DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Chế độ dành cho nghệ nhân: Không nên “cứng nhắc”
(Ngày đăng: 11/04/2013   Lượt xem: 742)

Xây dựng chế độ đãi ngộ cho các Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú phải cởi mở hơn cơ chế dành cho nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú.

Đây là ý kiến chung của nhiều đại biểu tại hội thảo lấy ý kiến của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các cấp quản lý và các nghệ nhân cho dự thảo Nghị định quy định đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét tặng dah hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sáng 10/4 tại Hà Nội.

Nghệ nhân là phải cao niên?

Điều 6 của Nghị định quy định, danh hiệu nghệ nhân ưu tú phải có thời gian thực hành, phổ biến tri thức, kỹ năng di sản từ 20 năm trở lên. Với Nghệ nhân nhân dân thì phải được Nhà nước phong tặng là nghệ nhân ưu tú 5 năm trở lên tính đến thời điểm đề nghị.

 

Nhiều ý kiến cho rằng nên chú trọng đến tài năng của người nghệ nhân chứ không phải ở thời gian thực hành nghề

Điều này khiến nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, như thế sẽ làm thui chột tài năng của những nghệ nhân trẻ tuổi, không thu hút được những người trẻ đi theo thực hành, truyền dạy di sản, làm mất yếu tố lan tỏa của di sản phi vật thể. Giáo sư Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam khẳng định: “Số hoá, lượng hoá ghi trong dự thảo cần điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Thời gian thực hành và phổ biến tri thức, kỹ năng đang nắm giữ từ 25 năm trở lên đối với Nghệ nhân nhân dân và từ 20 năm trở lên đối với Nghệ nhân ưu tú là quá dài, khó có thể thực hiện được”. Giáo sư Tô Ngọc Thanh cũng lấy dẫn chứng về Liên hoan dân ca ba miền đang được tổ chức mà ông tham gia với vai trò giám khảo, một cô bé 12 tuổi dân tộc Hà Nhì có thể hát 4 ngày liên tục hàng trăm bài hát dân ca của dân tộc cô bé mà không bài nào lặp lại bài nào. “Nếu áp đặt thời gian có thể bỏ lỡ tài năng”- GS Thanh khẳng định.

Đồng ý với quan điểm này, Phó GS.TS Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư Ký Hội Di sản văn hoá Việt Nam cũng cho rằng, thời gian quy định như trong Nghị định là quá dài, nên rút xuống là 15 năm, 20 năm (như tiêu chuẩn xét tặng Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú - PV) thì hợp lý hơn. Đặc biệt chú trọng đến tài năng của người nghệ nhân chứ không phải ở thời gian thực hành nghề.

Với cách nhìn của người trong cuộc, nghệ nhân Quan họ Tạ Thị Hình, 76 tuổi, thôn Bồ Sơn, xã Võ Cường, TP Bắc Ninh cũng cho rằng: “Với Quan họ, nhiều người trẻ 20, 30 tuổi hát Quan họ rất tốt, rất hay. Nếu cứ phải “sống lâu lên lão làng” thì sẽ khó mà khiến họ có cơ hội phát huy được tài năng”.

Cũng liên quan đến vấn đề thời gian, việc truy tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú theo điều 7 quy định là 5 năm (trước ngày Nghị định này có hiệu lực) theo nhiều đại biểu là không hợp lý. GS Tô Ngọc Thanh cho rằng: “Tại sao 5 năm mà không phải 10 năm hay lâu hơn. Ông Cao Văn Lầu có những bài cải lương bất hủ, không ai có thể thay thế, nhưng lại mất mấy chục năm rồi, vậy không được phong nghệ nhân trong khi ông là cha đẻ của dân ca vọng cổ. Hay cụ Nguyễn Quang Đại, thế kỷ 19 mấy chục năm dạy đờn ca tài tử, người khai sinh ra đờn ca tài tử thì cũng không có danh hiệu gì hay sao? Chúng ta nên vinh danh những người đó có đóng góp cho văn hóa chúng ta chứ không phải là thời gian cứng nhắc”.

Cần “mềm” hơn trong hồ sơ, thủ tục

Với kinh nghiệm phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian của Hội Di sản dân gian, GS Thanh cho rằng, cần để người dân bầu chọn danh hiệu này. Bởi nếu cứng nhắc, xét trên thủ tục thì sẽ dẫn đến khai man. “Kinh nghiệm là cứ đến làng này hỏi hát ví, dân họ nói ngay ông này. Đến hôm nay, Hội Văn nghệ dân gian phong được 320 nghệ nhân, rất xứng đáng, không có một khiếu nại nào cả, họ phát huy được tri thức, tài năng của mình” – GS Thanh chia sẻ.

Bên cạnh đó, cũng cần có hội, đoàn thể đứng ra giúp các nghệ nhân làm thủ tục vì phần lớn các nghệ nhân đều cao tuổi, có người sống ở vùng cao, không biết chữ, họ không thể biết được có nghị định hoặc không biết chữ mà làm. GS Tô Ngọc Thanh nhấn mạnh: “Quy định thế này có thể sẽ làm khó các nghệ nhân cao tuổi. Nên để cho các hội, đoàn thể đứng ra “bảo lãnh”, chịu trách nhiệm làm hồ sơ cho các cụ. Tương tự như việc phong nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú có các Hội giúp đỡ. Quy định này phải thoáng, nếu không có thể bỏ qua tài năng.

Quan điểm này cũng được PGS. TS Đặng Văn Bài- Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam đồng thuận. Ông Bài cho rằng: “Tiêu chuẩn cần thiết là cộng đồng suy tôn chứ không phải là “được mến mộ kính trọng” như trong nghị định”. Còn GS. Hoàng Chương- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc khẳng định: “Qua những lần kiểm kê di sản, tự bản thân họ đã hội đủ các yếu tố trở thành nghệ nhân, đừng bắt họ phải làm những việc quá ghê gớm về thủ tục”.

Chế độ nào cho các nghệ nhân còn cần đến sự thống nhất cao trong các văn bản quy định. Tuy nhiên, mong mỏi chung của cả xã hội là cần sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định và trình Chính phủ ban hành để tránh thiệt thòi cho các nghệ nhân- những báu vật nhân văn sống đang dần mai một, để việc phong tặng được thực hiện nhiều hơn là truy tặng./.

Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định quy định đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức diễn ra sáng ngày 10/4/2013, tại Hà Nội với sự tham dự của đông đảo các nhà khoa học cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước và một số nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể. Tại Hội thảo, các vấn đề liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Nghị định; đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, hồ sơ thủ tục xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” được các đại biểu quan tâm thảo luận. Kết luận tại Hội thảo, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên khẳng định, dự thảo Nghị định được đưa ra lấy ý kiến lần này là bản dự thảo lần thứ 3, đã được Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập chỉnh lý nhiều lần và đã cho đăng tải trên website của Bộ VHTTDL để lấy ý kiến rộng rãi. Đa số các đại biểu thống nhất với tên gọi của Nghị định như trong dự thảo. Các ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ được Tổ thư ký Hội thảo tổng hợp và báo cáo Ban soạn thảo tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện, phấn đấu trong quý II sẽ hoàn thiện, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

                                                                                              Theo: Tổ Quốc

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

19
Đang xem:
72.646.895
Tổng truy cập: