DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Đường dài bảo tồn, phát huy âm nhạc truyền thống
(Ngày đăng: 11/06/2024   Lượt xem: 28)

Việc bảo tồn âm nhạc truyền thống dân tộc luôn phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh văn hóa đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới. Song mừng thay, giữa cơn lốc của âm nhạc hiện đại, vẫn còn những nghệ sĩ, nhà nghiên cứu dành tâm huyết thực hiện các dự án nhằm gìn giữ, phát huy các giá trị nguyên bản, độc đáo của di sản âm nhạc.

Ca sĩ Hà Myo trình diễn Xẩm Hà Nội
Ca sĩ Hà Myo trình diễn Xẩm Hà Nội

Nối dài dòng chảy âm nhạc dân tộc

Ngày đầu của tháng 6, khán phòng Nhạc viện Âm nhạc Việt Nam ngập tràn thanh âm của đàn bầu, đàn tranh, đàn nhị, T’rưng, sáo trúc… hòa cùng violoncello, guitar bass và bộ gõ phương Tây. Khán giả lúc như chìm đắm trong giai điệu da diết của dân ca quan họ Bắc Ninh Ngồi tựa mạn thuyền, Trống cơm lúc lại như hòa cùng khúc Gà gáy sáng vui nhộn của dân ca Cống Khao được biến tấu, mix cùng ca khúc kinh điển O Sole Mio (Mặt trời của tôi)…

Những nhạc cụ truyền thống trong đêm nhạc Đồng Thanh, kỷ niệm 10 năm thành lập của dàn nhạc tre nứa Sức sống mới, dưới bàn tay của vị nhạc trưởng Đồng Quang Vinh được vang lên một cách rất mới, rất riêng, mang đến sức sống mới của nhạc cụ truyền thống trong lòng khán giả.

Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, người sáng lập dàn nhạc Sức sống mới, chia sẻ, nhiều nghệ sĩ tại các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản cũng than phiền vì giới trẻ không mấy khi nghe nhạc truyền thống, hay nhạc cổ điển. Đây là hiện tượng chung, tất yếu trong bối cảnh nhiều loại hình giải trí thời thượng lên ngôi. Tuy nhiên, không đổ lỗi cho khán giả, anh mong có thể góp một phần sức mình để thay đổi thực tế đó. Việc phát triển và duy trì dàn nhạc Sức sống mới cũng là một trong những nỗ lực không ngừng để đưa âm nhạc, đưa nhạc cụ truyền thống của dân tộc lên một tầm cao mới.

Cùng chung mong muốn nâng tầm giá trị âm nhạc truyền thống Việt Nam bằng hơi thở và ngôn ngữ âm nhạc đương đại, tuy mới thành lập nhưng nhóm nhạc Thiên Thanh (gồm những bạn trẻ đang theo học tại nhạc viện) cũng đã có một đêm biểu diễn đầy ấn tượng tại Hà Nội với tên gọi Về Kinh Bắc. Trong đêm nhạc, chất liệu dân gian đã được biến tấu không chỉ về mặt hòa âm mà còn khai thác các thể loại nhịp điệu khác nhau, tạo nên không gian tươi mới, trẻ trung, đa sắc… Được biết, Về Kinh Bắc sẽ là dấu ấn khởi đầu của các dự án về âm nhạc truyền thống sẽ được Thiên Thanh triển khai trong thời gian tới.

Tâm huyết với âm nhạc dân tộc, kênh YouTube Dân ca & Nhạc cổ truyền do nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long gây dựng và vận hành với mục đích giới thiệu các sản phẩm âm nhạc dân gian độc đáo, đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng trên không gian mạng. Sau các dự án thành công giới thiệu về xẩm, ca Huế, quan họ…, Nguyễn Quang Long cũng vừa ra mắt dự án giới thiệu di sản âm nhạc hát xoan và dự kiến tiếp theo sẽ là ca trù.

Đối mặt với nhiều thách thức

Đã có chuyển biến tích cực, nhiều làn điệu, bài hát cổ truyền được sưu tầm, ghi chép và số hóa; nhiều nghệ nhân trẻ tài năng được đào tạo và tham gia biểu diễn khiến âm nhạc truyền thống ngày càng được đông đảo công chúng yêu thích, đặc biệt là giới trẻ. Song, trước sự xâm lấn của nhiều loại hình giải trí hiện đại và những biến đổi của xã hội, âm nhạc truyền thống cũng đang gặp những thách thức trong việc bảo tồn, quảng bá.

Một trong những nguyên nhân chính, theo NSƯT Nguyễn Hải Linh, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, là do việc thiếu sự quan tâm, đầu tư như: thiếu định hướng cụ thể, rõ ràng cho việc bảo tồn, phát huy các sản phẩm văn hóa với các đặc trưng riêng biệt về vùng miền, dân tộc; việc hỗ trợ dàn dựng các tác phẩm âm nhạc truyền thống còn ít, chưa xứng tầm…

Còn theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, bên cạnh việc bảo tồn nguyên vẹn các giá trị âm nhạc truyền thống thì việc quảng bá lại cần có sự đổi mới và sáng tạo để phù hợp với thị hiếu của công chúng, phù hợp với nhịp sống đương đại, giúp giới trẻ tiếp cận và thêm yêu truyền thống. Điển hình như những sản phẩm của các nghệ sĩ trẻ rất thu hút khán giả thời gian qua, như: Thị Mầu của Hòa Minzy và Masew; Để Mỵ nói cho mà nghe của Hoàng Thùy Linh; Xẩm Hà Nội của Hà Myo…

“Vẫn là không gian, văn hóa, âm nhạc, câu hát quen thuộc, nhưng nếu được mang âm hưởng trẻ trung, tươi mới sẽ dễ thu hút khán giả hiện nay. Việc làm mới này sẽ mang đến giá trị của thời đại, từ đó góp phần quảng bá giá trị di sản, văn hóa các vùng miền, kích thích du lịch phát triển”, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long chia sẻ.

Nhiều chuyên gia cũng chỉ ra rằng, cùng với việc nuôi dưỡng đam mê, cần hoạch định chính sách có tầm nhìn lớn, cái tâm thiết tha với cội nguồn để đào tạo, bồi dưỡng lực lượng kế cận. Hy vọng, với môi trường đào tạo tốt, cộng thêm sự hưởng ứng, cổ vũ mạnh mẽ từ công chúng, sẽ góp phần nuôi dưỡng, thổi bùng đam mê của những bạn trẻ trong hành trình gìn giữ, phát triển âm nhạc truyền thống dân tộc.

                                                 Theo:  sggp.org.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

16
Đang xem:
72.622.961
Tổng truy cập: