DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Khó khăn trong quản lý, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa
(Ngày đăng: 12/04/2013   Lượt xem: 848)

Chùa Kim Liên, một di tích nổi tiếng được trùng tu năm 2010.

Ba năm qua, thành phố Hà Nội đã đầu tư gần 3.000 tỷ đồng tu bổ 675 di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn. Tuy nhiên, công tác bảo tồn di tích còn nhiều vấn đề đáng lo ngại như: việc phân cấp quản lý di tích còn nhiều yếu kém, tình trạng trùng tu sai nguyên gốc còn diễn ra khá phổ biến, nhiều di tích đang bị xuống cấp nhưng thủ tục xin phép cơ quan có thẩm quyền, huy động nguồn vốn còn nhiều khó khăn... cần sớm được các cơ quan chức năng tháo gỡ.

Hà Nội là địa phương có nhiều di tích nhất trong cả nước, với 5.175 di tích, trong đó, 1.069 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 1.047 di tích xếp hạng cấp thành phố. Nhiều di tích gắn với các sự kiện quan trọng, các danh nhân của đất nước, nhiều di tích lâu năm, thậm chí có di tích có hàng nghìn năm lịch sử như Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long, Thành cổ Cổ Loa, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Trấn Quốc, chùa Một Cột... Cùng với thời gian, nhiều di tích bị xuống cấp. Thành phố Hà Nội là địa phương đứng đầu cả nước trong việc  tu bổ di tích. Từ năm 2010 đến 2012, thành phố đã tu bổ, tôn tạo 675 di tích các loại, với kinh phí lên đến gần 3.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn từ trung ương rót xuống qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Kinh phí chủ yếu do ngân sách thành phố kết hợp với xã hội hóa.

Về công tác quản lý, ngay từ năm 1988, thành phố đã phân cấp quản lý di tích. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trực tiếp quản lý 12 di tích lịch sử - văn hóa trọng điểm. Các quận, huyện, thị xã quản lý các di tích còn lại; các xã, phường, thị trấn quản lý các di tích do quận, huyện, thị xã ủy quyền (trừ các di tích đã được xếp hạng). Thời gian qua, việc phân cấp này đã góp phần nâng cao trách nhiệm của các địa phương đối với những di tích nằm trên địa bàn, qua đó, thực hiện tốt công tác bảo tồn ở cơ sở. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vinh dự là địa bàn tập trung nhiều di tích có giá trị, thì trách nhiệm của chính quyền và nhân dân Thủ đô đối với việc bảo tồn, phát huy những giá trị của di tích là hết sức nặng nề. Mặc dù nhiều năm qua, thành phố đã đầu tư đáng kể để tu bổ di tích, nhưng tính đến thời điểm hiện tại, vẫn còn 600 di tích bị xuống cấp. Trong khi đó, nguồn ngân sách thành phố có hạn, vốn xã hội hóa ở một số địa bàn, nhất là khu vực các huyện ngoại thành còn rất khó khăn. Không những thế, thủ tục để có thể tiến hành tu bổ một di tích cấp quốc gia khá phức tạp. Ðể tiến hành công tác tu bổ một di tích cấp quốc gia, các nhà quản lý phải ba lần trình hồ sơ lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, gồm: xin chủ trương tiến hành tu bổ, thẩm định dự án, thẩm định thiết kế và dự toán. Không ít trường hợp, chỉ riêng thời gian chờ đợi để được tu bổ cũng khiến di tích thêm xuống cấp.

Mặt khác, việc phân cấp quản lý di tích còn nhiều "lỗ hổng". Sau khi tiến hành mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, thành phố tiếp tục phân cấp triệt để việc quản lý di tích cho chính quyền các quận, huyện. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trình độ nhận thức của cán bộ xã, phường, thậm chí cả cấp quận, huyện về công tác bảo tồn di sản, di tích còn hạn chế. Như vụ việc phá dỡ một số hạng mục của chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ), cán bộ xã Tiên Phương nắm được, nhưng lại không biết việc làm đó vi phạm Luật Di sản văn hóa, cho nên không báo cáo lên cấp trên để xử lý.

Một vấn đề nhức nhối khác nữa là tình trạng trùng tu di tích sai nguyên gốc. Nguyên nhân chính của vấn đề này là do thực hiện công tác kiểm tra, giám sát quá trình tu bổ vẫn chưa được thực hiện tốt, nhất là đối với những công trình thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa. Theo đại diện của Ðoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, không ít công trình trùng tu di tích bằng nguồn vốn xã hội hóa được thực hiện theo ý của nhà hảo tâm công đức, chứ không phải cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn dễ dãi trong việc tiếp nhận công đức, nhất là tiếp nhận công đức bằng hiện vật, dẫn đến di tích ngày càng có những hiện vật mới không phù hợp với đặc điểm lịch sử, văn hóa và cảnh quan, không gian di tích.

Ðể khắc phục tình trạng này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến đề nghị, thành phố Hà Nội quan tâm hơn việc giám sát quản lý di tích sau khi đã phân cấp; nâng cao nhận thức của cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở cũng như nâng cao nhận thức của nhân dân về Luật Di sản văn hóa; quan tâm đến chế độ trợ cấp cho người trông coi di tích... Hà Nội là nơi có nhiều di tích nhất cả nước, vì thế, cần có biện pháp gắn kết di sản văn hóa với du lịch, di sản phải là điểm đến của du lịch.

                                                                                                                   Theo: Nhân Dân
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

14
Đang xem:
72.646.890
Tổng truy cập: