DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống ở Hà Nội
(Ngày đăng: 02/07/2013   Lượt xem: 791)
Hà Nội là nơi tập trung đông các làng nghề truyền thống. Mỗi làng nghề đều chứa đựng những nét văn hóa độc đáo, là biểu tượng cho sự khéo léo, tinh thần sáng tạo, cần cù lao động của mỗi người dân Việt Nam. Các làng nghề cổ truyền ở Hà Nội được lưu giữ đến ngày nay đã và đang tô thắm thêm bức tranh làng nghề truyền thống đất kinh kỳ nghìn năm văn hiến.

Độc đáo làng nghề Thủ đô

Làng nghề Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) là làng nghề làm tò he duy nhất ở Việt Nam còn tồn tại cho đến ngày nay. Ở đây, người dân trong làng hầu như ai cũng biết biến khối bột gạo vô tri thành những con tò he ngộ nghĩnh, sinh động. Muốn làm ra một con tò he thì người nghệ nhân cần phải có tình yêu thương trẻ nhỏ thì con tò he sẽ đẹp và có hồn.

Với những người nông dân ở làng Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, họ vừa là nghệ nhân, vừa là nghệ sĩ biểu diễn rối nước. Gắn bó với những con rối từ khi còn nhỏ, theo chân các bậc tiền bối đi lưu diễn khắp nơi, ông Ngô Minh Phong, Phó phường rối nước Đào Thục, tâm sự: “Phường rối chúng tôi hiện có khoảng 25 người hoạt động thường xuyên, trong đó có cả các cụ già đến các cháu 15, 16 tuổi. Chúng tôi chủ yếu làm nông nghiệp, khi làm quân rối thì làm theo ý tưởng người nông dân nên trông các quân rối cũng hao hao giống người nông dân”.

Các thành viên trong gia đình nghệ nhân Quách Văn Hiểu (làng Thượng, phường Định Công) cùng chế bạc.

So với các làng nghề truyền thống khác, làng Thượng, phường Định Công, quận Hoàng Mai với nghề đậu bạc là một trong những làng nghề cổ nhất của đất Thăng Long nghìn năm tuổi. Hiện nay, cả làng chỉ còn duy nhất hai gia đình nghệ nhân Quách Văn Trường và  Quách Văn Hiểu là vẫn gắn bó trọn đời với bạc, trọn tình với nghề quý của quê hương. Nghệ nhân Quách Văn Hiểu chia sẻ: "Trước đây, ở phường chỉ có người dân làng Thượng làm nghề kim hoàn, nhà nào cũng sản xuất, nhiều năm phục vụ cho các triều đình vua quan, kể cả triều đình nhà Nguyễn, hay mang hàng đi các nơi. Bằng sự tỷ mỷ, khéo léo của đôi bàn tay, người thợ trong làng đã gắn kết các sợi bạc xe lại với nhau, tạo thành những bông hoa, cánh bướm... trên đồ trang sức, đồ trang trí, khung tranh ảnh... Để có được một sản phẩm bạc đậu, người thợ phải mất tới hàng chục ngày công với những thao tác công phu, tỷ mỷ. Nghề đậu bạc biểu trưng cho sự tinh xảo của nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, hoàn toàn làm thủ công và không thể thay thế bằng máy móc". 

Chung tay giữ lấy nghề

Trước nguy cơ nghề truyền thống bị mai một, những nghệ nhân làng Xuân La tâm huyết, say nghề đã tìm tòi, sáng tạo ra những sản phẩm độc đáo, góp phần quảng bá hình ảnh làng nghề. Trong đó, phải kể đến 3 sản phẩm con rồng, con rùa và mâm ngũ quả được xác lập kỷ lục Việt Nam trong dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và một số sản phẩm phục vụ ngành du lịch... Nếu ngày xưa, các nghệ nhân trong làng nặn tò he bằng bột gạo nếp và trẻ em chỉ có thể chơi được 1 đến 2 tuần là hỏng, thì hiện nay, các nghệ nhân sử dụng loại đất Nhật Bản nặn những hình ngộ nghĩnh trên đầu bút chì để các bé có thể viết, trao tặng nhau hay mang ra nước ngoài.

Còn ở làng Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, những người nghệ sĩ nông dân như ông Phong lại khôi phục nghề tổ bằng cách đi biểu diễn khắp mọi miền. Năm 2002, phường rối nước Đào Thục được chính thức thành lập, hoạt động của đoàn đã ổn định, biểu diễn thường xuyên khoảng 20 buổi/tháng phục vụ người dân địa phương và du khách thập phương. Dù không có lương từ múa rối, nhưng chính sự mến mộ của du khách khắp trong và ngoài nước là nguồn động viên những nghệ nhân rối nước gắn bó với nghề. Riêng với nghề đậu bạc ở làng Thượng, phường Định Công, nghệ nhân Quách Văn Hiểu dự định vào tháng 8 tới sẽ tổ chức lớp học truyền lại nghề chế tác kim hoàn cho những ai đam mê và muốn theo nghề. Đây là tâm nguyện của nghệ nhân Quách Văn Hiểu với mong muốn nghề tổ của làng không bị mai một.

Những nỗ lực nêu trên của các nghệ nhân tâm huyết với nghề thật đáng trân trọng. Song, trong xu thế hội nhập hiện nay, việc bảo tồn và phát huy làng nghề thủ công truyền thống không chỉ cốt lưu giữ dấu ấn văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, mà còn phải tính đến việc nâng cao mức sống của những người gắn bó với nghề. Muốn vậy, cùng với việc đầu tư, hỗ trợ hợp lý cho các làng nghề, các ngành chức năng cần có biện pháp tuyên truyền, quảng bá, khuyến khích những nghệ nhân và thế hệ trẻ tiếp nối, giữ gìn nghề.

                                                                                             Theo: QĐND
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.684.497
Tổng truy cập: