DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Khai quật khảo cổ tại 18 Hoàng Diệu, khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - 10 năm chưa tổng kiểm kê, bàn giao hiện vật
(Ngày đăng: 31/08/2013   Lượt xem: 738)
Khai quật khảo cổ học tại 18 Hoàng Diệu, thuộc khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã thu được bao nhiêu di vật, thuộc những chủng loại nào? Câu hỏi này, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, đơn vị được giao quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản này cũng không trả lời được, vì từ khi khai quật cuối năm 2002 đến nay chưa tiến hành tổng kiểm kê và bàn giao hồ sơ, hiện vật.

Ảnh: An Thành Đạt

Quyết định đầu tiên về khai quật khảo cổ tại khu vực 18 Hoàng Diệu do Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin ký ngày 26.11.2002, cho phép Viện Khảo cổ học, thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia (nay là Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), khai quật thăm dò khu vực xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới, trên diện tích 2.000m2, trong thời gian từ ngày 25.11.2002 - 31.2.2003. Tiếp đó, từ năm 2003 - 2008 còn có 4 quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, nay là Bộ VH, TT và DL, về việc khai quật khảo cổ tại khu vực này. Tất cả các quyết định đều nêu rõ: những hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật thăm dò giao cho Sở VH - TT Hà Nội (nay là Sở VH, TT và DL Hà Nội) gìn giữ, bảo quản; sau khi kết thúc đợt khai quật, chậm nhất là 3 tháng, Viện Khảo cổ phải có báo cáo sơ bộ và sau 1 năm phải có báo cáo khoa học gửi về Cục Bảo tồn bảo tàng (nay là Cục Di sản văn hóa).

Tuy nhiên đến nay, toàn bộ hồ sơ, kết quả nghiên cứu hiện vật tại khu A - B và khu C - D với diện tích 13.000m2 vẫn chưa được Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam bàn giao cho thành phố Hà Nội, nên không ai nắm được số lượng cũng như chủng loại di vật đã khai quật. Năm 2010, để tổ chức triển lãm chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - đơn vị được thành lập với chức năng quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - phải ký mượn hiện vật của Viện Khảo cổ để trưng bày. Sau Đại lễ, đến nay, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam mới chỉ bàn giao 215 di vật của khu di sản.

Chưa tổng kiểm kê và bàn giao hiện vật sẽ gây khó khăn trong việc quản lý, nghiên cứu, trưng bày, bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản thế giới này, đưa di sản đến với công chúng; cũng như không thể thực hiện quy hoạch tổng mặt bằng khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu. Lý do chưa thể tiến hành tổng kiểm kê và bàn giao hồ sơ, hiện vật, theo công văn Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam gửi UBND thành phố Hà Nội ngày 7.11.2012, là vì đang thực hiện dự án chỉnh lý, nghiên cứu, đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học khu di tích, nhằm từng bước hoàn thiện công trình nghiên cứu tổng thể để khẳng định tính toàn vẹn về khảo cổ học; “công tác này chỉ thực hiện được sau khi đã hoàn thành công việc chỉnh lý, nghiên cứu, đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học”, dự kiến đến năm... 2025. Cũng theo công văn này, các loại hình di vật khảo cổ học khai quật được tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long ước tính khoảng vài triệu di vật. Tất cả đang được bảo quản trong hệ thống 7 nhà kho ở khu C - D, có diện tích khoảng 3.825m2 và hệ thống nhà chỉnh lý, khu văn phòng làm việc của các nhà khoa học đang thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu tại khu di tích.

Năm 2013 là thời điểm 3 năm khu di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, theo quy định của Ủy ban Di sản thế giới, ICOMOS sẽ kiểm tra, đánh giá công tác thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam. Nếu những cam kết không được thực hiện đầy đủ, đặc biệt là việc bàn giao mặt bằng khu di tích 18 Hoàng Diệu cùng toàn bộ tài liệu, hiện vật về TP Hà Nội quản lý, thì khu di sản sẽ bị cảnh cáo và có nguy cơ đưa ra khỏi danh sách Di sản thế giới.

Trước tình hình này, ngày 11.7.2013 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với UBND thành phố tổng kiểm kê di tích, di vật và bàn giao toàn bộ tài liệu, hiện vật, mặt bằng tại khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu cho Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội trong năm 2013. Việc làm này cũng sẽ giúp thực hiện quy hoạch tổng mặt bằng khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu phù hợp với tiến độ hoàn thành xây dựng Nhà Quốc hội vào tháng 10.2014. Trước đó, Bộ VH, TT và DL, Hội đồng tư vấn khoa học nghiên cứu bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội đều đã có văn bản kiến nghị tổng kiểm kê di tích, di vật và bàn giao toàn bộ tài liệu, hiện vật, mặt bằng tại khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu cho Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội trong năm 2013.

Tuy nhiên, thông báo ngày 19.8.2013, kết luận của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp về dự án Công viên lịch sử văn hóa Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, mới chỉ yêu cầu Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam bàn giao toàn bộ mặt bằng di tích khu C - D vào tháng 10.2013; “các vấn đề về hồ sơ và di vật đã khai quật tại 18 Hoàng Diệu sẽ bàn giao cho UBND thành phố Hà Nội vào giai đoạn sau” (?).

                                                                                                 Theo: daibieunhandan

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

17
Đang xem:
72.684.668
Tổng truy cập: