KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Dồn dập IPO: Giá thấp do bội thực nguồn cung
(Ngày đăng: 20/03/2014   Lượt xem: 299)
Theo thống kê sơ bộ, từ đầu năm tới nay, có trên 20 doanh nghiệp (DN) đã công bố thực hiện IPO (đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng) - một kỷ lục từ khi thực hiện cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).
Tuy nhiên, mặc cho thị trường chứng khoán (TTCK) sôi động, các đợt bán CP vừa qua vẫn ế ẩm. Đã đến lúc cần nhìn lại tính hiệu quả của các đợt IPO để tránh sa vào bệnh thành tích, vừa tốn kém vừa gây chậm trễ quá trình đổi mới DNNN.
Kỳ vọng thu về hàng ngàn tỷ đồng
Hiện, một loạt DN đã được xếp danh sách IPO, nhiều nhất là DN ngành GTVT như Cienco 6 bán 28.724.100  CP, Cienco 4 chào bán hơn 16 triệu CP giá khởi điểm 10.000 đồng/CP, CIENCO5 chào bán 14,2 triệu CP với giá khởi điểm 10.000 đồng/CP, Tổng Công ty Xây dựng đường thủy đấu giá hơn 9 triệu CP; Tổng Công ty Vận tải đấu giá hơn 15 triệu CP… Trước đó, Tổng Công ty Viglacera tiến hành đấu giá 76.947.600 CP, Tổng Công ty Xây dựng Bạch Đằng đưa 7.137.857 CP chào bán ra công chúng; Công ty TNHH MTV Vật tư vận tải và xếp dỡ - Vinacomin (VMTS) đấu giá 2.694.100 CP; Tổng Công ty Đầu tư nước và Môi trường Việt Nam (Viwaseen) bán 22.480.500 CP; Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (HANCORP) đấu giá 49.742.300 CP…

 
Dây chuyền sản xuất gạch tại Công ty Viglacera Hạ Long. Ảnh: Thế Duyệt
Dây chuyền sản xuất gạch tại Công ty Viglacera Hạ Long. Ảnh: Thế Duyệt
Nếu như trước đây, mỗi khi một tổng công ty đưa cổ phiếu ra đấu giá là sự kiện lớn trên TTCK thì hiện nay, những thông tin này lại trở nên quá "nhàm" với nhà đầu tư (NĐT). Điều đáng nói là kết quả của những đợt bán CP chưa được như mong muốn. Không một DN nào trong số những DN kể trên bán được hết số CP chào bán. Ngay cả các tổng công ty có nhiều tiềm năng như Viglacera cũng ế CP, các tổng công ty như Bạch Đằng, Hancorp cũng chỉ bán được chưa tới 25% số CP chào bán.
Giới chuyên môn, đại diện nhiều công ty chứng khoán (CTCK) khi được hỏi đều cho biết, số lượng NĐT đăng ký tham gia đấu giá rất ít và bản thân họ cũng không mấy quan tâm. NĐT tổ chức lại càng ít tham gia. Có 3 nguyên nhân được chỉ ra để giải thích cho sự khởi đầu không mấy thuận lợi này. Thứ nhất, giá chào bán nhiều CP quá cao so với thị giá CP trên sàn. Đơn cử nhiều DN xây dựng, giao thông có các chỉ số tài chính tương đương DN đem bán đấu giá hiện giao dịch CP trên sàn HOSE và HNX với giá 7.000 - 8.000 đồng, trong khi giá khởi điểm các đợt IPO đều ít nhất là 10.000 đồng/CP. Thứ hai, mua CP qua đấu giá tính thanh khoản rất thấp, khi NĐT cần tiền khó bán được ngay. Thứ ba, việc dồn dập tung CP ra đấu giá như vậy tạo tâm lý dư thừa khiến NĐT tổ chức thường có tâm lý đợi đấu giá thất bại sẽ mua được giá thấp hơn. NĐT cá nhân thấy hàng nhiều càng lo thị trường dội cung, CP sẽ mất giá.Trong khi đó, ở thời điểm này có thể khẳng định, thị trường sẽ không thể tiêu hóa được hết số lượng CP IPO khủng như đã nêu trên. Chưa kể còn nhiều tổng công ty, tập đoàn lớn cũng đang rục rịch ra hàng như Vietnam Airlines, Vinatex, MobiFone…
Tránh tiền lệ xấu
Việc chào bán CP ra công chúng của các tổng công ty, DNNN không thành công sẽ tạo tiền lệ xấu cho các đợt chào bán sau, gây ảnh hưởng không tốt đến các DN có tiềm năng và gián tiếp gây thất thoát vốn Nhà nước. Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng, không nên trì hoãn việc đổi mới DNNN nhưng nên có những cách tiếp cận khác trong tiến trình này. Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư Nguyễn Đình Cung cho rằng, đã đến lúc không nên buộc các DN đều phải chào bán CP ra công chúng mà nên cho họ cơ hội khác như bán CP cho NĐT chiến lược trước. DN sau đó sẽ chuyển đổi hình thức hoạt động sang mô hình công ty CP. Khi hoạt động hiệu quả, DN có thể chào bán CP ra công chúng.
Đại diện nhiều CTCK lại cho rằng không nên khống chế phí tư vấn cổ phần hóa của các DN như hiện nay, mà nên linh hoạt. Đại diện CTCK ACB cho rằng, với mức phí vài chục triệu đồng cho một DN sẽ không thể tìm được NĐT quan tâm, chứ chưa nói đến việc thuyết phục để họ mua CP. TS Lê Đăng Doanh cũng chia sẻ, với các DNNN sau CPH, việc chọn được NĐT chiến lược quan trọng hơn rất nhiều việc có thêm tiền hay có thêm các “ông chủ” nhỏ lẻ. Bởi, NĐT lớn mới có thể giúp DN thay đổi phương thức quản trị, giám sát và tạo ra những chuyển biến tích cực trong hoạt động của DN.
Rõ ràng là việc chào bán ồ ạt CP ra công chúng dưới tác động của các cơ quan quản lý đang bộc lộ những bất cập cần xem xét. Đổi mới DNNN thông qua CPH là tiến trình quan trọng và phù hợp với xu thế, tuy nhiên thực tế cho thấy có nhiều cách để DN đổi mới, chứ không nhất thiết phải đi theo một con đường mà biết chắc rằng sẽ gây lãng phí và không hiệu quả.
                                                                                               Theo: kinhte&dothi
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

15
Đang xem:
72.626.187
Tổng truy cập: