DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Đẹp lên với kho tàng di sản
(Ngày đăng: 14/07/2013   Lượt xem: 646)
Sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, số lượng di tích của Hà Nội tăng lên gần 3 lần so với trước. Sự phong phú về số lượng và loại hình đã góp phần tăng thêm nét đẹp của Thủ đô ngàn năm văn hiến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Sở hữu nguồn di sản lớn nhất cả nước

Trước năm 2008, Hà Nội có 1.952 di tích, tỉnh Hà Tây (cũ) có 3.053 di tích. Sau năm 2008, cùng với quyết định mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, sự phong phú về số lượng và loại hình di tích đã giúp cho Hà Nội trở thành địa phương sở hữu số di sản lớn nhất cả nước (5.175 di tích). Nhiều di tích gắn với các sự kiện quan trọng, các danh nhân của đất nước, nhiều di tích lâu năm, thậm chí có di tích có hàng ngàn năm lịch sử. Số lượng di tích đã xếp hạng là 2.119 gồm các di tích được UNESCO công nhận, di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt, di tích cấp quốc gia, di tích cấp TP... Mật độ di tích trải dài trên khắp các quận, huyện.

Hình ảnh Hồ Gươm đã để lại ấn tượng đẹp về Hà Nội trong lòng du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Nguyễn Khánh

Chính vì vậy, từ năm 2008, nhắc đến Hà Nội, bạn bè trong nước và du khách quốc tế không chỉ nhớ đến Thủ đô cùng hình ảnh lung linh huyền ảo bên tháp Rùa Hồ Gươm, hay, cầu Thê Húc màu son, như dải lụa đào, vắt qua làn nước xanh của hồ Hoàn Kiếm bên cạnh những liễu rủ, cành đa cổ tích, nối phố xá ồn ào với đền Ngọc Sơn trên đảo Ngọc tĩnh lặng, rồi dấu mốc lịch sử ngàn đời tại khu di tích thành cổ Hà Nội... Du khách đến với Hà Nội còn được du ngoạn ở những ngôi chùa có giá trị lịch sử, kiến trúc độc đáo như chùa Thầy, chùa Tây Phương, hay cụm di tích lịch sử văn hóa tại thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì...

Gánh vác trách nhiệm tu bổ

Sở hữu nguồn di sản lớn gấp bội các địa phương của cả nước, thế nhưng trước sự khắc nghiệt của thời tiết, cùng với lịch sử tồn tại lâu đời của di tích chủ yếu mang chất liệu tre và gỗ, cho đến năm 2013, chỉ tính riêng số lượng di tích xuống cấp nghiêm trọng đã lên đến con số 600. Ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội phác một phép tính đơn giản: "Trung bình mỗi di tích cần 10 tỷ đồng tu bổ thì hiện nay Hà Nội cần 6.000 tỷ đồng để giải quyết tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của di tích. Một con số không nhỏ với tình hình ngân sách khó khăn, kinh tế khủng hoảng hiện nay". Từ năm 2010 đến 2012, TP đã tu bổ, tôn tạo 675 di tích các loại, với kinh phí lên đến gần 3.000 tỷ đồng. Song, số lượng di tích xuống cấp ngày càng nhiều, cần nguồn vốn lớn để bảo tồn, tôn tạo.

Trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu của Quốc gia trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn (2013 - 2015), TP đã dự kiến đầu tư tu bổ, tôn tạo và hỗ trợ chống xuống cấp 68 di tích nhằm ngăn chặn nguy cơ các di tích bị xuống cấp nghiêm trọng hay xóa sổ. Ngoài ra, UBND các quận, huyện sở hữu di tích cũng sẽ chủ động huy động nguồn ngân sách xã hội hóa, hỗ trợ Nhà nước trong quá trình tôn tạo, tu bổ di tích.

Đinh Chu Quyền trở thành công trình tu bổ đầu tiên đoạt Giải kiến trúc châu Á

Trong những năm qua, TP đã rất quan tâm công tác chỉ đạo quản lý, bảo tồn di tích theo đúng Luật Di sản và các luật liên quan. Từ năm 2011, TP đã ra chỉ thị phân cấp, TP trực tiếp quản lý 12 di tích, còn lại giao cho UBND các quận, huyện quản lý trực tiếp, bảo tồn, tôn tạo di tích. Bên cạnh đó, mỗi di tích khi xếp hạng đều đã cắm mốc khoanh vùng bảo vệ và lập Ban quản lý để góp phần quản lý tốt từng di tích. Đặc biệt ngày 6/7/2013, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Quy chế huy động tự nguyện đóng góp của các tổ chức, cá nhân vào việc tu bổ, quản lý, tôn tạo, phát huy giá trị di tích, xây dựng vườn hoa, công viên.

“Con sâu làm rầu nồi canh”

Bên cạnh những thành quả đã đạt được, thời gian vừa qua, những người yêu di sản Hà Nội đều thấy đau lòng trước các hiện tượng sai phạm, để xảy ra nhiều bất đồng trong công tác bảo tồn và phát huy di sản ở chùa Trăm Gian, chùa Một Cột, làng cổ Đường Lâm. Rất nhiều người cho  rằng, việc quản lý di sản còn nhiều bất cập, cơ quan Nhà nước đang bị động trong việc quản lý di sản, nên khi có sự việc xảy ra mới tìm biện pháp "chữa cháy". Trên thực tế, tinh thần quản lý di tích ở các quận, huyện còn thiếu mềm mỏng, chưa thật sự sâu sát với di tích và những người sở hữu di tích (người dân làng cổ Đường Lâm). Chính vì vậy, UBND các quận, huyện mới lúng túng trước phương án chống dột của chùa Một Cột, để sư trụ trì chùa Trăm Gian tự ý hạ giải chùa, và để người dân Đường Lâm bức xúc về cảnh thu tiền vé của người dân khi vào làng, cưỡng chế xây dựng bằng nhiều biện pháp cứng nhắc...

"Theo tôi, chủ trương quản lý di tích của TP là đúng, nhưng cơ sở đã chưa linh hoạt trong quá trình quản lý. Chính vì vậy, hiện giờ chúng ta đang từng bước gỡ rối", ông Nguyễn Doãn Tuân - Trưởng Ban quản lý di tích danh thắng nhận định. Cùng chung quan điểm, PGS. TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho biết: "Chúng ta chỉ bị động trong trường hợp chùa Một Cột, chùa Trăm Gian, làng cổ Đường Lâm... không có nghĩa bảo tồn văn hóa ở Hà Nội là bị động hết. Không thể thông qua hiện tượng quy vào bản chất".

Nếu nhìn vào hàng chục, thậm chí là hàng trăm di tích được đầu tư trùng tu kịp thời như đình Chu Quyến, Thăng Long Tứ trấn, ba cụm di tích đền Tản Viên; nhìn vào nền nếp ngày càng tốt lên của lễ hội chùa Hương; hay vào sự gọn gàng, mến khách của Văn Miếu -  Quốc Tử Giám... chúng ta có thể tự hào hình ảnh di sản Thủ đô ngày càng đẹp lên, để rồi thừa nhận những "điểm nóng" chỉ là hiện tượng "con sâu làm rầu nồi canh". Cụ thể: Năm 2011, dự án tu bổ, tôn tạo đình Chu Quyến trở thành dự án mẫu điển hình khi vừa áp dụng cơ chế, vừa thiết kế vừa thi công, đồng thời áp dụng nhiều biện pháp, giải pháp thi công mới để tu bổ, tôn tạo các cấu kiện gỗ. Dự án tu bổ đình Chu Quyến trở thành công trình tu bổ đầu tiên đạt giải kiến trúc châu Á. Hay công tác quản lý lễ hội chùa Hương đã có những chuyển biến tích cực. Theo báo cáo mới nhất của BTC lễ hội chùa Hương năm 2013: Dịch vụ hàng quán, "cò" đò giảm đi; an ninh trật tự được chuyển biến; không còn hiện tượng cúng đồ mặn nơi thờ phật; hệ thống hòm công đức được sắp xếp ngay ngắn...

Chúng ta có thể tin tưởng rằng, bằng nhiều biện pháp kịp thời, Hà Nội sẽ làm tốt công tác bảo tồn di sản quý giá của Thủ đô, cho dù trách nhiệm đặt trên vai của các cấp, các ngành không nhỏ.
                                                                                                        Theo: KT& ĐT
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

22
Đang xem:
72.684.612
Tổng truy cập: