DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Bảo tồn và khai thác mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm Kết hợp kinh nghiệm truyền thống và công nghệ hiện đại
(Ngày đăng: 20/09/2013   Lượt xem: 669)
Năm 2012, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) đã được công nhận là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình dương, thuộc chương trình Ký ức thế giới (MOW) của UNESCO, nhưng hiện vẫn chưa được bảo quản một cách khoa học. Hội thảo vừa qua tại Bắc Giang, các nhà khoa học đã hiến kế bảo tồn và khai thác giá trị số tài liệu quý này.

Nguồn: phatgiao.org.vn

Pho sử sống động

Theo thống kê tổng hợp của Sở VH, TT và DL Bắc Giang, kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là 3.050 mộc bản thuộc các thể loại: kinh, luật, luận, truyện, kí, lục, sách thuốc. Thượng tọa Thích Thiện Văn, Chủ tịch Hội Phật giáo tỉnh Bắc Giang, trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm, cho biết: “Nghiên cứu mộc thư khố, chúng ta có lượng thông tin phong phú, đa dạng về lịch sử Phật giáo, tư tưởng đạo hành, nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm, văn học, phong tục tập quán cùng sự phát triển của nghề khắc in mộc thư và nghệ thuật chạm khắc gỗ của Việt Nam. Đặc biệt, một số mộc thư giới thiệu cách chữa bệnh bằng thuốc nam, cách châm cứu với sơ đồ chỉ dẫn các huyệt rõ ràng. Hiện nay, phòng mạch của nhà chùa vẫn kế thừa các bài thuốc ghi trong mộc thư để chữa các bệnh về thần kinh, đau xương khớp và các bệnh về tiêu hóa”.

Các nhà nghiên cứu Hán - Nôm đánh giá, mộc bản kinh phật Thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm chứa đựng ý nghĩa to lớn về triết lý nhân sinh, tôn giáo tín ngưỡng, văn học, nghệ thuật, giáo dục con người. Không những thế, đây còn là pho sử sống động về nghề khắc in mộc bản, tư tưởng và văn hóa, giúp người đời sau hiểu một cách đầy đủ, chính xác về lịch sử Phật giáo Việt Nam, về Thiền phái Trúc Lâm cũng như thân thế, sự nghiệp của Phật hoàng Trần Nhân Tông và một số danh nhân của dân tộc.

Đặc biệt, bằng việc lưu giữ những mẫu chữ Nôm cổ, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm còn đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn chữ Nôm - thứ văn tự riêng của người Việt Nam. Hiện nay, mẫu chữ Nôm trên mộc bản Thiền tông bản hạnh trong mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được sử dụng để cài trên máy tính, phổ biến trên toàn thế giới. Bất cứ ai học tập, nghiên cứu chữ Nôm đều được tiếp cận và sử dụng để tìm hiểu giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam.

Dịch và số hóa mộc bản

Sau khi mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được vinh danh, Bắc Giang đã tích cực triển khai các hoạt động nhằm bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản tư liệu này. Tuy nhiên, Ts Vũ Thị Minh Hương, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Chương trình Ký ức thế giới Việt Nam, cho biết, tài liệu mộc bản kinh Phật tại chùa Vĩnh Nghiêm hiện chưa được bảo quản một cách khoa học, do thiếu cán bộ giỏi nghiệp vụ, thiếu trang thiết bị, kho tàng phù hợp. Từ kinh nghiệm thực tiễn và kết quả nghiên cứu khoa học trong bảo quản tài liệu mộc bản mà Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước thực hiện những năm qua, Ts Vũ Thị Minh Hương cho rằng, điều kiện lý tưởng để bảo quản tài liệu mộc bản là nhiệt độ từ 190C - 240C và độ ẩm 45 - 55%; phải cử cán bộ chuyên trách, có trình độ chuyên môn, được đào tạo bồi dưỡng thường xuyên về nghiệp vụ để cập nhật thông tin, kiến thức nghiên cứu khoa học, áp dụng các kỹ thuật bảo quản phù hợp; sao chép tư liệu sang một dạng thức khác để phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tham quan, khảo sát. Việc tiếp cận các loại bản sao sẽ giảm áp lực lên tài liệu gốc, từ đó giúp cho công tác bảo quản tài liệu gốc tốt hơn.

Nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang Trần Văn Lạng thì cho rằng, muốn bảo tồn được kho mộc bản phải kết hợp kinh nghiệm truyền thống và khoa học, công nghệ hiện đại. Chẳng hạn như đóng thêm giá, kệ chứa ván in nhằm tách từng bộ kinh sách thành kệ riêng, các kệ phải làm bằng gỗ tốt, khi đưa vào đều để lên con kệ dầu thực vật như các cụ ngày xưa làm, nhằm chống mối, mọt…; phải thống nhất kiểm kê ván in để lấy dữ liệu đưa vào máy tính, bảo tồn lâu dài. Cần tham quan học tập những trung tâm lớn trong và ngoài nước đang bảo tồn ván in để có kinh nghiệp lập kế hoạch bảo quản theo cách phối hợp giữa truyền thống với hiện đại…

Trực tiếp tham gia bảo tồn di sản này, Phó trụ trì Tổ đình chùa Vĩnh Nghiêm Thích Thanh Vịnh cho biết, hiện Phân viện nghiên cứu Phật học Việt Nam đã hoàn thành giai đoạn tư liệu kỹ thuật số toàn bộ mộc bản và chuyển đọc, chú giải Yên Tử Nhật Trình, dự kiến sẽ xuất bản vào dịp giỗ tổ Vĩnh Nghiêm sắp tới. Viện cũng đã có kế hoạch hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam, thuộc Trường Đại học Cao Hùng (Đài Loan) để dịch các văn bản Hán ngữ trong tư liệu mộc bản.

Do tính chất độc đáo về hình thức và nội dung của mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, Ts Vũ Thị Minh Hương đề xuất: in dập khối mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm ra giấy dó để tiến hành dịch nghĩa và chỉnh lý khoa học, sớm đưa khối tài liệu này ra khai thác, sử dụng; biên soạn và xuất bản sách công bố, giới thiệu tài liệu mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm tới đông đảo nhà nghiên cứu và công chúng; làm phiên bản mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm để trưng bày, giới thiệu tại các triển lãm chuyên đề hoặc các sự kiện về chương trình Ký ức thế giới của Việt Nam và tại các nước; dịch và tìm kiếm những thông tin điển hình, những chi tiết nổi bật có ý nghĩa lịch sử, văn hóa của Di sản tư liệu để dựng phim chuyên đề, phim tư liệu giới thiệu mộc Bản chùa Vĩnh Nghiêm; số hóa để giới thiệu di sản trên internet thông qua các trang web của Sở VH, TT và DL Bắc Giang, của Bộ VH, TT và DL hay qua cổng Digicol của UNESCO (www.unesco.org/webworld/digicol)...

                                                                                             Theo: daibieunhandan

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

4
Đang xem:
72.668.250
Tổng truy cập: