DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
(29)- Nơi lưu giữ 'nhịp chày Yên Thái'
(Ngày đăng: 27/06/2024   Lượt xem: 5)

Trong các nghề cổ xưa đã mai một của vùng đất Thăng Long - Hà Nội, có lẽ nghề làm giấy dó Yên Thái (Kẻ Bưởi) là đáng tiếc nhất.

Điểm dịch vụ, du lịch văn hóa và giới thiệu nghề truyền thống làm giấy dó của vùng Bưởi xưa - chính thức hoạt động tại 189 phố Trích Sài.
Điểm dịch vụ, du lịch văn hóa và giới thiệu nghề truyền thống làm giấy dó của vùng Bưởi xưa - chính thức hoạt động tại 189 phố Trích Sài.

Chính bởi vậy, lưu lại hồn cốt tinh hoa của nghề này là nhiệm vụ cấp bách để bảo tồn văn hóa của Thủ đô.

Nhịp chày... còn lại chút này làm tin

“Gió đưa cành trúc la đà/Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương/ Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ” – câu ca xưa khiến người nay thương nhớ nghề làm giấy dó Yên Thái (còn gọi là Kẻ Bưởi - nay thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội).

Tiếng chày giã vỏ dó xưa nay đã không còn, phố hóa đã xóa nhòa tất cả những gì trong quá khứ - nhưng may thay, câu ca xưa chưa bị quên lãng, và may hơn nữa là Đề án “Tổ chức vận hành, khai thác điểm dịch vụ, du lịch văn hóa và phục dựng mô hình nghề sản xuất truyền thống làm giấy dó, phường Bưởi” chính thức đi vào hoạt động.

Sau quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, điểm dịch vụ - du lịch văn hóa và giới thiệu nghề truyền thống làm giấy dó của vùng Bưởi xưa, tại địa chỉ số 189 phố Trích Sài (Tây Hồ) đã hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động từ giữa tháng 5/2024.

Đây không chỉ là một điểm dịch vụ, du lịch văn hóa, nơi lưu giữ, bảo tồn những giá trị của nghề làm giấy dó truyền thống, mà còn là địa chỉ tin cậy, quen thuộc đối với người dân Thủ đô và các tỉnh, thành trong cả nước, bạn bè quốc tế khi muốn cảm nhận những thanh âm xưa của “nhịp chày Yên Thái”.

Trên diện tích khoảng 200m2, điểm tham quan và giới thiệu nghề truyền thống làm giấy dó của vùng Bưởi xưa lấy nhà truyền thống làm trung tâm, xung quanh xây dựng các nhà, lán, phục dựng tượng và công cụ mô phỏng theo các công đoạn sản xuất - gồm 8 bước và nơi trưng bày sản phẩm, tranh ảnh, các hiện vật liên quan đến làng nghề.

Các nhà, lán xây gạch đặc, cột và dầm bằng bê tông cốt thép, mái lợp ngói mũi hài kích thước lớn, bàn trưng bày hiện vật bằng gỗ. Mỗi nhà, lán rộng khoảng 10 - 12m2, bên trong có tượng mô phỏng làm bằng composite, tỷ lệ 1:1. Nhà tưởng niệm làm nơi giới thiệu, trình chiếu phim tư liệu về làng nghề, trưng bày giới thiệu các điểm di tích, thắng cảnh của địa phương.

Ông Nguyễn Minh Hoài - Phó Chủ tịch UBND phường Bưởi cho biết, điểm dịch vụ, du lịch văn hóa và giới thiệu nghề truyền thống làm giấy dó của vùng Bưởi xưa sẽ trở thành điểm đến thú vị với du khách, đồng thời hướng kết nối với các điểm du lịch khác trên địa bàn Hà Nội.

Làng nghề giấy dó Yên Thái còn được gọi là Kẻ Bưởi từng nổi tiếng là vùng đất địa linh nhân kiệt. Trước đây, bên cạnh nghề dệt lĩnh, Yên Thái còn nổi tiếng với nghề làm giấy dó.

Trong “Dư địa chí” viết năm 1435, Nguyễn Trãi đã đề cập đến phường Yên Thái ở Thăng Long gồm nhiều làng: Hồ Khẩu, Đông Xã, An Thọ, Yên Thái, Nghĩa Đô làm ra nhiều loại giấy: Giấy sắc (để viết sắc vua ban), giấy lệnh (để viết các lệnh chỉ của vua), giấy bản (phục vụ dân dụng), giấy quỳ…

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, nghề làm giấy dó ở nơi đây đã không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Song trong tâm thức của mỗi người dân, ký ức về những tờ giấy dó xa xưa vẫn chưa phai màu. Theo các bậc cao niên trong làng, nghề giấy dó ở đây đã có lịch sử lâu đời.

Nếu như đình làng Yên Thái được xây dựng từ năm 1127, thì làng nghề bao giờ cũng có trước đình. Tiếng đập chày giã dó của người thợ xưa đã trở thành âm thanh đặc trưng của ngôi làng cổ bên bờ hồ Tây, đi vào ca dao và ghi dấu trong tiềm thức mỗi người con Hà Nội.

Giấy Yên Thái in dấu lịch sử

Tượng tái hiện cảnh thợ Yên Thái xưa giã vỏ dó.

Tượng tái hiện cảnh thợ Yên Thái xưa giã vỏ dó.

Cảnh giã giấy xưa.

Cảnh giã giấy xưa.

Quay ngược thời gian trở lại vùng Yên Thái xưa, đây vốn là ngôi làng có từ thời Lý với tên gọi là phường Tích Ma, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên. Từ triều Minh Mệnh nhà Nguyễn, phường Tích Ma được đổi thành một đơn vị hành chính mới gọi là xã Yên Thái với ba thôn là An Đông, An Thọ và Yên Thái.

Theo tài liệu lịch sử, làng Yên Thái có lễ hội thề Đồng Cổ là lễ hội truyền thống của vùng đất Thăng Long - Hà Nội do triều đình tổ chức. Ngày 4/4, nhân dân phải treo đèn kết hoa, bách quan khi về hội đền dưới sự điều hành của quan Tể tướng, nghe viên quan Trung thư đọc thệ thư rồi đọc lời thề “làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, thần minh chu diệt”. Tích xưa đã thành tục lệ, từ xa xưa đến nay Yên Thái vẫn gìn giữ tục lệ ấy.

Yên Thái còn có hội đình diễn ra vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch để tri ân công đức ông Dầu bà Dầu. Lễ hội có rước kiệu, có múa bồng, có tế lễ linh đình. Ngoài ra, Yên Thái còn có lễ tiên hiền tổ chức vào ngày 20 tháng 3 để tôn vinh đạo học và cũng là để khai bút đầu xuân.

Ngày hôm ấy, các dòng họ có người đỗ đại khoa đều tập trung con cháu ở nhà thờ họ, tuyên dương và ghi danh vào sổ họ. Sau đó rước lễ, rước sắc văn ra đình tế thánh rồi rước về văn chỉ của làng tế đức Khổng Tử.

Diễn giải dài dòng vậy để thấy rằng, Yên Thái vốn là đất văn hiến, và nghề làm giấy cũng có tổ nghề dù không ai rõ tên họ - và vẫn được thờ phụng trong các làng làm giấy xưa.

Từ trước thế kỷ 13, nghề làm giấy đã có tại thôn Dịch Vọng, sau lan truyền dần qua các làng ven sông Tô Lịch như Yên Hòa (tục gọi là làng Giấy), Hồ Khẩu, Đông Xã, Yên Thái, Nghĩa Đô, trong đó tập trung và phát triển nhất là thôn Yên Thái. Truyền thuyết ghi lại, đầu tiên ông tổ nghề giấy truyền nghề cho dân làng Yên Hòa, rồi lần lượt qua các làng khác.

Thực ra, có lẽ từ trước đó rất lâu, người Việt đã biết làm giấy. Năm 284, một thương nhân La Mã đã mua của Giao Chỉ hàng vạn tờ giấy mật hương, một loại giấy thơm, để dâng lên vua Tấn Võ Đế.

Một học giả người Hoa là Kê Hàm cũng đã xác nhận giấy Mật Hương của Giao Chỉ làm bằng gỗ trầm thơm, màu trắng, có vân vảy cá, thả vào nước không nát. Vậy ít nhất thì nghề làm giấy đã có ở Việt Nam từ thế kỷ ba sau Công nguyên.

Cho đến khi nhà nước Đại Việt ra đời và định đô ở Thăng Long thì nghề này ở làng Yên Thái đã phát triển mạnh. Giấy dó Yên Thái đã từng là mặt hàng triều cống cho triều đình nhà Tống của đời vua Lý Cao Tông (1176 - 1210). Giấy dó dùng để làm nền cho dòng tranh dân gian, thể hiện được những tiết tấu, màu sắc, họa tiết hoa văn và cốt cách tâm hồn những nghệ nhân.

Giấy dó còn được các cô hàng xén bày bán ở sạp phục vụ các nho sinh và những ông đồ dạy học ở khắp các vùng quê; giấy dó giúp cho các dòng họ ghi lại gia phả lưu truyền.

Người xưa cũng dùng giấy dó để in kinh sách, viết chữ, in tranh; các triều đại phong kiến Việt Nam dùng giấy dó cho việc viết sắc phong, năm 1736 đời vua Lê Thuận Tông, chúa Trịnh Giang đã cho in Tứ thư, Ngũ kinh bằng loại giấy này. Đặc biệt, bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được in trên giấy dó vùng Bưởi - bìa được bóc kép 6 lần và những tờ giấy ruột bên trong cũng được bóc kép 3 lần.

Giếng chuyên để lấy nước phục vụ việc làm giấy tại Yên Thái xưa.

Giếng chuyên để lấy nước phục vụ việc làm giấy tại Yên Thái xưa.

Dãy xưởng sản xuất, phụ nữ đang xeo và xếp giấy trong xưởng, 1885 - 1921.

Dãy xưởng sản xuất, phụ nữ đang xeo và xếp giấy trong xưởng, 1885 - 1921.

“Để em làm giấy cho người đề thơ”

Nghề làm giấy cổ truyền ở Yên Thái xưa cũng khá phức tạp, nó đòi hỏi từng người thợ ở từng công đoạn phải tỉ mỉ và có sự khéo léo. Nguyên liệu chính để làm giấy là vỏ cây dó loại cây cao từ 1 - 2m mọc tự nhiên thành rừng ở khu vực Phú Thọ, Yên Bái.

Người dân trong làng thường lên đó thu mua vỏ dó rồi đóng thành từng bè xuôi theo dòng chảy sông Hồng và tập kết ở bến Xù Gạ (gần bến Chèm), dùng xe bò tay kéo về làng.

Sau khi có được nguyên liệu tiêu chuẩn, cây dó được ngâm nước lã, khi xé ra thấy gần như trong suốt mới đem ủ vôi tảng và hấp cách thủy trên vạc. Lúc bấy giờ, vỏ cây có hai lớp, một đen một trắng, những người thợ bắt đầu bóc vỏ và phân loại. Có lẽ công đoạn nặng nhọc nhất để làm ra những tờ giấy thanh tân thời đó chính là công đoạn “vỡ bìa” - giã vỏ dó.

“Giã nay rồi lại giã mai/ Đôi chân tê mỏi dó ơi vì mày”. Công cụ được sử dụng là những chiếc cối đá thành dày, miệng nhỏ, phần cối đá được đặt nổi trên mặt đất và hai người đàn ông sử dụng chày tay giã nhịp nhàng, ăn ý, sao cho những cối vỏ dó nhỏ nhuyễn thành bột.

Cây cổ thụ xưa, nay vẫn còn dấu tích ép giấy.

Cây cổ thụ xưa, nay vẫn còn dấu tích ép giấy.

Bột dó được đựng vào rá đưa ra sông Tô Lịch đãi, loại bỏ những mảnh vỏ đen giữ lại thứ bột trắng tinh khôi nhất. Bột giấy được đổ vào tàu xeo, người thợ sử dụng đòn đánh bột - làm từ ngọn tre uốn cong để khuấy cho bột giấy hòa tan vào nước cộng thêm chất phụ gia là nhớt của cây mò để tạo độ kết dính. Nhờ có chất nhớt từ nhựa cây mò giúp cho các tờ giấy khi bóc khỏi bàn xeo, dù còn ướt nhưng để chồng lên nhau vẫn không bị dính.

Xeo giấy là công đoạn quan trọng nhất đòi hỏi sự khéo léo của đôi tay do những người phụ nữ đảm nhận. Họ phải đứng bên tàu xeo trong nhiều giờ đồng hồ. Tuy vất vả cực nhọc nhưng những người phụ nữ làng Bưởi vẫn luôn tự hào về nghề: “Người ta buôn vạn bán ngang/ Em đây làm giấy cơ hàn vẫn tươi/ Dám xin ai đó chớ cười/ Em đây làm giấy cho người đề thơ”.

Những chồng giấy sau khi xeo còn ướt được đưa đi ép cho kiệt nước. Người làng Yên Thái sử dụng những gốc cây cổ thụ để ép giấy. Họ đục vào thân cây để làm điểm tựa cho cây gỗ, đặt các chồng giấy ướt phía dưới rồi xếp đá tảng lên để tăng sức nặng, nhưng phải làm sao cho chồng giấy không bị vỡ. Ngày nay, một số gốc cây cổ thụ ấy vẫn còn xanh tốt và vẫn còn đó những dấu tích là các vết ép giấy khi xưa.

Đình làng Yên Thái.

Đình làng Yên Thái.

Theo ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự mai một của nghề làm giấy dó ở Kẻ Bưởi. Công nghệ sản xuất giấy hiện đại kết hợp với kỹ thuật in ấn đổi mới khiến cho nghề giấy vùng Bưởi không đủ sức cạnh tranh.

Sông Tô Lịch đoạn chảy qua làng Bưởi bị lấp, nguồn nước sạch ngày một khan hiếm, khiến cho nghề giấy vùng Bưởi ngày càng mai một.

Năm 1986 Nhà nước chủ trương xóa bỏ chế độ bao tiêu sản phẩm nên nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi. Năm 1993 chủ trương giải thể hợp tác xã khiến nghề giấy Kẻ Bưởi mai một và biến mất hoàn toàn.

                                       Theo:  giaoducthoidai.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

12
Đang xem:
72.646.888
Tổng truy cập: