DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Cần một chiến lược bảo tồn di sản văn hóa
(Ngày đăng: 06/04/2013   Lượt xem: 711)
Trải qua mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã tạo dựng và để lại những di sản văn hóa vô cùng quý giá, là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển đất nước. Tuy nhiên, di sản văn hóa cũng rất dễ bị mai một và luôn tiềm ẩn nguy cơ biến mất nhanh chóng. Bởi vậy, vấn đề đang đặt ra là cần có các giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa dân tộc trong sự phát triển toàn diện đất nước, làm cho di sản văn hóa truyền thống tiếp tục tỏa sáng trong xu thế giao lưu, hội nhập.

1. Thời gian gần đây, các ý kiến bàn về vấn đề bảo tồn di sản văn hóa truyền thống được đề cập khá nhiều trên các diễn đàn học thuật cũng như trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Một số nhà khoa học và quản lý cho rằng cần bảo vệ tính nguyên gốc của di sản văn hóa, số khác lại cho rằng cần phải bảo tồn theo hướng phát triển. Nhiều ý kiến bàn về vai trò của cộng đồng, vai trò của chủ thể trong việc bảo tồn và phát huy di sản. Có ý kiến chống lại xu hướng “sân khấu hóa” di sản, mà yêu cầu bảo tồn di sản trong môi trường nguyên gốc của nó.

Có một thực tế là di sản văn hóa phi vật thể rất phong phú và đa dạng, sự tồn tại và đời sống của từng di sản là rất khác nhau, do vậy, những nỗ lực để có một phương án duy nhất đúng trong công việc bảo tồn di sản chỉ đem lại thất bại. Các di sản khác nhau sẽ phù hợp với những phương cách bảo tồn và phát triển khác nhau. Mặt khác, với mỗi di sản, cũng có thể có nhiều phương án bảo tồn đồng thời được áp dụng. Di sản thích nghi với càng nhiều hình thức sống, nhiều không gian khác nhau sẽ càng có sức sống mãnh liệt hơn trong bối cảnh ngày một biến đổi của xã hội đương đại.

Đô thị cổ Hội An được vinh danh là Di sản văn hóa thế giới

Vì vậy, vấn đề quan trọng lúc này là, cần tổng kiểm kê toàn bộ các loại hình di sản văn hóa truyền thống. Trên cơ sở đó phân loại, xếp hạng các loại hình di sản văn hóa để xem loại hình di sản nào đã biến mất hoặc đang có nguy cơ bị mai một, loại hình nào đang tồn tại và tồn tại như thế nào. Mục đích của kiểm kê là để nhận diện, xác định giá trị, sức sống của di sản, từ đó đề xuất khả năng bảo tồn và phát huy.

Về vấn đề này, Công ước của UNESCO khuyến nghị, trước tiên cần tập trung kiểm kê những di sản hiện có. Khi điều kiện cho phép, chúng ta sẽ tiến hành phục hồi một số di sản đã mai một. Việc thống kê, phân loại cần thực hiện một cách có hệ thống, bài bản và cụ thể. Công việc nhận dạng, xác định các hiện tượng văn hóa truyền thống đòi hỏi phải có sự tham gia của cộng đồng. Đây là biện pháp có hiệu quả nhất, phát huy tối đa sự tham gia của chủ thể văn hóa, bởi vì chính họ là người chỉ ra cái gì là của mình, cái gì cần phải làm với di sản của họ và họ là người quyết định bảo tồn.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục sưu tầm di sản văn hoá. Trước đây, việc ghi chép tuy có những hạn chế nhất định, nhưng đã giúp chúng ta lưu giữ được một khối lượng di sản văn hóa truyền thống rất đáng kể như: văn học dân gian, di sản thơ phú, văn bia, thần tích, thần phả, địa chí, hương ước, nghi lễ, lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, tôn giáo, nghệ thuật biểu diễn, trò chơi, ẩm thực, nghề truyền thống... Với các thiết bị máy móc hiện đại như máy ảnh, máy ghi âm, máy quay, công việc sưu tầm di sản văn hóa truyền thống sẽ mang lại hiệu quả to lớn khi chúng ta huy động được nhiều thành phần tham gia như: học sinh, sinh viên, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, những người làm công tác bảo tồn di sản văn hóa và đặc biệt là nhân dân ở các địa phương. Vấn đề quan trọng đặt ra đối với những người tham gia sưu tầm là tôn trọng khách quan, ghi chép một cách trung thực, đầy đủ và thận trọng, tránh sự ngụy tạo.

2. Đối với di sản văn hóa truyền thống, chúng ta không nên chỉ dừng lại ở việc “bảo vệ, giữ gìn” mà coi việc phát huy tác dụng thực tế của các tài sản văn hóa, đặc biệt là trong nhận thức và giáo dục mới là công việc quan trọng.

Việt Nam đã được công nhận 4 Di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có Hội Gióng

Việc bảo tồn di sản văn hóa không thể chỉ đóng khung trong phạm vi bảo tàng. Những giá trị văn hóa truyền thống sẽ chết nếu nó không được làm sống lại trong đời sống cộng đồng của cư dân quốc gia, dân tộc đó. Chính vì thế, chúng ta cần tìm mọi biện pháp để giúp nhiều người hiểu rõ hơn về tính lịch sử cũng như giá trị văn hóa của những di sản văn hóa truyền thống. Chẳng hạn đối với loại hình văn học dân gian được giảng dạy trong nhà trường như: thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, truyện cười, giai thoại, ca dao, tục ngữ, vè, câu đố,... ngoài việc học ở sách giáo khoa để hiểu cái hay, cái đẹp cũng như giá trị của chúng, nhà trường cần thiết tổ chức các cuộc thi kể chuyện cổ tích, tìm hiểu về tục ngữ, tìm hiểu về danh nhân và các địa danh gắn với vùng miền cụ thể để học sinh hiểu sâu sắc hơn về giá trị văn hóa của dân tộc.

Đặc biệt là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục ý thức tự giác của người dân trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống. Thực tiễn chỉ ra rằng, việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa chỉ có thể được đẩy mạnh và đạt hiệu quả khi người dân tự giác tham gia. Do đó, việc giáo dục để nâng cao ý thức tự giác của người dân, khơi dậy ở họ lòng tự hào đối với di sản văn hóa của cộng đồng mình là công việc có ý nghĩa quan trọng để hướng người dân chủ động tìm tòi, sưu tầm và bảo tồn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Ngoài ra, cần phải làm rõ và gắn lợi ích của người dân khi tham gia các hoạt động bảo tồn. Đây cũng là cách thức thu hút đông đảo người dân tham gia lưu giữ di sản văn hóa truyền thống của mình.

Trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, việc vận động, tuyên truyền để nâng cao ý thức tự giác của người dân cần gắn với cuộc vận động xã hội hóa trong công tác bảo tồn. Chỉ khi người dân có ý thức trong việc bảo tồn di sản văn hóa thì mọi khó khăn mới có thể được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả. Người dân sẽ không tiếc công sức, thời gian, thậm chí, họ có thể mang tiền bạc, của cải và tài sản của mình để phục vụ cho các hoạt động bảo tồn.

                                                                                                                       Theo: GD & TĐ

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

44
Đang xem:
72.655.754
Tổng truy cập: