KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Tăng trưởng 2014 sẽ cao hơn 2013
(Ngày đăng: 25/12/2013   Lượt xem: 473)
Ngày mai (26.12), tại Hà Nội, trong khuôn khổ chương trình chăm sóc khách hàng Doanh nghiệp cuối năm do công ty Thông tin di động VMS (Mobifone) tổ chức sẽ diễn ra buổi hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2013 – những yếu tố tác động đến nền kinh tế và ảnh hưởng của nó đến các doanh nghiệp trong nước; dự báo kinh tế Việt Nam năm 2014”. Chuyên gia kinh tế – tiến sĩ Lê Đăng Doanh là diễn giả chính, nói chuyện trước hàng trăm chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc; giám đốc của các doanh nghiệp, khách hàng thân thiết, khách hàng tiềm năng của VMS về các vấn đề: bối cảnh kinh tế Việt Nam năm 2013, thời sự kinh tế quốc tế; thách thức từ khủng hoảng và toàn cầu hoá: những tác động và ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong nước. Nhân dịp này, ông đã trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn Tiếp Thị:

Ông đánh giá thế nào về tình hình chung của cộng đồng doanh nghiệp trong một năm được cho là đầy rẫy những khó khăn như năm 2013?

Theo tôi, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2013 đã “vượt đáy”, tăng trưởng cao hơn 2012, lạm phát thấp hơn, tỷ giá ổn định, lãi suất tín dụng giảm đáng kể. Tuy vậy, doanh nghiệp trong nước vẫn tiếp tục gặp khó khăn, thể hiện qua số doanh nghiệp phải phá sản, đình chỉ hoạt động tăng lên. Số doanh nghiệp giải thể và tạm dừng hoạt động, trong tháng 11.2013 vừa qua cũng lên tới trên 5.000, đẩy tổng số doanh nghiệp phải giải thể, dừng hoạt động trong 11 tháng đầu năm 2013 lên 54.932 doanh nghiệp (tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2012), 65% doanh nghiệp báo cáo không có lãi. Nhiều doanh nghiệp nhà nước cũng gặp khó khăn, nộp ngân sách giảm kỷ lục.

Thực tế, tăng trưởng kinh tế năm 2013 chủ yếu dựa vào đầu tư nước ngoài và xuất khẩu. Ảnh: Các Ngọc

Thực tế, tăng trưởng kinh tế năm 2013 chủ yếu dựa vào đầu tư nước ngoài và xuất khẩu, mà doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm đến 65% kim ngạch xuất khẩu – họ không phải trả lãi suất cao, không phải lo tín dụng. Họ đã nằm trong chuỗi giá trị và sản phẩm của họ tiêu thụ tốt trên thị trường thế giới. Còn doanh nghiệp trong nước đối mặt với sức mua giảm sút mạnh. Chi tiêu hộ gia đình của Việt Nam chỉ tăng 5,1% đã trong thời kỳ 2009 – 2012 so với mức 8,9% của 2004 – 2008, nếu trừ đi mức lạm phát thì sức mua đã tăng trưởng âm. Sức mua của người dân đã xuống mức rất thấp, thể hiện rõ rệt qua sự ế ẩm của nhiều loại hàng hoá và tồn kho hàng công nghiệp vẫn cao hơn năm 2012 khoảng 9,4%.

Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, song rất ít doanh nghiệp tiếp cận được những trợ giúp đó và nếu tiếp cận được, cũng phải trải qua nhiều thủ tục phiền hà, tốn kém cả về thời gian lẫn tiền bạc nên không ít doanh nghiệp nản lòng.

Một số doanh nghiệp trong nước phải đối mặt với nợ xấu do đầu tư sai trước đây (vào bất động sản, chứng khoán), chi phí đầu vào tăng mạnh trong khi giá không tăng, lợi nhuận lại càng teo tóp. Doanh nghiệp trong nước cũng thể hiện yếu kém về năng lực tài chính, năng lực sáng tạo, năng lực điều chỉnh chiến lược kinh doanh. Cải cách hành chính, chống tham nhũng phiền hà thực sự có hiệu lực sẽ giảm bớt gánh nặng đối với doanh nghiệp.

Trong năm 2013, mặc dù tình hình kinh tế khó khăn, nhưng cũng có một bộ phận doanh nghiệp trong nước vẫn làm ăn có hiệu quả. Theo ông, bài học kinh doanh ở đây là gì?

Trong khi đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn thì một số doanh nghiệp như Vinamilk, Vincom, Masan, bóng đèn phích nước Rạng Đông, sứ Minh Long v.v. vẫn tiếp tục phát triển là do các doanh nghiệp đó đã liên tục tự đổi mới, tự thay đổi nhiều trong khi vận dụng khoa học – công nghệ, đưa ra các dòng sản phẩm mới, hấp dẫn người tiêu dùng, khai thác thị phần thích hợp v.v. Điều quan trọng là họ không chỉ cạnh tranh qua giảm giá mà tự đổi mới mình, áp dụng công nghệ hiện đại, quản trị lành mạnh, không lâm vào khủng hoảng tài chính. Họ không bị sa lầy vào bất động sản, chứng khoán, không đầu tư vào những ngân hàng yếu kém. Bài học của họ cần được phân tích đánh giá để các doanh nghiệp khác học tập, rút kinh nghiệm.

Năm 2014, theo ông, kinh tế có triển vọng phục hồi không, những ngành sản xuất, kinh doanh, khu vực kinh tế nào theo ông là có triển vọng nhất?

Kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng cao hơn, hiện đã xuất hiện một luồng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam, nếu Việt Nam tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mộ, tái cấu trúc nền kinh tế thì 2014 tăng trưởng sẽ cao hơn năm 2013. Các lĩnh vực có nhu cầu lớn là y tế, giáo dục, công nghệ thông tin, công nghệ môi trường (xử lý nước thải, lọc khói bụi, tái chế phế liệu v.v.), chế biến nông, hải sản. Xuất khẩu sẽ tăng mạnh, hy vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp dân tộc của chúng ta xây dựng được thương hiệu và thành công trên thị trường thế giới. Song các doanh nghiệp sẽ phải giải quyết các chi phí đầu vào tăng cao như giá điện, giá than, xăng dầu, dịch vụ y tế v.v.

Theo ông, có những vấn đề yếu kém trong quản lý, điều hành nền kinh tế hiện nay cần phải giải quyết để thúc đẩy quá trình hồi phục, tăng trưởng kinh tế năm 2014 và các năm tiếp theo?

Những căn bệnh của nền kinh tế đã được chỉ ra khá rõ từ hội nghị lần 3 của ban chấp hành Trung ương (15.10.2011) là đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, giải quyết các nút thắt của nền kinh tế như nợ xấu, bất động sản đóng băng, tái cấu trúc đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước. Trong năm 2013 cũng đã quyết định phải tái cấu trúc nông nghiệp và cải cách mạnh mẽ ngân sách nhà nước. Tuy vậy, cách làm trong năm 2013 chỉ đem lại kết quả hạn chế. Cần có đột phá trong cải cách thể chế, trước hết là thực hiện công khai minh bạch, thực hành tiết kiệm, đẩy lùi tham nhũng, lạm dụng chức quyền phục vụ lợi ích nhóm, phải thay đổi động lực và chế tài trong bộ máy nhà nước và kinh tế. Cỗ xe đi nhanh phải có động cơ mạnh và phải có phanh (thắng) tốt. Động lực của ta về lợi ích chung còn thấp trong khi động lực cho lợi ích nhóm lại quá mạnh và chế tài rất lỏng lẻo, không chính xác nên đã dẫn đến tình trạng như vừa qua.

Theo ông, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải tự tái cơ cấu, thay đổi thế nào để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nắm bắt các cơ hội mới để phát triển trong năm sau?

Theo tôi, các doanh nghiệp phải phân tích SWOT (Strength: Mạnh, Weakness: Yếu, Opportunities: Cơ hội, Threat: Thách thức), đổi mới sản phẩm, công nghệ cho phù hợp với tình hình thị trường đã thay đổi. Nếu cần, phải thay đổi nhân sự, không thể mong đợi những người trong nhóm lợi ích đã làm què doanh nghiệp nay lại tự nắm tóc mình đứng dậy, phải có nhân sự mới, quản trị doanh nghiệp hiện đại.

Cám ơn ông!

                                                                                                  Theo: saigontiepthi

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

55
Đang xem:
73.184.743
Tổng truy cập: