DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Bảo tồn di tích nhìn từ Wellington, New Zealand
(Ngày đăng: 12/08/2013   Lượt xem: 605)
Kinh nghiệm New Zealand cho thấy, bên cạnh các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và của các chủ sở hữu, thì doanh nghiệp du lịch, cộng đồng và các nhà hảo tâm cũng nên đóng góp vào việc bảo tồn các di tích, bởi nó sẽ góp phần phát triển du lịch bền vững, đem lại quyền lợi thiết thực cho người dân.

Gần đây, có nhiều bài viết về tình trạng người dân đòi “trả lại” danh hiệu làng cổ, phố cổ... vốn nhiều năm trước còn là niềm tự hào vô bờ bến của nhân dân, chính quyền sở tại. Tất cả cũng chỉ vì những bất tiện xuất phát từ mâu thuẫn giữa những quy định khắt khe về bảo tồn cần phải có và thực tế cuộc sống của người dân. Trong đó có những bất cập giữa yêu cầu bảo tồn di tích và môi trường sống, sự an toàn của người dân trong vùng di tích.


Nhiều làng cổ, phố cổ là di tích lịch sử, kiến trúc quốc gia, di sản văn hóa thế giới cần được bảo vệ đặc biệt, nhưng đó đây, đã có những ngôi nhà cổ bị sửa chữa không đúng cách hoặc bị phá bỏ để xây mới, phá vỡ cảnh quan kiến trúc, giá trị lịch sử của làng cổ, phố cổ.

Bản thân tôi cũng thường hay đi, hoặc đưa bạn bè, khách quốc tế đi thăm các làng cổ, phố cổ đó đây và tận mắt thấy nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Trong đó, vấn đề nguồn lực tài chính cho bảo tồn di tích và bảo đảm môi trường sống và an toàn của người dân có lẽ là quan trọng nhất. Đây là vấn đề không chỉ của riêng ta mà còn là vấn đề thời sự ở nhiều quốc gia. Chúng ta đều biết đất nước New Zealand xinh đẹp có nhiều công trình lịch sử và kiến trúc được nhà nước bảo vệ. Tuy nhiên, đảo quốc này lại nằm ngay trên Vành đai lửa Thái Bình Dương với hơn 14.000 trận động đất hàng năm, trong đó có khoảng 20 trận trên 5 độ richter. Với tần suất và cường độ như vậy, nhiều di sản kiến trúc, lịch sử có nguy cơ bị phá hủy. Sau trận động đất 6,5 độ richter ngày 21.7 vừa qua gần Wellington, nhiều tòa nhà cũ phải đóng cửa, người dân trong Tòa nhà Old Public Trust ở phố Stout phải tạm di dời.

Tu viện St Gerard trên đường Oriental Parade cùng với nhà thờ St Mary of the Angels, Đài tưởng niệm chiến tranh là những điểm nhấn kiến trúc của Thủ đô Wellington. Do các công trình đã quá cũ nên có thể đổ sập khi có động đất mạnh. Chỉ riêng tu viện St Gerad đã cần nhiều triệu đô - la để sửa chữa, gia cố tòa nhà theo các chuẩn mực an toàn có thể chấp nhận được.

Thành phố Napier ở vùng Hawke’s Bay, trung tâm đảo Bắc, vốn là một thành phố được xây dựng theo kiểu kiến trúc Anh cổ, tuy nhiên sau trận động đất đã bị san bằng năm 1931. Từ đó, thành phố được xây dựng lại theo trường phái Art Deco của những năm 30 thế kỷ trước. Thị trưởng Barbara Arnott đã cho chúng tôi thấy sự công phu của chính quyền và người dân thành phố trong bảo tồn 183 tòa nhà có kiến trúc Art Deco tiêu biểu và bây giờ, người dân Napier coi thành phố của mình là Thủ đô của Art Deco thế giới. Vào tháng 2 hàng năm, Napier đều tổ chức Liên hoan Art Deco với sự tham gia của người dân, nghệ sỹ đến từ khắp nơi trên thế giới.


Các tòa nhà theo phong cách kiến trúc Art Deco ở TP Napier, được bảo tồn bằng một phần ngân sách nhà nước
Theo New Zealand Historic Places Trust (NZHPT) - cơ quan bảo tồn di sản của New Zealand, từ năm 2003 New Zealand đã có Quỹ bảo tồn di sản quốc gia theo Luật di sản với ngân sách hàng năm do Quốc hội thông qua, chủ yếu lấy từ nguồn sổ xố của Lottery Grants Board. Chủ sở hữu các công trình cổ sau khi đăng ký và được cấp chứng chỉ công nhận di tích loại 1, có thể đến văn phòng của NZHPT gần nhất để đăng ký xin kinh phí của quỹ. Về nguyên tắc, quỹ có thể tài trợ đến 50% giá trị sửa chữa, bảo tồn công trình nhưng không quá 100.000 NZ đô - la. Ngân sách được xét duyệt dựa trên các tiêu chí như tầm quan trọng quốc gia của di tích, lợi ích công cộng mà di tích mang lại, mức độ khẩn cấp, yêu cầu bảo tồn và hiệu quả của ngân sách bỏ ra. Bên cạnh đó cũng có các tiêu chí phụ để xem xét như sự quan tâm của cộng đồng, phân bổ địa lý, phân loại di tích.

Kinh nghiệm New Zealand cho thấy, bên cạnh các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và của các chủ sở hữu, thì doanh nghiệp du lịch, cộng đồng và các nhà hảo tâm cũng nên có những đóng góp nhất định. Bởi vì bảo tồn được những làng cổ, phố cổ, những công trình có ý nghĩa quan trọng về mặt lịch sử, kiến trúc qua các thời đại chính là để phát triển bền vững ngành công nghiệp xuất khẩu tại chỗ là du lịch. New Zealand sử dụng hệ thống tiêu chí chuẩn mực như một công cụ thực tế để đánh giá giá trị các công trình, qua đó có kế hoạch và thứ tự ưu tiên sửa chữa, gia cố bảo tồn.  

Việc xác định tỷ lệ tham gia bảo tồn các di sản tùy thuộc vào khả năng tài chính của từng địa phương, chủ sở hữu trong từng trường hợp cụ thể. Do đó, điều quan trọng để bảo tồn thành công các làng cổ, phố cổ, công trình cổ là làm sao để người dân địa phương thấy được quyền lợi thiết thực của mình như việc làm, thu nhập lâu dài và bền vững, bên cạnh những giá trị lịch sử, xã hội, văn hóa, môi trường và kinh tế.

                                                                                                   Theo: Đại biểu Nhân Dân

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

36
Đang xem:
72.684.820
Tổng truy cập: