DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể hát xoan
(Ngày đăng: 16/07/2013   Lượt xem: 812)
Ưu tiên xây dựng, thực hiện chính sách đãi ngộ với nghệ nhân, đầu tư trọng điểm vào vùng xoan gốc, gắn hát xoan với không gian diễn xướng và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương… sẽ là những biện pháp hữu hiệu để hát xoan Phú Thọ sớm ra khỏi tình trạng cần được bảo vệ khẩn cấp.
 
Trình diễn hát xoan                                                                                        Ảnh: Đức Thịnh

Theo đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại - hát xoan Phú Thọ giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020, do UBND tỉnh Phú Thọ xây dựng, vừa được đưa ra lấy ý kiến các nhà khoa học hôm 12.7, tại Hà Nội, đến năm 2015 có khoảng 30% người dân Phú Thọ hiểu biết về hát xoan, riêng TP Việt Trì là 50%, trong đó số người Việt Trì biết hát xoan là 25%. Đến năm 2015, tỉnh Phú Thọ sẽ quy hoạch 100% di tích gắn với loại hình nghệ thuật hát xoan; hỗ trợ kinh phí chống xuống cấp 3 di tích và đầu tư trùng tu cho 5 di tích tại các phường xoan gốc; 100% người có công bảo tồn, gìn giữ, truyền dạy hát xoan được tôn vinh và hưởng chế độ đãi ngộ. Từ năm học 2013 - 2014, học sinh tất cả các cấp học của tỉnh Phú Thọ sẽ được học hát xoan. Kinh phí thực hiện đề án dự kiến gần 250 tỷ đồng.

Về việc đề án chưa gắn được hát xoan với không gian văn hóa tín ngưỡng Hùng Vương, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam Gs.Ts Tô Ngọc Thanh nhìn nhận: “hát xoan ở trong không gian văn hóa Hùng Vương. Nó cần phải đứng cạnh và gắn chặt với tín ngưỡng Hùng Vương. Nếu tách bạch ra, sau này xây dựng đề án bảo tồn, phát huy giá trị tín ngưỡng Hùng Vương sẽ làm như thế nào?”. Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam PGs.Ts Đặng Văn Bài, cũng cho rằng, hát xoan luôn gắn chặt với tín ngưỡng Hùng Vương, nên gộp lại làm một đề án chung. Với đề án về hát xoan cũng chỉ nên tập trung vào 4 làng xoan gốc (Phù Đức, Thét, An Thái, Kim Đới), với 4 cụ trùm là nòng cốt. Phải có chính sách đãi ngộ hợp lý để họ yên tâm truyền dạy, không phải lo cơm áo... Trung tâm bảo tồn, phát huy giá trị di sản hát xoan sẽ là 4 ngôi làng trên và đó cũng sẽ là nơi thu hút khách du lịch…

 

Với kinh nghiệm trong xây dựng hồ sơ về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Viện trưởng Viện Văn hóa Việt Nam PGs.Ts Nguyễn Chí Bền góp ý, đề án nên khẳng định rõ hơn vùng xoan gốc và vùng thực hành. Đề án đề cập trùng tu, tôn tạo những di tích vật thể thì cần phải chứng minh được sợi dây tín ngưỡng kết nối các di sản vật thể ấy với hát xoan, nếu không, khi đưa vào trùng tu, tôn tạo sẽ gặp khó khăn. Việc đưa hát xoan vào trường học, dạy cho tất cả các cấp học trên địa bàn tỉnh khiến PGs.Ts Nguyễn Chí Bền băn khoăn: hát xoan là hát nghi lễ thì có nên dạy cho lứa tuổi nhi đồng, mẫu giáo không? Việc này cần phải cân nhắc để có cách làm hợp lý.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa - Ts Lê Thị Minh Lý thì cho rằng, trong các nhà trường chỉ dạy cho các em hiểu biết và trải nghiệm di sản. Tuy nhiên, cần chú trọng việc truyền thông, phổ biến, nâng cao nhận thức về hát xoan trong nhân dân tỉnh Phú Thọ. Hát xoan thiếu người thực hành, thiếu cả công chúng nên cần tuyên truyền sâu rộng hơn là phổ cập. Đặc biệt, việc xây dựng chính sách và đãi ngộ với nghệ nhân phải ưu tiên hàng đầu. Nhưng chính sách này nên có thời hạn, khi hát xoan hết thời hạn cần được bảo vệ khẩn cấp thì dừng lại. Đồng tình với quan điểm này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa -PGs.Ts Lê Hồng Lý nhìn nhận, ở góc độ giáo dục di sản, để cho học sinh nhận thức về hát xoan thì nên đưa vào sinh hoạt ngoại khóa hơn là xây dựng một chương trình địa phương học...

Sau khi lấy ý kiến của các nhà khoa học, đề án sẽ tiếp tục được chỉnh sửa, hoàn thiện, trình cơ quan chức năng phê duyệt để sớm đi vào giai đoạn triển khai thực hiện. Dự kiến đến năm 2015, hát xoan sẽ thoát khỏi tình trạng cần được bảo vệ khẩn cấp và trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 Hiện trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 76 nghệ nhân hát xoan, tuổi từ 60 trở lên. Có 20 câu lạc bộ hát xoan thường xuyên hoạt động biểu diễn phục vụ trong các ngày lễ, tết, giao lưu văn hóa văn nghệ. Tỉnh Phú Thọ cũng đã tổ chức 7 lớp truyền dạy hát xoan cho các câu lạc bộ dân ca của các xã trên địa bàn tỉnh… Có 13/30 di tích gắn với hát xoan đã được bảo tồn, tôn tạo đưa vào phục vụ trình diễn hát xoan.


                                                                                            Theo: Đại Biểu Nhân Dân
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

9
Đang xem:
72.684.570
Tổng truy cập: