DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Ai được trùng tu di tích?
(Ngày đăng: 16/07/2013   Lượt xem: 613)
Thiếu chuyên môn và chuyên nghiệp nhưng không ít tổ chức, cá nhân vẫn tham gia bảo tồn, trùng tu, dẫn đến nhiều di tích bị biến dạng. Thực tế đó sẽ được chấn chỉnh. Ai được trùng tu di tích? Câu trả lời đã có trong Thông tư 18/2012/TT - BVHTTDL quy định chi tiết một số quy định bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích chính thức có hiệu lực từ tháng 7.2013.

Di tích Thành nhà Mạc trước trùng tu...

Di tích - trở nên xa lạ...

Mới đây, người viết bài này có dịp về thăm quê, đi lễ đình làng và vãn cảnh chùa. Vẫn tọa lạc trên phần đất cũ nhưng đình, chùa của làng giờ đây có khác xưa - có phần khang trang hơn. Người quản lý đình, chùa phấn khích bày tỏ, đó là kết quả của sự phát triển kinh tế - xã hội. Làm ăn phát đạt nên người ta công đức nhiều. Chỉ cần xin được cái dấu đỏ của Nhà nước, là có người hưng công tu sửa tức thì và theo đó đình, chùa được hạ xuống để “trùng tu”. Mừng vì không còn cảnh di tích bị dột nát. Nhưng lòng thấy ngậm ngùi. Bao đời tồn tại, sau khi được trùng tu tôn tạo thì di tích trở nên xa lạ, không còn là chính nó nữa.

Trùng tu thì phải làm cho hoành tráng, cao to hơn - đáng buồn thay đây là một quan niệm khá phổ biến. Thế nên, không phải ngẫu nhiên, công tác trùng tu di tích hiện nay được nhiều người dí dỏm gọi là phong trào “chùa to, tượng lớn, chuông nhiều”. Và hệ quả có thể thấy rất rõ sau cuộc trùng tu, tôn tạo. Mới đây nhất là ngôi chùa cổ Trăm Gian - một công trình kiến trúc có giá trị được xếp hạng Di tích quốc gia từ hơn 40 năm nay. Trong lần trùng tu năm 2012, toàn bộ công trình nhà Tổ, gác Khánh và bậc cấp từ gác chuông lên sân tiền đường đã bị dỡ bỏ hoàn toàn và để xây mới.  Hay như di tích Lam Kinh (Thanh Hóa), Thành nhà Mạc (Tuyên Quang) và mới đây là Đàn Nam Giao - Thành nhà Hồ ở Thanh Hóa… và rất nhiều di tích văn hóa  khác như: khu di tích Côn Sơn (Hải Dương), đền Hai Bà Trưng (Hà Nội), đền Đô (Bắc Ninh)... cũng bị biến dạng sau khi được trùng tu, tôn tạo. Không ít người thực sự bức xúc khi Đền Hùng đã trở nên “tiện nghi” và “hiện đại” hay như mới đây là chuyện các bức tượng La Hán ở chùa Đậu (một di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1968) được sơn móng chân, móng tay đỏ chót... Hiện đại hóa - bê tông hóa đã làm mất đi vẻ thanh thoát và bản sắc văn hóa dân tộc ở những di tích này.

Lập luận chung mà các cơ quan chức năng quản lý di tích văn hóa thường đưa ra khi nói về mục đích trùng tu, nâng cấp di tích là: cuộc sống hiện đại nhu cầu tâm linh, du lịch của người dân được nâng lên thì di tích cần được nâng cấp như cơi nới rộng hơn, đổ bê tông đường sá... Hỏi thêm thì người ta bảo: người bỏ tiền công đức muốn thế - người ta muốn có “dấu ấn” và những người quản lý hay trông nom di tích thì cũng muốn có “dấu ấn” riêng cho “giai đoạn của mình”. Cái sự thường tình là sau đó sẽ có đoàn kiểm tra ngành văn hóa đến, rồi kết luận được đưa ra là “trùng tu sai nguyên gốc”. Kết luận là một chuyện nhưng đã có công trình nào phải đập để xây lại? Chốn linh thiêng mà...!

Vì đâu nên nỗi...

Nhiều ý kiến cho rằng, di tích văn hóa bị biến dạng không phải vì chúng ta không có cơ sở pháp lý, cũng không phải vì tiền mà vì sự thiếu hiểu biết và năng lực thực tế của những người tham gia trùng tu di tích. KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích cho rằng: “Sở dĩ nhiều di tích sau khi được trùng tu không còn giữ được cái “hồn cốt” nữa là vì trước hết khi trùng tu nhiều người thường muốn to đẹp, hoành tráng hơn, đưa nhiều yếu tố mới vào di tích. Tiếp đến và cũng là nguyên nhân cơ bản nhất là do đội ngũ làm trùng tu không có kiến thức về trùng tu”.

Thực tế là, phần lớn việc trùng tu các di tích ở nước ta từ trước đến nay vẫn do các đơn vị xây dựng cơ bản. Những người trực tiếp thực hiện công tác trùng tu di tích vẫn chỉ là những thợ xây từ các làng quê, thậm chí chưa có bằng PTTH nói gì đến chuyên môn sâu về bảo tồn, tôn tạo di tích. Có nhiều người do không đủ kiến thức và sự hiểu biết đã làm mất mát giá trị, thậm chí giết chết di tích một cách hồn nhiên mà bản thân họ cũng không ý thức được điều đó.

 
... và sau trùng tu

Còn theo PGS.TS Trần Lâm Biền - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian: “hầu hết các di tích sau khi đã được trùng tu đều không đảm bảo 100% tính chân xác, tính nguyên gốc. Lỗi ở đâu? Chính là lực lượng làm việc này còn thiếu kiến thức ở nhiều lĩnh vực”. Cùng quan điểm này, TS Đặng Văn Bài - nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho rằng: “Nguồn nhân lực làm công tác bảo tồn trong cả nước còn ít về số lượng, tính chuyên nghiệp chưa cao, lúng túng trong việc xử lý những vấn đề phức tạp do thực tiễn đặt ra, làm ảnh hưởng đến chất lượng bảo tồn, tôn tạo di tích, thậm chí sai lệch, biến dạng yếu tố nguyên gốc của di tích”.

Ai được trùng tu di tích?

Từ ngày 1.7.2013, Thông tư 18/2012/TT - BVHTTDL quy định chi tiết một số quy định bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích chính thức có hiệu lực. Cùng với nhiều văn bản pháp luật khác, có thể khẳng định công tác tu bổ di tích đã được quy chuẩn, dần hoàn thiện với những quy định ngày càng ngặt nghèo. Một trong những nguyên tắc trong hoạt động thi công tu bổ di tích được thông tư nêu rõ là ưu tiên sử dụng phương pháp thi công truyền thống, chú trọng bảo tồn các yếu tố gốc cấu thành di tích, bảo vệ cấu kiện trong suốt quá trình thi công tu bổ di tích.

Đặc biệt, Thông tư 18 dành cả Chương II quy định điều kiện năng lực và điều kiện hành nghề của các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động liên quan đến tu bổ di tích. Theo đó, bên cạnh các chứng chỉ khác như Kiến trúc sư, Kỹ sư xây dựng… những người tham gia công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải có Chứng nhận hành nghề và Chứng chỉ hành nghề. Cụ thể, Chứng nhận hành nghề cấp cho tổ chức có đủ điều kiện năng lực tương ứng với các hoạt động về lập quy hoạch di tích, lập dự án báo cáo kỹ thuật tu bổ di tích, thi công tu bổ di tích… Còn Chứng chỉ hành nghề được cấp cho các cá nhân tham gia các hoạt động này. Một trong những điều kiện để cấp Chứng chỉ hành nghề và Chứng nhận hành nghề là phải kinh qua các lớp học tập huấn mang tính đặc thù nghề nghiệp của công tác tu bổ di tích...

Như vậy là đã rõ - ai được trùng tu di tích? Đó là những đơn vị, cá nhân am hiểu về Luật Xây dựng, về khoa học và công nghệ và hơn nữa phải là những người có kiến thức vững vàng về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng và cả những yếu tố tích hợp của mỹ thuật, kiến trúc
                                                                                 Theo: Đại Biểu Nhân Dân
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

19
Đang xem:
72.684.526
Tổng truy cập: