đề này như thế nào?
 
- VT Lê Thành Vinh: Bảo tồn di tích là hoạt động đa ngành và liên ngành, có liên quan đến nhiều lĩnh vực như lịch sử, khảo cổ, văn hóa truyền thống, tín ngưỡng, tôn giáo, cũng như kiến trúc, xây dựng, hóa học, sinh học hay kinh tế, quản lý xã hội… Những di tích lịch sử, văn hóa - đối tượng của hoạt động bảo tồn di tích là một hệ thống rất phong phú và khác nhau về loại hình, niên đại, chất liệu, vị trí, quy mô, chức năng sử dụng; đồng thời, mỗi di tích lại mang trong mình những đặc điểm, những giá trị về lịch sử, văn hóa, giá trị kiến trúc, nghệ thuật khác nhau. Trong bảo tồn di tích có những nguyên tắc cơ bản cần phải tuân thủ, nhưng những quan điểm ứng xử được xác định trong các trường hợp lại khác nhau, các mục đích cụ thể cũng khác nhau. Do vậy, những phương án, giải pháp có thể áp dụng cho di tích sẽ rất đa dạng, không có một công thức cố định áp dụng cho tất cả các di tích trong hoạt động bảo tồn, khác với hoạt động xây dựng mới hay sản xuất hàng hóa tạo lập ra những sản phẩm mới theo những quy cách, tiêu chuẩn nhất định.

Đối với bảo tồn di tích, trên cơ sở tuân thủ những nguyên tắc, lý thuyết cơ bản, cách ứng xử và xử lý với từng di tích là khác nhau. Có thể có những di tích thoạt đầu tiếp cận thấy khá giống nhau, nhưng sau khi tìm hiểu, nghiên cứu sâu mới thấy đặc điểm, giá trị của chúng là khác biệt; có thể cùng quy mô nhưng khác niên đại, cùng đặc điểm nhưng khác chức năng, cùng phong cách kiến trúc nhưng lại khác về giá trị… Đặc biệt là tình trạng từng di tích là khác nhau, khác về mức độ xuống cấp, mức độ hủy hoại, mức độ giữ lại được yếu tố gốc, mức độ nguy hiểm trước các tác nhân gây hại. Như vậy rõ ràng đối với những di tích khác nhau thì phương án, giải pháp xử lý là khác nhau. Không có công thức cố định để áp dụng chung; phương án, giải pháp xử lý có “biên độ” rộng; trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản, căn cứ kết quả nghiên cứu, khảo sát đầy đủ về di tích để đưa ra những phương án, giải pháp xử lý cụ thể một cách phù hợp là đặc điểm, cách làm của hoạt động bảo tồn di tích. Điều này đòi hỏi những người xây dựng và thực thi dự án bảo tồn di tích cũng như những người có thẩm quyền ra quyết định cần có đủ năng lực nghề nghiệp và cách nhìn thấu đáo.
 
- Trong thực tế, không phải bao giờ cũng tìm được lời giải thỏa đáng trong bảo tồn di tích nhằm có thể làm hài lòng cả giới chuyên môn và người dân, thưa Viện trưởng?
 
- VT Lê Thành Vinh: Phần lớn những di tích lịch sử, văn hóa ở Việt Nam đều là di tích “sống”, tức là di tích vẫn đang tồn tại và được sử dụng theo đúng chức năng vốn có của nó. Chẳng hạn, những ngôi chùa là di tích được xếp hạng, nhưng cũng là nơi người dân đến sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng; hoặc các danh lam thắng cảnh vừa là di tích cũng vừa là điểm đến của các hoạt động du lịch hay các hoạt động văn hóa khác. Chính vì vậy, trong mỗi di tích ấy đều chứa đựng cả giá trị lịch sử - văn hóa và giá trị sử dụng. Hai yếu tố này độc lập tương đối với nhau nhưng lại song hành và hỗ trợ nhau. Như vậy, nếu chỉ tập trung bảo tồn giá trị lịch sử văn hóa mà không quan tâm đến nhu cầu sử dụng, hay chỉ chú ý đến giá trị sử dụng, phát huy, thậm chí làm thay đổi cái vốn có để đáp ứng nhu cầu sử dụng thì đều trở nên lệch lạc, rất dễ xảy ra xung đột. Do đó, nếu có cách tiếp cận tốt, phân biệt rành mạch giá trị lịch sử - văn hóa, giá trị sử dụng và ứng xử phù hợp; vừa giữ lại những yếu tố gốc cấu thành di tích, những thông điệp của các thế hệ trước, những giá trị tiềm ẩn về lịch sử văn hóa được tích tụ từ xưa đến nay, để lưu truyền, phát huy bản sắc của dân tộc; vừa tạo được không gian, điều kiện đáp ứng nhu cầu sử dụng hàng ngày thì sẽ dung hòa được hai giá trị này.
 
- Với nhiều di tích văn hóa đang có nguy cơ “hiện đại hóa” hoặc đã “được hiện đại hóa” sau khi trùng tu, theo Viện trưởng cần có giải pháp gì để có thể vừa bảo tồn nhưng vừa phát triển và phát huy được giá trị văn hóa của di tích?
 
- VT Lê Thành Vinh: Một trong những xu hướng cần hạn chế hiện nay là trong các dự án bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích, tỷ trọng thay thế, làm mới quá nhiều đã làm suy giảm, mất mát giá trị vốn có của di tích. Trong thực tế, nhiều người đã nhân danh bảo tồn di sản, để chất lên vai hoạt động bảo tồn di tích quá nhiều mục đích như phải đáp ứng được các mục tiêu kinh tế xã hội, phát triển du lịch hay là phải “xứng tầm”, phải “khang trang hơn”… dẫn đến việc ngày càng xa rời nguyên tắc bảo tồn, làm thay đổi hình ảnh, đặc điểm vốn có - cái làm nên giá trị lịch sử, văn hóa của di tích mà khi mất đi sẽ vĩnh viễn không bao giờ lấy lại được. Đây là một thực trạng, xu hướng không tốt cần được ngăn chặn và điều chỉnh.
 
Trong bảo tồn di tích, mục đích tối thượng là giữ lại được những dấu tích vật chất của di tích cùng với những đặc điểm, giá trị của nó mà cha ông đã tạo lập, được lưu truyền đến ngày nay, sau đó mới đến các mục đích đáp ứng những yêu cầu cuộc sống đương đại và các mục đích khác. Những người có vai trò quyết định ở những mức độ khác nhau, từ gián tiếp đến trực tiếp trong hoạt động bảo tồn di tích cần hiểu và tuân thủ nguyên lý này. Để làm tốt công tác bảo tồn di tích theo hướng vừa bảo tồn vừa phát huy được giá trị lịch sử, văn hóa của di tích, vừa phục vụ phát triển, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý chặt chẽ hơn, đầy đủ hơn trên cơ sở các luận cứ khoa học về trùng tu di tích; cùng với những quy định, hướng dẫn cụ thể và đưa vào áp dụng thực tế có sự kiểm soát đầy đủ và nghiêm túc. Đặc biệt, cần phải nhanh chóng xây dựng đội ngũ làm công tác bảo tồn, trùng tu chuyên nghiệp, những người có khả năng đưa ra những phương án, giải pháp thích hợp trên cơ sở hiểu biết đầy đủ những đặc điểm, giá trị của di tích và hướng theo các mục tiêu được các cấp quản lý xác định. Tin rằng, nếu có những hành xử chuyên nghiệp thì bảo tồn không những không cản trở phát triển mà còn có thể tham gia vào cuộc sống đương đại, đáp ứng nhu cầu sử dụng cũng như nhu cầu phát triển trong xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa một cách hữu hiệu.

- Xin cám ơn Viện trưởng!

                                                                                            Theo : Đại Biểu Nhân Dân

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

20
Đang xem:
72.668.111
Tổng truy cập: