DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Bảo tồn và phát huy Di sản Vịnh Hạ Long: Tầm nhìn dài hạn và bền vững
(Ngày đăng: 19/11/2013   Lượt xem: 613)

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khẳng định, với Vịnh Hạ Long, để trở thành thương hiệu du lịch xứng tầm một kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới thì phải phát triển sản phẩm du lịch Hạ Long theo hướng độc đáo, hấp dẫn và bền vững.


                                                                                   Ảnh: TL

Tại Hội thảo quốc tế "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Tầm nhìn mới” do Bộ VH,TT&DL phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức diễn ra ngày 24-7 tại TP. Hạ Long, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khẳng định, với Vịnh Hạ Long, để trở thành thương hiệu du lịch xứng tầm một kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới thì phải phát triển sản phẩm du lịch Hạ Long theo hướng độc đáo, hấp dẫn và bền vững.

Hội thảo có sự tham dự của 150 đại biểu trong nước và quốc tế, là các nhà khoa học, các chuyên gia, lãnh đạo các Bộ, ngành địa phương, doanh nghiệp, các hiệp hội, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Tại đây, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Tuấn Anh cho rằng, khi Vịnh Hạ Long đã trở thành di sản chung, điểm đến của thế giới thì việc tạo ra các sản phẩm du lịch phải có sự độc đáo để hấp dẫn du khách; đồng thời phải rất chú ý đến khía cạnh phát triển bền vững. Và du lịch Hạ Long phải lấy chất lượng và hiệu quả làm trọng tâm. "Trong khi tăng tốc phát triển du lịch, cần thiết phải gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới Vịnh Hạ Long”, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh lưu ý. Tới thời điểm này, hàng năm Vịnh Hạ Long thu hút hàng triệu lượt du khách tới tham quan, với doanh thu hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm. Đó là cơ hội to lớn cho du lịch Hạ Long nói riêng và Quảng Ninh nói chung phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh thách thức trong việc bảo tồn để phát triển như thế nào luôn là vấn đề lớn. Nói như Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh là "thông qua du lịch để bảo tồn di sản”.

Cũng tại Hội thảo, bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng, những nỗ lực bảo vệ và quảng bá Vịnh Hạ Long cần phải xuất phát từ các bên liên quan, đó là: Nhà nước và tư nhân; quốc tế và quốc gia. UNESCO sẵn sàng hỗ trợ để nâng cao năng lực thực thi trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị của một Di sản thiên nhiên thế giới như Vịnh Hạ Long. Bà K.M. Marin đề nghị, kiểm soát chặt chẽ rác thải từ tàu, thuyền là việc cần làm ngay, đặc biệt cần đảm bảo việc này không xảy ra ở vùng ranh giới của di sản, bởi điều này có thể kéo theo việc gây ô nhiễm môi trường vùng biển và bờ biển Cát Bà. "Chúng ta hẳn đều mong muốn các thế hệ tương lai cũng được chiêm ngưỡng di sản kỳ diệu và độc đáo này. Bởi vậy, huy động nhiều nhân lực hơn nữa để thu gom rác không phải là giải pháp tối ưu. Điều cần thiết là có ít người vứt rác hơn ở nơi không nên vứt. Ứng dụng các giải pháp xử lý chất thải chuyển thành nhiên liệu hoặc phân bón nên được xem xét và ứng dụng”, bà K.M. Marin lưu ý.


Thu gom rác trên Vịnh Hạ Long
Ảnh: Đinh Quận

Về vấn đề này, ông Phạm Minh Chính - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh khẳng định, nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh luôn ý thức sâu sắc về vai trò, vị thế đặc biệt của một di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới, "đó là cơ sở, động lực quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển xanh của Quảng Ninh”. Theo ông Chính, với vị trí đặc biệt của mình, Vịnh Hạ Long rất cần được bảo vệ, đầu tư tôn tạo một cách bền vững và cần được khai thác, phát huy đúng với tầm vóc, vai trò và các giá trị của một tài nguyên đặc biệt. Giá trị của Vịnh Hạ Long trên thực tế đã vượt khỏi giá trị của một địa phương, của đất nước, mà đã mang tầm quốc tế. Trong ý nghĩa ấy, trách nhiệm giữ gìn tôn tạo và khai thác Vịnh Hạ Long thuộc về cả nhân loại.

Tại hội thảo, các diễn giả và các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong phát triển du lịch Hạ Long cũng như cơ hội và thách thức của sự phát triển. Các diễn giả quốc tế cũng trao đổi về kinh nghiệm phát triển di sản, vị trí, vai trò của Vịnh Hạ Long trên các tuyến tàu biển quốc tế. Bên cạnh đó, hội thảo cũng đặt ra những yêu cầu và đề xuất các giải pháp trên nhiều lĩnh vực, như quy hoạch, quản lý, bảo tồn và đầu tư, phát triển sản phẩm, tổ chức dịch vụ du lịch, quản lý chất lượng và môi trường cho du lịch Hạ Long; vị thế và tầm nhìn, giải pháp phát triển cho di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Nói như ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, thì cần có 4 giải pháp lớn. Thứ nhất, đặt Vịnh Hạ Long vào vị trí ưu tiên trong hoạch định phát triển kinh tế - xã hội của khu vực; Thứ hai, cần có văn bản quy phạm pháp luật riêng cho Vịnh Hạ Long; Thứ ba, vai trò của cộng đồng dân cư, khách du lịch và doanh nghiệp có ý nghĩa quyết định đối với việc bảo vệ môi trường; Và thứ tư, cần định vị lại định hướng, tư duy về phát triển du lịch đối với một vùng di sản vô giá như Vịnh Hạ Long.
                                                                                                   Theo: daidoanket


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

19
Đang xem:
72.668.013
Tổng truy cập: