HỌC NGHỀ- TRUYỀN NGHỀ - KHÔI PHỤC NGHỀ-TRẢI NGHIỆM NGHỀ
Gánh cải lương Thiên Lý - Quay về "gốc" để chất "mộc" thăng hoa
(Ngày đăng: 27/05/2024   Lượt xem: 26)

Từ khoảng tháng 9/2023, nhiều chương trình sân khấu, vở cải lương được “chạy chữa”, tái dựng tác phẩm kinh điển… Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều sân khấu cải lương như: Sân khấu Cải lương mới Đại Việt, Chí Linh - Vân Hà, Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, Đoàn cải lương tuồng cổ Đồng Ấu Bạch Long… đã khởi sắc trở lại và được khán giả tích cực đón nhận.

Từ màn bạc "Song Lang"… đến màn nhung Thiên Lý

Nằm trong dòng chảy của các đoàn nghệ thuật đang nỗ lực rút ngắn khoảng cách giữa cải lương với khán giả, đặc biệt là người trẻ trong giai đoạn hiện nay, gánh hát nhỏ Thiên Lý ra đời và đã chọn cho mình một phong cách trình diễn đậm chất truyền thống, mộc mạc, chân phương.

Bước ra từ bộ phim điện ảnh "Song Lang" (đạo diễn Leon Quang Lê), gánh hát cải lương Thiên Lý đã có cho mình một hành trình riêng ngoài đời thực. Trụ sở của “gánh” chỉ là một căn phòng 40 mét vuông nằm “ẩn mình” trong một khu chung cư cũ kỹ tại số 4 Nguyễn Siêu (Quận 1, TP Hồ Chí Minh).
ảnh 1 (1).jpg -0

Cô đào Tú Quyên trình diễn vở "Độc thoại đêm".

Gánh hát không sử dụng thiết bị khuếch đại âm thanh, không bán vé, cùng với những "quy định": không điện thoại, không check-in, không chụp hình, không livestream trong thời gian diễn ra vở diễn.

Khán giả đến với Thiên Lý có thể chọn ngồi trên ghế hoặc bệt xuống chiếu. Cái chật hẹp của căn phòng càng làm khán giả gắn chặt hơn với không gian nghệ thuật gần gũi và ấm cúng. Mỗi đêm, gánh chỉ phục vụ cho khoảng 40 - 60 người. Không còn khoảng cách giữa sân khấu và khán giả, nghệ thuật và cuộc đời hòa làm một. Tất cả như được cùng nhau sống trong từng câu ca, điệu hát, cùng khóc, cùng cười với những nghệ sĩ đang trình diễn.

Cô bầu của gánh là Tú Quyên, cố vấn nghệ thuật biểu diễn là đạo diễn Leon Quang Lê.

Tháng 4/2017, Tú Quyên tốt nghiệp khóa Trung Cấp cải lương cuối cùng của Trường Đại học Sân Khấu - Điện ảnh TP Hồ Chí Minh và đạt được thành tích xuất sắc: Huy chương Vàng cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc. Cô đào trẻ tiếp tục bén duyên với điện ảnh trong vai diễn “đào thương tài sắc” Thùy Vân trong phim "Song Lang".

Tú Quyên có lợi thế lớn khi được hóa thân vào một nhân vật có nhiều điểm tương đồng: một cô đào cải lương tài năng và đầy nhiệt huyết. Cô đã hoàn thành xuất sắc vai diễn. Thế nhưng, cải lương vẫn là một mục tiêu lớn. Tú Quyên bày tỏ: “Dù như thế nào đi nữa tôi sẽ không bỏ cải lương. Vì đã ăn cơm Tổ thì suốt đời theo nghiệp Tổ”.

Muốn thử sức, Tú Quyên đăng ký học Đạo diễn sân khấu. Cô nhận ra những khó khăn mà các bạn trẻ theo nghề đang gặp phải là việc thiếu sân khấu để biểu diễn. Chính điều này đã thôi thúc Tú Quyên lập một gánh hát riêng.

Đạo diễn Leon Quang Lê - người thương yêu Tú Quyên như em gái ruột - ủng hộ. Căn hộ của anh đã được biến thành một gánh hát thu nhỏ. Ngày 12/8/2022, gánh cải lương Thiên Lý chính thức được thành lập.

Đến hiện tại, gánh đã diễn hơn 20 suất với vở diễn “Độc thoại đêm” nhưng lượng khán giả của gánh vẫn đều đặn và, đêm diễn nào cũng được đăng ký hết vé. Từ sau thời điểm Tết 2024, lịch biểu diễn cố định của gánh là vào tối thứ 7 hàng tuần.

Là dự án tốt nghiệp cử nhân đại học sân khấu của Tú Quyên, vở cải lương "Độc thoại đêm" đã trở thành một “hiện tượng” nghệ thuật. Cách trình diễn độc đáo: diễn viên đối thoại với âm nhạc và người nhạc công cũng là một diễn viên. Khán giả không chỉ bị cuốn hút bởi câu chuyện bi thương của Lý Chiêu Hoàng mà còn bởi cách thể hiện vai diễn đầy thuyết phục của đào chính Tú Quyên.

Không cần sân khấu lộng lẫy, cảnh trí xa hoa, gánh hát Thiên Lý vẫn chinh phục trái tim khán giả bằng những vở diễn chân phương, giàu cảm xúc. Mỗi đêm diễn, tiếng vỗ tay nồng nhiệt và những giọt nước mắt, nụ cười của khán giả cũng chính là minh chứng cho sức sống mãnh liệt của cải lương - một loại hình nghệ thuật truyền thống tưởng chừng như đang dần mai một.

Giữa thế kỷ 21, Thiên Lý đã kết nối những tâm hồn yêu cái đẹp của cải lương gần nhau hơn, và trở về với ký ức xưa.

Khát vọng "độc bản" để còn mãi với thời gian

Thiên Lý mang đến những buổi diễn ngắn gọn, chỉ 75 phút, tập trung vào "tinh hoa" của cải lương: âm nhạc, cảm xúc và diễn xuất. Sân khấu được giản lược tối đa, mộc mạc và gần gũi. “Vở độc thoại được dàn dựng từ nhạc cụ, sân khấu, ánh sáng, trình diễn,... trong một không gian sân khấu 4 mét vuông như vậy quá xuất sắc. Mỗi cao độ của từng nhạc cụ khi phát ra đều tương ứng với từng cảm xúc của nhân vật” - Nguyễn Thiện Ngoan, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh bồi hồi.

Cải lương mộc của Thiên Lý không chỉ thu hút giới trẻ mà còn chinh phục cả những khán giả trung niên, vốn đã quen thuộc với những vở cải lương truyền thống. Họ như được quay về với "cải lương thời ban sơ".

Chất "mộc" không chỉ xuất hiện trong cách trình diễn không sử dụng micro, loa… mà còn thể hiện trong không gian biểu diễn. Với sự sắp xếp đơn giản, những vật dụng như quạt tay, ghế gỗ... trong căn phòng xưa cũ, với ánh đèn vàng ấm áp, tạo ra một không gian giúp khán giả như đắm chìm vào quá khứ của cải lương.

“Độc diễn” chính là điểm chạm neo lại những cung bậc cảm xúc khó quên trong lòng khán giả. Cô đào Tú Quyên thủ vai nhân vật Lý Chiêu Hoàng trong vở diễn “Độc thoại đêm” đã để lại bao thương nhớ cho người xem.

Phong cách truyền tải cải lương của Gánh Thiên Lý được thể hiện qua hai chữ "thật" và "đẹp". "Thật" qua lối hát mộc mạc, giản dị, không cầu kỳ phô diễn. "Đẹp" là nhân vật phải “rực rỡ” trên sân khấu. Và đẹp hơn là từ tấm lòng của người nghệ sĩ. Họ hát bằng cả trái tim, truyền tải những cung bậc cảm xúc tinh tế nhất. Cô đào Tú Quyên đóng vai trò như nguồn động lực cho tất cả các thành viên.

Nghệ nhân ưu tú Trần Văn Sơn (thổi sáo kim và đánh đàn kìm) tâm tình: “Bao nhiêu lâu cũng không nhớ rõ, nhưng với tôi nó cũng không còn quan trọng. Bởi vì từ lúc Tú Quyên tốt nghiệp và có ý định lập gánh hát là tôi đã đồng hành rồi”.

Lưu giữ di sản quý báu

"Cải lương là loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Nó như một nền tảng nằm trong sự trường tồn của một đất nước. Cải lương thay đổi theo nhận thức của con người thời đại. Nó sẽ không bao giờ mai một hay mất đi”, cô bầu gánh hát cải lương Thiên Lý nhấn mạnh.

Tú Quyên nhận ra lý do khiến cải lương hiện nay đang dần trở nên “xa lạ” đối với thế hệ này là do “người trẻ nghe cải lương nhưng lại không hiểu”, bản thân ngôn ngữ cải lương có những đặc trưng riêng về ngôn ngữ và cách thể hiện.

Tú Quyên và các cộng sự của mình đã, đang và sẽ cố gắng để cải lương đến được gần hơn với lớp trẻ. Đầu tiên, người nghệ sĩ phải hát sao cho các bạn trẻ nghe được giai điệu, hiểu được nội dung của vở cải lương muốn truyền tải. Họ phải xây dựng lại các tuyến kịch bản, tạo ra một thời lượng cho mỗi vở cải lương giống với một bộ phim điện ảnh. Tú Quyên cùng với đạo diễn Leon đã xác định ngay từ những ngày đầu tiên đó là: “giữ cải lương mới là phát triển nó và đưa nó đến với khán giả trẻ nhiều hơn”.

Trong tương lai, cô đào Tú Quyên muốn kết hợp với các trường học để mang cải lương đến với môi trường giáo dục, giúp học sinh có cơ hội tìm hiểu và trải nghiệm bộ môn nghệ thuật này. Đồng thời, việc mở một lớp học cho mọi đối tượng khán giả trên 16 tuổi yêu thích cải lương để chia sẻ kiến thức và truyền lại cái “lửa nghề” cho thế hệ mai sau.

Tiến sĩ Văn hóa học, trưởng khoa Âm nhạc truyền thống Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Thị Hải Phượng cho biết: “Bất cứ loại hình nghệ thuật nào cũng có thời điểm bắt đầu, huy hoàng và những lúc không huy hoàng bằng thời kỳ đỉnh cao của nó. Và cải lương cũng thế. Ngày càng có nhiều cách làm mới, nhiều bạn trẻ đã bắt đầu yêu thích bộ môn nghệ thuật cải lương và biết đây là di sản quý báu mà ông cha ta đã để lại”.

Cải lương không chỉ là một loại hình giải trí mà còn mang tính giáo dục cao. Tuy nhiên, cải lương đang dần vắng bóng khỏi đời sống hiện đại. Một phần nguyên nhân là do cách thức thể hiện chưa phù hợp với thị hiếu của giới trẻ. Nhiều vở tuồng còn mang nặng tính ước lệ, lời ca khó hiểu, thế hệ trẻ khó tiếp cận. Chỉ có một cách duy nhất, là làm sao cải lương vẫn giữ được những giá trị truyền thống, cốt lõi nhưng phải sáng tạo trong hình thức thể hiện, sáng tạo “cái mới” trên nền “cái cũ”, để ngày càng nhiều người yêu thích cải lương hơn, đặc biệt là giới trẻ.

Phần nào, gánh hát Thiên Lý đã và đang làm được những điều đó.

                                                         Theo: cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

15
Đang xem:
72.649.600
Tổng truy cập: