DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Giữ gìn giá trị Đờn ca tài tử: Để không biến tướng thành trục lợi
(Ngày đăng: 23/12/2014   Lượt xem: 424)

Biểu diễn Đờn ca tài tử tại lễ khai mạc Fesstival Đờn ca tài tử lần thứ nhất-Bạc Liêu 2014. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Khi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể, Đờn ca tài tử có thêm nhiều cơ hội để phát huy giá trị, tuy nhiên cũng kéo theo những biến tướng khiến loại hình Đờn ca tài tử này có nguy cơ phát triển lệch hướng.

Với những lợi thế là trung tâm văn hóa chính trị có sức hút lan tỏa đối với cả nước, nơi hội tụ của hầu hết những tài tử giỏi về đờn ca, những nhà nghiên cứu cũng như những soạn giả, Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực hết mình trong việc tìm ra những giải pháp thiết thực nhằm bảo tồn và phát triển Đờn ca tài tử. Tuy nhiên, để đờn ca tài từ phát triển đúng hướng, tôn vinh giá trị di sản văn hóa phi vật thể thì lại không hề đơn giản.

Nguy cơ biến tướng

Sau hơn một năm được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể, Đờn ca tài tử đã được mọi người biết đến nhiều hơn, nhu cầu nghe và học đờn ca tài tử của người dân cũng nhờ đó tăng lên. Nhờ vậy, học và nghe Đờn ca tài tử trở thành phong trào phát triển sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, cùng với đó, trong sinh hoạt Đờn ca tài tử hiện cũng đã xuất hiện nhiều biến tướng.

Theo ông Nguyễn Hùng Khu, Trưởng phòng Nghiệp vụ-Tổng hợp Cục công tác phía Nam (Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch), sau khi Đờn ca tải tử được công nhận, biến tướng đầu tiên là nở rộ việc dạy Đờn ca tài tử tràn lan, đáng lưu ý là những cách truyền dạy không thống nhất. Thậm chí loại hình nghệ thuật này còn bị sử dụng trong nhiều môi trường không phù hợp.

Cụ thể, nhiều người theo học Đờn ca tài tử không phải yêu thích mà muốn nhằm mục đích trình diễn để kiếm tiền. Chính vì nhu cầu này mà người dạy nhạc cũng dạy theo yêu cầu của học viên. Tức là, học viên sẽ được học những bài bản Đờn ca tài tử khác nhau phù hợp với mục đích trình diễn trong quán rượu, phòng trà hay để trên sân khấu.

Hiện, thành phố có 118 câu lạc bộ Đờn ca tài với khoảng 2.000 tài tử tham gia sinh hoạt và cùng với đó nhiều cuộc thi, liên hoan Đờn ca tài tử được tổ chức. Song, trên thực tế, nhiều cuộc hội thi chỉ mang tính chất phong trào và khá hời hợt.

“Có những nơi thành lập câu lạc bộ theo kiểu cho có và chỉ để tham gia các hội thi chứ chưa thực sự là điểm đến của những người yêu thích Đờn ca tài tử. Chính vì vậy mới có tình trạng khi các hội thi diễn ra, các câu lạc bộ mượn các tài tử giỏi của nhau nhằm đoạt giải chứ thực chất không có câu lạc bộ chính thức của địa phương. Không phải câu lạc bộ nào cũng có thầy giỏi, đủ trình độ tài năng trong nhấn nhá ngón đờn để truyền dạy cho lớp trẻ kế thừa. Bên cạnh đó, tại một số lò dạy Đờn ca tài tử chỉ nhận dạy với điều kiện người học phải biết đờn biết ca trước đó, còn nếu chưa biết thì phải đi kiếm chỗ khác học hay tự học ở nhà những bài bản căn bản của Đờn ca tài tử rồi sau đó quay lại sẽ được nhận dạy. Điều này khiến cho nhiều người quay lưng với Đờn ca tài tử," nghệ nhân Thanh Tùng chia sẻ.

Đưa đờn ca tài tử vào trường học

Nhằm phát huy giá trị của di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản số 73 hướng dẫn sử dụng di sản trong dạy học ở các bộ môn lịch sử, địa lý, âm nhạc.

Trên cơ sở đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra đề án “Đưa âm nhạc dân tộc vào học đường,” trong đó có bộ môn Đờn ca tài tử. Đây là một trong những giải pháp thiết thực để giáo dục và thu hút giới trẻ đến với loại hình nghệ thuật này, nhưng cho đến nay, việc dạy và học Đờn ca tài tử trong trường học khá “mờ nhạt."

Nhạc sỹ Bùi Anh Tôn, Chuyên viên phụ trách Bộ môn Âm nhạc thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết trong những năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đã có những hoạt động nhằm đưa âm nhạc dân tộc nói chung và Đờn ca tài tử nói riêng vào trường học như tổ chức lớp tuận huấn cho các giáo viên về Đờn ca tài tử do, đưa các giáo viên về tận Khu lưu niệm nhạc sỹ Cao Văn Lầu tại tỉnh Bạc Liêu để thầy cô có thêm trải nghiệm phục vụ việc dạy học.

Bên cạnh đó, Sở còn phối hợp với Trung tâm văn hóa thành phố thực hiện các buổi giới thiệu âm nhạc dân tộc vào trong các giờ ngoại khóa của một số trường.

Mặc dù vậy, âm nhạc dân tộc có nhiều nội dung để dạy nhưng tại các trường học, một tuần các em chỉ có một tiết âm nhạc, vì vậy thời gian dành cho âm nhạc dân tộc tại các trường học còn ít. Cho nên để học sinh được tiếp cận nhiều và thường xuyên với âm nhạc dân tộc, trong đó có Đờn ca tài tử các trường cần linh hoạt các hình thức dạy học.

Chẳng hạn, dạy tích hợp trong các môn học có liên quan đến âm nhạc dân tộc, hay dạy ngoại khóa, hoặc cho học sinh trải nghiệm về nhạc dân tộc nói chung, Đờn ca tài tử nói riêng trên các kênh khác nhau như trên phát thanh của trường vào giờ ra chơi hay mời các nghệ nhân tới nói chuyện và biểu diễn trong các giờ sinh hoạt đầu tuần hay các hoạt động ngoại khóa.

Tùy vào cấp học mà có những buổi nói chuyện với thời gian ngắn dài khác nhau cũng như lựa chọn bài bản để ca phù hợp với lứa tuổi của các em.

Bên cạnh việc thống nhất nội dung giảng giạy, đào tạo đội ngũ giáo viên đạt trình độ, việc dạy Đờn ca tài tử cần phải căn cứ vào lứa tuổi để có những bải bản dạy phù hợp.

Thầy Phan Nhứt Dũng, Giảng viên dạy môn Đờn ca tài tử trường Đại học Sân khấu Điện ảnh thành phố chia sẻ thêm, việc dạy và học Đờn ca tài tử nên bắt đầu từ mẫu giáo. Tại các trường mẫu giáo, hàng ngày nhà trường sẽ mở những bài hát dân ca cổ nhạc để các em nghe đi, nghe lại và giải thích cho các em ý nghĩa của những bài hát này.

Ở cấp tiểu học, thầy cô bắt đầu dạy các em cách ca những bài hát đã được nghe từ mẫu giáo. Cấp trung học cơ sở là lứa tuổi đã có thể dạy học sinh cách đờn nên chương trình học sẽ là vừa dạy đờn vừa dạy ca ở những giờ học ngoại khóa.

 Lên cấp trung học phổ thông, có thể tổ chức những buổi sân khấu học đường mời những nghệ sỹ Đờn ca tài tử tới biểu diễn nói chuyện với các em, cũng vừa định hướng các em theo học Đờn ca tài tử sau khi tốt nghiệp cấp trung học phổ thông.

Có làm được những điều này thì việc đưa đờn ca tài tử vào trường học mới thành hiện thực.

Duy trì không gian sinh hoạt dân gian của Đờn ca tài tử

Việc các câu lạc bộ Đờn ca tài tử được thành lập ở các quận, huyện đã góp phần không nhỏ trong việc thu hút người yêu thích Đờn ca tài tử đến học và chơi đờn. Nhưng để Đờn ca tài tử thật sự diễn ra trong đời sống của người dân thì việc sinh hoạt đờn ca tài tử không chỉ dừng lại ở hình thức các câu lạc bộ.

Ông Nguyễn Hùng Khu nhận định không phải cứ quay phim chụp hình các hội thi, hội diễn, là các nghệ nhân mới bảo tồn, mà phải để sinh hoạt tài tử diễn ra hàng ngày trong đời sống, nó phải đi vào đời thường của người dân.

Khi nông dân đi cày đi cấy, lúc giải lao hát vài bản dạo, hay lúc vào mùa cùng nhau gặt lúa tranh thủ thi hát xem ai thuộc nhiều bài hơn, hay những lúc Trăng sáng mọi người lại tập hợp nhau quây quần bên tách trà cũng chơi những bài đờn xưa...

Đó mới chính là bảo tốn “sống” Đờn ca tài tử mà muốn làm được điều này thì chính quyền xã phải biết lồng vào Chương trình xây dựng nông thôn mới. Chẳng hạn, vừa khuyến khích người dân chơi Đờn ca tài tử, vừa đưa Đờn ca tài tử vào một trong các tiêu chí trong sinh hoạt văn hóa của làng xã

Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia, để bảo tồn và phát triển Đờn ca tài tử thì ngành giáo dục và ngành văn hóa cần nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ của mình. Cụ thể, ngành giáo dục đảm nhận vai trò tổ chức dạy và học như thế nào ở các cấp học, còn ngành văn hóa phái cung cấp chuyên gia vì đây là ngành truyền thống hiện có giáo viên giỏi để dạy.

Một cách dạy học Đờn ca tài tử được xem là sẽ thu hút được nhiều người học, đó là dạy trên truyền hình. Một ngày chỉ cần dạy 30 phút cũng đủ để người học có thể sắp xếp thời gian học mà cũng không chiếm nhiều thời lượng của Đài Truyền hình.
                                                                  Theo : vietnamplus.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

26
Đang xem:
72.684.564
Tổng truy cập: