DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Bảo tàng Các dân tộc tây bắc Nghệ An - Lưu giữ nét xưa
(Ngày đăng: 22/10/2013   Lượt xem: 558)
Được xây dựng năm 1975 và hoàn thành năm 1976, Bảo tàng Các dân tộc tây bắc Nghệ An là nơi trưng bày hiện vật, tư liệu lịch sử về các dân tộc thiểu số miền tây bắc xứ Nghệ; lưu giữ những ký ức xa xưa của một vùng đất, vùng văn hóa vốn còn nhiều bí ẩn.

Bảo tàng Các dân tộc tây bắc Nghệ An
Bảo tàng đặc biệt này nép mình trong khuôn viên của Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện Quỳ Châu suốt 37 năm qua. Bảo tàng xây dựng theo mô hình nhà sàn, trên khuôn viên rộng khoảng 6000m2, xung quanh trồng những hàng cau, dừa khiến toàn không gian mang dáng dấp một ngôi nhà người Thái với khu vườn liền kề trong cấu trúc làng bản truyền thống của người vùng cao. Các phòng trưng bày rộng trên 800m2 với hiện vật từ thời đồ đá, văn hóa Hòa Bình, Đông Sơn, công cụ lao động, trang phục truyền thống, nhạc cụ cũng như hiện vật phản ánh những đổi thay trên các địa phương phía tây bắc Nghệ An. Đây là một trong hai bảo tàng về văn hóa các dân tộc cấp huyện hiếm hoi của cả nước (cùng với bảo tàng ở thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái).

Cho đến thời điểm hiện tại, bảo tàng có 763 hiện vật gồm nhiều loại, tái hiện cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Nghệ An từ thời tiền sử cho đến hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cũng như công cuộc phát triển kinh tế trên dải đất miền tây bắc xứ Nghệ. Vùng đất này ngày nay gồm 6 huyện, thị: Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa, với 4 dân tộc thiểu số sinh sống là Thái, Thổ, Khơ mú và Mông. Nơi đây cũng có dấu tích cư trú của người tiền sử và dấu ấn của nghĩa quân Lam Sơn, sau này là đốc binh Là, đốc binh Lang Văn Thiết…

Những người đầu tiên thực hiện sưu tầm hiện vật cho bảo tàng dường như đã nhìn thấy sự mai một về bản sắc cổ xưa của một vùng văn hóa đặc biệt và đa dạng nhất miền đất xứ Nghệ. Một hiện vật rất đáng quan tâm tại bảo tàng là chiếc trống đồng có niên đại trên 2.000 năm được gia đình ông Nguyễn Đình Quế ở thị trấn Tân Lạc, Quỳ Châu phát hiện năm 1965, trong lúc đào hầm trú ẩn để tránh máy bay Mỹ. Trống đồng cao khoảng 40cm, rộng 50cm, mặt trống và tang trống khắc hoa văn cổ, trong đó có hình ngôi sao nhiều cánh ở mặt trống. Ngoài ra trống đồng cổ còn có nhiều hoa văn về chim muông, nhưng không còn rõ nét. Ngoài ra, hiện bảo tàng còn lưu giữ những chiếc cối giã gạo, công cụ làm rẫy giúp người xem nhớ lại một thời phát nương làm rẫy chưa hẳn đã xa; những chiếc guồng nước tưới ruộng, một hình thức thủy lợi cổ xưa; hay những chiếc gùi khá đa dạng về chủng loại được sưu tầm từ nhiều địa bàn của các dân tộc khác nhau như Thái, Mông, Khơ mú. Trang phục truyền thống của phụ nữ vùng cao, những nhạc cụ bằng tre nứa cũng được lưu giữ, tất cả gợi nhớ về những không gian sinh hoạt và lễ hội xưa.

Có thể nói Bảo tàng Các dân tộc tây bắc Nghệ An là nơi tham quan lý thú, bổ ích đối với việc học tập cũng như nghiên cứu, đặc biệt là kiến thức lịch sử địa phương và dân tộc học các dân tộc thuộc vùng núi Nghệ An, các mô hình nhà sàn, chữ viết của dân tộc Thái. Tuy nhiên, theo bà Thái Thị Hồng, phụ trách bảo tàng, sau một thời gian ngừng hoạt động và mở cửa trở lại vào năm 2011, hiện lượng người tham quan bảo tàng rất ít. Thỉnh thoảng có những đoàn tham quan ở tỉnh xa biết tiếng tìm đến; dịp nghỉ lễ, lượng người đến bảo tàng đông hơn đôi chút. Nguyên nhân có thể do bảo tàng ở xa trung văn hóa, công tác quảng bá chưa được chú trọng nên chưa thu hút sự chú ý của người dân. Cũng theo bà Thái Thị Hồng, bảo tàng là một bộ phận của Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện Quỳ Châu nên ngân sách và nhân lực để duy trì hoạt động khá hạn hẹp, Đó cũng là nguyên nhân khiến bảo tàng quý này vẫn trong cảnh áo gấm đi đêm.

                                                                                             Theo: daibieunhandan.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

19
Đang xem:
72.668.180
Tổng truy cập: