DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Phải bắt nguồn từ bảo đảm cuộc sống người dân
(Ngày đăng: 20/07/2013   Lượt xem: 581)
Sau làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội lên tiếng "trả" lại danh hiệu Di tích Quốc gia thì nay lại đến lượt phố cổ Đồng Văn, Hà Giang cũng xin "trả" lại danh hiệu Di tích Kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Câu hỏi đặt ra là sau Đồng Văn sẽ còn địa phương nào "xin trả" lại các danh hiệu… khi mà nguyên nhân dẫn đến hành động này đều bắt nguồn từ việc các cơ quan quản lý chưa thật sự quan tâm đến đời sống của người dân tại những nơi được công nhận danh hiệu.

 
Ảnh: Việt Cường
Thực tế, khi di sản được công nhận là di tích thì việc phải bảo vệ là điều tất yếu. Theo đó, mọi tác động có thể làm thay đổi kết cấu, cảnh quan… đều được xem là hành động vi phạm di tích. Thế nhưng đối với những di sản nằm ngoài khu dân cư thì nguyên tắc bảo tồn không quá khó để thực hiện. Còn đối với các di sản đã nhiều đời gắn bó với đời sống sinh hoạt, mưu sinh của người dân thì việc ứng xử với nó không đơn thuần chỉ là nguyên tắc cứng nhắc. Có thể kể đến hàng loạt di tích gắn với đời sống sinh hoạt và mưu sinh của người dân như phố cổ Hà Nội; làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội; Đại nội Huế, Thừa Thiên Huế; phố cổ Đồng Văn, Hà Giang; phố cổ Hội An, Quảng Nam… 

Trừ Hội An thì đến nay, các di tích phố cổ sau khi được công nhận di tích đều có những bất cập khiến việc bảo tồn và phát triển di tích đứng trước nhiều thách thức. Một trong những bất cập có thể kể đến là nhiều nơi chưa bảo đảm lợi ích cho người dân trong khu vực di tích. Cụ thể, do yếu tố lịch sử để lại, nhiều hộ vẫn phải chung sống trong những nhà cổ thấp, bé, chật chội trong khi đó việc quy hoạch, di dời, giãn dân chưa có kế hoạch cụ thể. Có lẽ ngoại trừ Hà Nội đã có quy hoạch về việc di dời, giãn dân song tiến độ rất chậm chạp do một bộ phận người dân muốn "bám" vào phố để mưu sinh nên chấp nhận cuộc sống chật chội, khó khăn, còn lại ở những địa phương lên tiếng "trả" danh hiệu như làng cổ Đường Lâm, phố cổ Đồng Văn đều vấp phải khó khăn chung là chưa có quy hoạch cụ thể, chưa có kinh phí để giúp người dân có cuộc sống ổn định, phù hợp nhu cầu sinh hoạt.

Tại phố cổ Đồng Văn, từ khi được công nhận di tích cấp quốc gia và được quy hoạch thành khu du lịch, việc bảo tồn phố cổ Đồng Văn đã được đặt ra. Tuy nhiên, những ngôi nhà cứ hư hỏng, xuống cấp dần, người dân chờ mỏi mòn nhưng vẫn chưa có ngân sách sửa chữa. Huyện không có ngân sách, Sở VH, TT và DL cũng bị động nên việc sửa chữa vẫn treo. Về vấn đề này, Giám đốc Sở VH, TT và DL Hà Giang Hoàng Văn Kiên cũng thừa nhận vì kinh phí nên việc trùng tu phố cổ Đồng Văn chưa được thực hiện kịp thời. Và giải pháp sắp tới mà Hà Giang đưa ra là tập trung trùng tu khẩn cấp 10 căn nhà xuống cấp nhiều nhất. Nguồn vốn được huy động từ ngân sách địa phương và xã hội hóa từ các doanh nghiệp. Những năm tiếp theo, sẽ tiếp tục rót ngân sách để trùng tu các ngôi nhà khác.

Thực tế cho thấy, câu chuyện về thiếu ngân sách luôn làm đau đầu các nhà quản lý nói chung và văn hóa nói riêng. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực bảo tồn di tích văn hóa, đôi khi có tiền cũng chưa hẳn đã giải quyết được mọi vấn đề. Quan trọng hơn là các địa phương nên chủ động tìm cách ứng xử với di tích như thế nào cho hợp lý nhất để người dân yên tâm với cuộc sống sau khi di tích được công nhận.

Hơn nữa, bài toán dãn dân theo Luật Di sản thường cần khoảng thời gian dài và với số kinh phí không nhỏ. TP Huế là một ví dụ. Tại di tích Thượng thành Đại nội Huế và các eo bầu thuộc khu vực 1 (khu vực cần bảo vệ nghiêm ngặt) có tới hơn 2.800 hộ dân đang sinh sống. Nếu tính trung bình 4 người/hộ thì đã có tới hơn 1 vạn người đang sống tại khu di tích này. Toàn bộ Thượng thành dài hơn 10 cây số; trong đó riêng đoạn các eo bầu (những khoảng lõm của 24 pháo đài dọc Kinh thành) đã có hơn 500 hộ, kinh phí giải tỏa hết sức tốn kém.

Do vậy, ở một thời điểm nào đó, phương án thích nghi với di tích có thể xem là hướng đi mà những nơi đang sở hữu di tích cần hướng tới. TP Huế hiện đã và đang thành công khi đi theo hướng này. Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế Phan Thanh Hải, bảo tồn thích nghi nghĩa là những hộ dân chưa di dời được ngay thì hướng họ tham gia vào quá trình giữ gìn môi trường, giữ gìn bảo vệ di sản, đồng thời có quyền khai thác một số dịch vụ phục vụ khách du lịch như bán hàng lưu niệm, sản xuất đồ thủ công truyền thống (không làm ảnh hưởng đến di sản), gắn quyền lợi của họ với trách nhiệm bảo tồn di sản.

Ngoài ra, theo Gs, Ts Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng di sản Quốc gia, khi di tích được công nhận thì các cơ quan quản lý cũng cần có kế hoạch nâng cao nhận thức của người dân để họ hiểu và cùng chung tay bảo vệ di sản. Đây là một khoa học nên cần thiết phải có đội ngũ chuyên gia, các nhà nghiên cứu tham gia hướng dẫn, nâng cao hiểu biết của người dân một cách sâu sắc nhất. Đồng thời, cũng cần cho họ thấy lợi ích mà họ sẽ được hưởng từ di tích, thay vì chỉ vào túi những nhà làm du lịch, ông nhấn mạnh.

Từ câu chuyện làng cổ Đường Lâm, phố cổ Đồng Văn… có thể thấy rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan quản lý văn hóa, chính quyền địa phương trong việc tạo điều kiện để người dân thích nghi và an tâm với cuộc sống khi nơi họ sinh sống được công nhận di tích. Nếu không chuyện "xin trả" danh hiệu sẽ còn tái diễn.
                                                                                        Theo: Đại Biểu Nhân Dân
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

43
Đang xem:
72.684.805
Tổng truy cập: