DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Hoang tàn thành cổ Biên Hòa
(Ngày đăng: 05/09/2014   Lượt xem: 509)
Thành Biên Hòa, Đồng Nai có từ thời Chân Lạp, sau hai lần trùng tu lớn vào thời Nguyễn và thời Pháp hiện hữu cho đến nay. Một kiến trúc quân sự độc nhất ở Nam bộ gắn liền với lịch sử hơn 300 năm của vùng đất trấn Biên, được công nhận di tích cấp quốc gia vào năm ngoái, nhưng không ai có thể tưởng tượng nổi nó đang đổ nát, hoang tàn như phế tích.

NHÂN CHỨNG LỊCH SỬ

Thành cổ Biên Hòa là tên gọi sau này, trước nó có tên là Thành Cựu, do người Chân Lạp đắp bằng đất khoảng thế kỷ 14 đến 15. Điều này đã được khẳng định trong các thư tịch cổ mà nơi đây hiện còn lưu giữ. Sách Biên Hòa sử lược của Lương Văn Lựu, ghi: “Thành được xây dựng lại trên nền Thành Cựu vào năm Gia Long thứ 15 (năm 1816), tại thôn Bàn Lân, huyện Phước Chánh, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) cũng với tên gọi Thành Cựu. Chu vi thành dài 338 trượng, cao 8 thước 5 tấc, dày 1 trượng, thành có 4 cửa và một kỳ đài nằm phía chánh điện (theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu: 1 trượng = 4 mét). Đến năm Minh Mạng thứ 18 (năm 1837), Thành Cựu được xây dựng lại bằng đá ong và đổi tên gọi Thành Biên Hòa”. Đây cũng là thành trì hiếm hoi nhất của triều Nguyễn xây dựng còn sót lại ở vùng đất Nam bộ, trở thành minh chứng lịch sử của triều Nguyễn cùng với nhân dân Biên Hòa anh dũng chống thù trong giặc ngoài.

Những năm đầu Pháp đánh chiếm Nam bộ, Thành Biên Hòa trở thành nơi phòng ngự, phản công của quan quân nhà Nguyễn. Tháng 12-1861, Biên Hòa thất thủ, Pháp cho phá thành và xây dựng lại nhỏ hơn gọi là thành Xăng Đá (phiên âm từ tiếng Pháp Soldat - tức “Thành lính”). Buổi sáng lính trong thành dùng kèn báo thức âm vang cả vùng nên dân chúng gọi là Thành Kèn.

Cùng với diễn trình lịch sử, Thành Biên Hòa trở thành nơi minh chứng cho lịch sử hào hùng của vùng đất này trong suốt chặng đường dài hơn 300 năm hình thành và phát triển. Mở đầu là những cuộc chiến giành lãnh thổ giữa các bộ tộc trong vương quốc Phù Nam, rồi Chân Lạp, Chămpa. Tiếp theo là cuộc chiến của nhà Nguyễn và nghĩa quân Tây Sơn trong thời kỳ khai phá vùng đất Đàng Trong. Rồi cuộc chiến của quan quân nhà Nguyễn cùng người dân Biên Hòa, Đồng Nai chống Pháp và Mỹ sau này.

Song sự kiện mang tính lịch sử tiêu biểu nhất từ trước đến nay xảy ra tại Thành Biên Hòa đã được sử sách ghi nhận là sự kiện tháng 12-1861. Sau khi đồn Chí Hòa thất thủ, tướng Pháp Bonard gửi tối hậu thư cho khâm sai đại thần Nguyễn Bá Nghi yêu cầu quân triều đình triệt thoái các pháo đài trên sông Đồng Nai. Chưa nhận được trả lời thì ngay sáng hôm sau tướng Bonard đã hạ lệnh tiến công. Ngày 17-12-1861, Pháp chiếm Thành Biên Hòa. Nhận thấy tầm quan trọng của thành lũy này đối với các tỉnh lân cận, Pháp bắt tay vào việc xây dựng lại thành: nhà ở, doanh trại, nhà thương, bãi bắn... bố trí các sĩ quan cao cấp trấn giữ.

DI TÍCH HOANG TÀN

Thành Biên Hòa hiện hữu trên khu đất hình vuông có diện tích hơn 10.000m2. Các đoạn tường thành được liên kết bằng đá ong, tổng chiều dài 438,9m; hiện chỉ còn duy nhất một đoạn tường thành hướng Tây Nam nguyên vẹn dài khoảng 30m, số còn lại đã bị xâm hại với nhiều lý do riêng. Bên trong tường thành, một biệt thự kiến trúc kiểu Pháp chính là Thành Biên Hòa. Đây là di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật quân sự, di tích hiếm hoi được các nhà nghiên cứu quan tâm và người dân ái mộ.

Thành Biên Hòa được xây dựng theo lối kiến trúc 1 trệt, 2 lầu. Toàn bộ hệ thống tường được xây bằng đá ong và gạch thẻ, không có hệ thống cột. Trần đổ bê-tông ốp gạch thẻ dạng cuốn vòm, có các hệ thống thông hơi trên trần và mái bằng hai ống khói. Vào đầu mùa mưa năm nay một trong hai ống khói bị đổ cùng với nhiều lỗ thủng trên mái ngói.

Một số nhân chứng từng làm việc trong Thành Biên Hòa trước đây, kể lại: Giai đoạn từ 1957 trở về sau này, thành được chia làm 2 khu vực: phía Tây Bắc thuộc quyền sử dụng của cơ quan phòng nhì. Khu vực này có một thời gian dài cơ quan phòng nhì dùng tầng trệt để giam giữ các chiến sĩ cách mạng. Có lẽ vì thế mà kiến trúc tầng trệt đã có một số thay đổi như hệ thống cửa chính, cửa sổ cũng như sự lưu thông giữa các phòng là những ô cửa sắt rất nhỏ, cỡ 20 x 40cm; chắn song sắt tới trần và các phòng được ngăn nhỏ bằng tường dày 0,40m.

Trong khi kiến trúc hướng Đông Nam có qui mô xây dựng nhỏ hơn, khoảng 200m2. Kiến trúc 1 trệt, 1 lầu, được bố trí thành 4 phòng. Khu vực này trong khoảng thời gian từ năm 1957 đến 1975 được Sở An ninh của chính quyền Sài Gòn sử dụng làm sở chỉ huy tác chiến.

Như vậy cả hai hạng mục công trình trên không chỉ có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật mà còn trở thành nơi minh chứng cho những tội ác mà Pháp, Mỹ gây ra đối với đồng bào miền Nam nói chung, Đồng Nai nói riêng. Hay nói cách khác, bản thân di tích này đang chứa đựng những giá trị lịch sử, rất cần được bảo tồn và khai thác.

Hiện nay Thành Biên Hòa tuy không còn nguyên vẹn như đã đề cập, song những gì còn sót lại của một thành trì phần nào đã phản ánh được trình độ kỹ thuật, kiến trúc quân sự của cha ông ngày xưa biết khai thác địa thế thiên nhiên theo cách nhìn địa chính trị kết hợp với quan niệm phong thủy, đáp ứng nhu cầu phòng thủ, tấn công địch đạt hiệu quả cao nhất.

Di tích Thành Biên Hòa đến nay đã trải qua 4 lần trùng tu, sửa chữa lớn vào các năm 1837, 1861, 1977 và 2001. Sau mỗi lần trùng tu, sửa chữa, những hạng mục công trình của thành lần hồi bị mai một, số còn lại đang trong tình trạng đổ nát, hoang phế.

Trước thực trạng trên, năm 2008, Công an Đồng Nai (Phòng hậu cần Công an Đồng Nai quản lý, sử dụng làm việc và kho chứa hàng) giao về cho Sở VH-TT&DL quản lý, đây cũng là năm di tích này được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Mãi đến tháng 11-2013, di tích thành cổ Biên Hòa mới được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia trong tình trạng đổ nát và hoang phế như đã nói. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hoàng Sơn, Phó phòng Hành chính - tổng hợp, BQL Di tích và danh thắng Đồng Nai, cho biết trước tình trạng di tích gần như hư hại hoàn toàn, tỉnh đã đồng ý cấp 5 tỷ đồng để bảo tồn cấp thiết. Số tiền này không thấm vào đâu so với thực trạng xuống cấp của di tích, nhưng do ngân sách của tỉnh còn khó khăn nên BQL đang cân nhắc xem xét “chống hư hại tạm thời”.

Hiện nay, mỗi năm thành cổ đón khoảng 700 - 800 lượt khách, đa số là người nước ngoài đến tham quan, nghiên cứu khoa học. Hầu hết đều tỏ ra tiếc cho một di sản hiếm có - nếu không nói là độc nhất, mang nhiều ý nghĩa lịch sử, văn hóa, quốc phòng của dân tộc Việt Nam. Nếu không sớm được trùng tu, tôn tạo di tích này sẽ chỉ còn tồn tại trên giấy mà thôi.

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

19
Đang xem:
72.633.339
Tổng truy cập: