DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Mối nguy với di sản Việt
(Ngày đăng: 04/08/2014   Lượt xem: 500)

Nếu đọc những tấm văn bia ở đình, chùa, đền miếu, ta sẽ thấy, hệ thống di tích có được như ngày hôm nay - một kho tàng văn hóa - một phần quan trọng nhờ công đức của người xưa. Nhưng ngày nay, hai chữ "công đức" đang trở thành một kẻ phá hoại âm thầm, một "mối nguy" với di sản Việt.

"Công đức" xưa và nay

Hầu như ai cũng biết đình làng Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) là một trong những ngôi đình lớn nhất, đẹp nhất Việt Nam. Nhưng ít ai biết rằng, ngôi đình ra đời, chính nhờ sự công đức của người dân địa phương. Trong đó, phần chủ yếu là của cụ Nguyễn Thạc Lượng, một nhà trí thức, một vị quan triều Lê Trung hưng, khi về nghỉ tại quê nhà đã đứng lên cùng nhân dân xây dựng. Ngôi đình được khởi công năm 1700, phải đến năm 1736 mới hoàn thành và đã trở thành niềm tự hào của xứ Kinh Bắc suốt ba thế kỷ qua.


Tấm bảng điện tử hiện diện sừng sững trong khuôn viên cụm di tích Bia Bà, như muốn thách thức dư luận.

Tìm hiểu về nguồn gốc của các di tích, di sản, chuyện một người dân (thường là trí thức) kêu gọi nhân dân địa phương, rồi mượn thợ thuyền để xây dựng đình, chùa như ở Đình Bảng là phổ biến. Không có tiền, hiện vật của người dân công đức, nhiều di tích đã không được dựng lên, cũng nhiều di tích đã bị tàn phá mà không được tu bổ.

Nhưng đó thật sự đã là chuyện... rất xưa. Ở Hà Nội, cụm di tích Bia Bà (quận Hà Đông) có thể coi là một điển hình cho tình trạng công đức ngày nay. Ngay từ cổng, đã có một đôi sư tử đá kiểu Tàu chính hiệu "hầm hố" trợn mắt nhe nanh. Bên trong, đếm sơ sơ còn có thêm hai đôi sư tử nữa. Người ta dễ nhầm mình lạc vào phim trường của một bộ phim kiếm hiệp Trung Quốc hay Đài Loan. Cuối năm 2013, một tấm bảng điện tử với những dòng chữ xanh đỏ loe loét, cao tới 3 mét, diện tích chừng 20 m2, được dựng lên như muốn nuốt chửng mái đình. Tất cả đều là đồ công đức. Riêng tấm bảng điện tử trông như tấm biển quảng cáo cỡ lớn kia được dựng trong khu bảo vệ cấp I của di tích - khu vực mà muốn xây dựng phải có sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nhiều lần các cơ quan chức năng yêu cầu tháo dỡ, nhưng chính quyền địa phương vẫn tìm mọi cách bảo vệ.

Đây chỉ là một trong vô vàn câu chuyện về đồ công đức tàn phá di tích Việt. Hai chữ "công đức" đang trở thành nỗi ám ảnh với những người yêu mến văn hóa truyền thống.

Vì sao có sự khác biệt, thậm chí đối lập như thế? Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Trang Thanh Hiền (Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội), mấu chốt nằm ở cái tâm của người đứng ra công đức. Người xưa thật sự mong muốn xây dựng những công trình phục vụ cho nhu cầu tâm linh của làng xã, của cộng đồng, mong muốn tạo ra những công trình cho con cháu mai sau. Ngày nay thì ngược lại. Mục đích khi công đức - tiếp nhận công đức hoàn toàn khác. Và việc này được thực hiện trong sự thiếu hiểu biết của cả bên cho - bên nhận.

Trở thành "người công đức thông minh"

Mỗi khi có sự cố xảy ra ở các di tích, lỗi thường được đổ hết sức loanh quanh. Và cuối cùng, lỗi là... không ai cả. Cứ cho rằng người dân thường thiếu hiểu biết, nhưng còn người quản lý di tích thì sao? Giả sử sư trụ trì chùa Sổ (Thanh Oai - Hà Nội) từ chối tiếp nhận, thì liệu tòa lầu lục giác bằng bê-tông có được xây trái phép hay không? Không khó để có câu trả lời.

Công đức là một nhu cầu tâm linh của nhiều người dân, để cầu mong được phúc đức, may mắn. Một số nhà nghiên cứu đề xuất, để "sống chung", nên lập danh mục những hiện vật để khuyến cáo nhân dân nên công đức, nếu di tích thực sự cần, và người dân có nhu cầu. Đồng thời, nên có hướng dẫn về mẫu mã. Đây cũng là một biện pháp khắc phục tình trạng lộn xộn hiện nay, vừa để nâng cao dân trí.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc xây dựng quy định về tiếp nhận đồ công đức tại các di tích hoàn toàn không dễ dàng. Từ năm 2009, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã "khởi động" soạn thảo quy chế. Năm năm đã trôi qua, chưa có quy chế nào được ban ra. Trong khi đó, đồ công đức hàng ngày vẫn "đại phá" di sản, hết chùa Chân Long (huyện Thạch Thất, Hà Nội) lại đến con ngựa đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm), và mới nhất là vụ lầu lục giác chùa Sổ. Theo chúng tôi được biết, để ban hành quy chế này, cần phải xin ý kiến một số ban ngành, đoàn thể. Nhưng có những lý do rất tế nhị khiến một số đơn vị liên quan trực tiếp đến di tích, di sản lại không muốn quy chế này được ban ra. Dường như đang có sự tồn tại của những "nhóm lợi ích", nên không dễ để trông chờ vào hiệu quả của quy chế này, ngay cả khi nó được ban hành.

Một nghịch lý là trong khi nhiều di tích được công đức đến độ thừa mứa, ban quản lý thường phải tìm mọi lý lẽ để vứt đồ cổ, đưa thêm đồ công đức mới vào thì ngay tại Thủ đô Hà Nội, vẫn còn 600 di tích đang kêu cứu, nhiều di tích đang chờ sập. Dân gian thường phân biệt hai đối tượng này bằng ngôn từ dân dã: "chùa giàu - chùa nghèo". Nếu thật sự là người có tâm, thì hẳn người công đức sẽ biết nên làm gì, thay vì để xảy ra tình trạng "nước chảy chỗ trũng".

Trong khi chưa có quy chế, mỗi người hãy làm người công đức thông minh. Công đức đúng lúc, đúng chỗ. Với sự giúp sức của các phương tiện thông tin đại chúng, không khó để tìm được những thông tin chỉ dẫn về đồ công đức phù hợp với truyền thống văn hóa, tín ngưỡng của người Việt. Và cũng đừng quên rằng, nhà Phật dạy "cứu một mạng người hơn xây bảy tòa tháp".

                                                                                                   Theo: nhandan.org.vn

                                                                                                     

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

187
Đang xem:
73.098.190
Tổng truy cập: