DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Huế xây dựng mô hình Viện Bảo tồn di sản đa năng
(Ngày đăng: 01/08/2013   Lượt xem: 651)
Theo giám đốc trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế Phan Thanh Hải, Viện Bảo tồn di sản đa năng sẽ thực hiện chức năng nghiên cứu, thẩm định cả về khoa học, chuyển giao công nghệ nhằm thực hiện các chức năng cụ thể về bảo tồn và phát huy giá trị di sản, tạo lợi thế trong phát triển KT - XH, góp phần nâng cao vị thế trong việc xây dựng Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.


Nguồn: dulichhue.com

- Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế được thành lập từ năm 1992, đến nay đã hơn 20 năm, ông đánh giá thế nào về hiệu quả hoạt độngcủa mô hình này?

- Huế là cố đô cuối cùng của Việt Nam còn giữ được diện mạo, hình hài đầy đủ nhất từ kinh thành, hoàng cung, lăng tẩm, đền, miếu đến hệ thống cầu cống, thủy đạo… Sau khi giải phóng, việc thành lập một đơn vị quản lý đã có sự thay đổi, từ một ban quản lý ban đầu mở rộng dần, đến năm 1982 trở thành Công ty Quản lý di tích, danh thắng Huế. Tháng 5.1992, công ty đổi sang mô hình trung tâm, tên gọi chính thức là Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế. Từ năm 1982, khi còn là công ty, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã được tách ra thành đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, nhưng sau một thời gian sáp nhập vào Sở VH, TT và DL. Qua quá trình hoạt động thấy không phù hợp, đến năm 1992 lại tách ra, trở thành đơn vị tương đương cấp sở.

Mô hình trung tâm tỏ ra phù hợp, tạo ra một đơn vị chuyên môn tham mưu cho UBND tỉnh, làm cả nhiệm vụ quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa một cách tổng thể. Di tích Cố đô Huế được bảo tồn, trùng tu trên cả ba lĩnh vực: các di sản văn hóa vật thể (chủ yếu là các di tích, kiến trúc), các giá trị văn hóa phi vật thể (lễ hội cung đình, ngành nghề thủ công truyền thống, sinh hoạt, lễ nghi...) và không gian cảnh quan môi trường. Với việc quản lý rộng và toàn diện như vậy đã nảy sinh những chức năng đặc thù, thuộc nhiều lĩnh vực. Tôi nhớ năm 1992 khi tôi về đây công tác, Trung tâm chỉ có khoảng 200 người đến nay đã hơn 700 người, trong đó hơn 350 người có trình độ đại học thuộc rất nhiều lĩnh vực: kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, ngoại ngữ, lịch sử, khảo cổ, sinh học, nông lâm, môi trường... Hiện Trung tâm có 11 đơn vị quản lý thực hiện các nhiệm vụ khác nhau, như quản lý dự án, kỹ thuật, nghiên cứu khoa học, tư vấn, cảnh quan môi trường, bảo vệ, văn phòng, nhà hát, bảo tàng (trong trung tâm có một bảo tàng cấp 2).

- Được biết, Trung tâm có đề xuất xây dựng thành Viện Bảo tồn di sản đa năng, điều này xuất phát từ yêu cầu nào, thưa ông?

- Đến nay, mô hình Trung tâm vẫn phù hợp, tuy nhiên trong tính toán để Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì mô hình Viện sẽ phù hợp hơn, vừa nâng cao tầm vóc, vừa tập trung được nguồn lực chất xám trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Sở dĩ chúng tôi đề xuất xây dựng và chuyển đổi mô hình trung tâm thành mô hình Viện Bảo tồn di sản đa năng vì trong viện sẽ vừa có các trung tâm nghiên cứu, các đơn vị phòng ban chuyên môn và cả các công ty để thực hiện các nhiệm vụ giao khoán…, bởi thực tế công việc đòi hỏi những chuyên môn kinh nghiệm khác nhau. Mô hình viện chắc chắn tính chất nghiên cứu khoa học, đầu tư chất xám rất cao và điều này phù hợp với khuyến nghị của UNESCO là xây dựng Huế trở thành trung tâm tiêu chuẩn của khu vực châu Á - Thái Bình dương, thuộc UNESCO để làm nhiệm vụ đào tạo, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực bảo tồn di sản.

Cầu Trung Đạo và điện Thái Hòa 

Nguồn: hueworldheritage.org.vn 

- Xây dựng Viện Bảo tồn di sản đa năng, trở thành trung tâm tiêu chuẩn của khu vực châu Á - Thái Bình dương, chắc hẳn sẽ phải tính đến yếu tố hợp tác quốc tế trong đào tạo, chuyển giao công nghệ bảo tồn di sản…?

- Hiện nay, Huế là địa phương có di sản thế giới thực hiện tốt về hợp tác quốc tế. Chúng tôi có quan hệ với 26 tổ chức nước ngoài. Hàng năm, số tiền tài trợ tuy không lớn nhưng rất hiệu quả, bởi chủ yếu đó là đào đạo nhân lực và chuyển giao công nghệ như các dự án hợp tác với Nhật Bản, Đức, Ba Lan, Pháp, Canada… Chuyển qua mô hình viện thì việc thực hiện các phương hướng liên kết đào tạo, chuyển giao công nghệ và xây dựng trở thành một trung tâm tiêu chuẩn của khu vực châu Á - Thái Bình dương sẽ phù hợp hơn. Bên cạnh đó, việc phát huy giá trị di sản cũng là khía cạnh rất quan trọng mà mình có thể vẫn làm tốt bằng các đơn vị chuyên môn, công ty trực thuộc viện. Mô hình công ty nằm trong viện theo tôi vẫn phù hợp vì qua tham khảo các mô hình như Viện Bảo tồn di tích của Bộ VH, TT và DL và Viện Khoa học Công nghệ xây dựng cho thấy, bên cạnh nhiệm vụ nghiên cứu khoa học thì họ vẫn làm rất tốt nhiệm vụ tư vấn, thi công.

Viện Bảo tồn di sản đa năng thực hiện chức năng nghiên cứu, thẩm định cả về mặt khoa học, chuyển giao công nghệ để thực hiện các chức năng cụ thể về bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Trong đó, tôi cho rằng việc phát huy giá trị di sản sẽ tạo nên nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần nâng cao vị thế của Huế trong việc đưa Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

- Xin cám ơn ông!

                                                                                                 Theo: Đại biểu nhân dân

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

43
Đang xem:
72.684.827
Tổng truy cập: