HỌC NGHỀ- TRUYỀN NGHỀ - KHÔI PHỤC NGHỀ-TRẢI NGHIỆM NGHỀ
Ðào tạo nghề cho lao động nông thôn ở miền núi phía bắc (Tiếp theo và hết) (*)
(Ngày đăng: 24/11/2018   Lượt xem: 504)

 

Lớp đào tạo Tin học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Xín Mần (Hà Giang).

Bài 2: Cần gắn với việc làm và hiệu quả kinh tế -

Bất cập trong phân bổ, sử dụng nguồn vốn, trong cách thức đào tạo nghề làm cho hiệu quả của Ðề án 1956 còn khiêm tốn. Từ điều kiện, đặc điểm của vùng miền núi dân tộc, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở miền núi phía bắc cần được xem xét, đánh giá, điều chỉnh cho phù hợp.

Khó khăn trong triển khai Ðề án

Thực tế, công tác đào tạo nghề còn nhiều bất cập, nhiều lao động chưa sống được bằng nghề. Việc đào tạo nghề vẫn chưa quy vào một mối, do các ban, ngành, đoàn thể đều có các dự án, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LÐNT). Mặc dù theo Quyết định 1956, mỗi lao động chỉ được đăng ký đào tạo một lần, nhưng đôi khi việc dạy nghề, tập huấn vẫn gây nên sự chồng chéo. Một lao động ngoài được học nghề qua các chương trình đào tạo, còn được tham gia nhiều lớp tập huấn của các tổ chức khác. Trong khi đó, nội dung và chất lượng đào tạo nghề trong lĩnh vực phi nông nghiệp vẫn nặng tính hình thức, chưa sát với thực tế. Một số địa phương không duy trì được nghề sau đào tạo, gây lãng phí thời gian của người dân và kinh phí đào tạo.

Một trong những nghề không phát huy được hiệu quả là thủ công mỹ nghệ đã và đang triển khai ở một số địa phương trong thời gian qua. Như nghề dát bạc được Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang triển khai tại các xã Lang Quán, Hoàng Khai, Mỹ Bằng... huyện Yên Sơn từ năm 2013, nhưng đến nay đã không thể duy trì. Theo ông Nguyễn Thanh Bình, xóm 21, xã Lang Quán, các hộ dân tái định cư trong thôn đã được học nghề dát bạc và duy trì được hơn một tháng, giao được ba chuyến hàng, sau đó thì nghỉ cho đến nay. Nguyên nhân là do tay nghề lao động không bảo đảm theo yêu cầu của chủ hàng; thu nhập chỉ được 30 đến 50 nghìn đồng/người/ngày cho nên hầu hết người có sức lao động không tham gia. Hay nghề mây tre giang đan cũng đã được truyền dạy tại địa phương, nhưng đầu ra của các sản phẩm này từ lâu vẫn là một vấn đề rất khó khăn.

Theo lãnh đạo Trung tâm Dạy nghề huyện Yên Sơn, sản phẩm mây tre giang đan chủ yếu được bán tại tỉnh và thực tế có rất ít cửa hàng bày bán, giới thiệu những sản phẩm do người dân làm ra. Phần lớn các hộ dân được học nghề thủ công, như đan lát, làm chổi chít… ở các địa phương khác cũng rất khó khăn trong khâu tiêu thụ, vì thế người lao động vẫn chưa có thu nhập ổn định, chưa sống được bằng nghề.

Sau khi thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thì các trường trung cấp nghề cấp huyện của tỉnh Yên Bái nhập vào Trường cao đẳng Nghề. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên được hợp nhất, qua đó giảm đầu mối, giảm biên chế, tiết kiệm ngân sách theo hướng hiệu quả, hiệu lực hơn. Tuy vậy, sau sáp nhập, đội ngũ giáo viên nghề cơ bản trở thành cán bộ quản lý ở đơn vị mới, không còn tham gia giảng dạy trực tiếp. Vì vậy, khi mở lớp dạy nghề, các trung tâm đều thuê cán bộ khuyến nông, thủy sản, cao đẳng nghề về giảng dạy, cho nên chức năng trực tiếp dạy và quản lý lớp học chỉ còn một nửa. Việc cấp chứng chỉ nghề sau khi hoàn thành lớp học còn dễ dãi, nắm bắt và điều chỉnh nhu cầu của học viên LÐNT miền núi chưa sâu, có ngành học khi được cấp chứng chỉ, bằng tốt nghiệp (kế toán, tin học) khó tìm được việc làm. Ý thức rèn luyện, học tập của các lớp trung cấp nghề chưa cao, qua khảo sát chỉ có 17% số học sinh đạt kết quả khá, giỏi.

Năm 2013, UBND tỉnh Yên Bái thành lập Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Yên Bái, nhằm tiếp tục nâng cao trình độ nghề cho nông dân miền núi, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số để tiếp cận khoa học kỹ thuật, áp dụng vào đồng đất, xóa đói, giảm nghèo bền vững. Năm 2014, được T.Ư Hội Nông dân cấp vốn xây dựng trung tâm với số tiền hơn 47 tỷ đồng, phía tỉnh Yên Bái đối ứng trong giải phóng mặt bằng và cấp quyền sử dụng đất tại đường Âu Cơ (TP Yên Bái).

Sau ba năm xây dựng, dự án đã xây lắp hoàn chỉnh khối nhà ba tầng làm nhà ăn, phòng nghỉ cho học viên; khối nhà bốn tầng làm trụ sở điều hành và các phòng chức năng, lớp học cùng một số hạng mục phụ trợ khác sẵn sàng đón học viên. Tuy vậy, đến nay công trình không thể đưa vào hoạt động với hai lý do: không được cấp kinh phí đầu tư thiết bị dạy học và các trang bị chức năng khác theo như dự toán ban đầu (khoảng bốn tỷ đồng); UBND tỉnh Yên Bái không có biên chế cho trung tâm, do đang thực hiện việc tinh giản biên chế.

Phó trưởng Ban Kinh tế Hội Nông dân tỉnh Yên Bái Ngô Văn Xuân cho biết, Hội đã nhiều lần đề nghị T.Ư Hội cấp kinh phí bổ sung phần trang thiết bị cho trung tâm, bởi xây dựng nhà, lớp học đã hoàn thành mà không có "lõi" bên trong thì không thể gọi là trung tâm dạy nghề. Hiện tại, Hội Nông dân tỉnh vẫn phải cắt cử một biên chế đến làm công tác bảo vệ công trình. Ðược biết, nhằm "gỡ bí" cho Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Yên Bái, lãnh đạo tỉnh đang có chủ trương bổ sung một phần kinh phí hoàn thiện thành nơi làm việc để chuyển Hội Nông dân tỉnh đến đây hoạt động. Như vậy, hơn 43 tỷ đồng đã chi cho mục tiêu đào tạo nghề cho nông dân tỉnh Yên Bái khó đạt hiệu quả thực tế.

Trong khi đó, việc đào tạo nghề cho LÐNT ở tỉnh Hà Giang dù đạt được mục tiêu là góp phần nâng cao năng lực cho người dân, nhưng chưa đáp ứng được sự kỳ vọng về chuyển đổi cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Nguyên nhân là phần lớn LÐNT học nghề ngắn hạn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi rồi mới chỉ phục vụ phát triển kinh tế gia đình. Số lao động học nghề phi nông nghiệp cũng chưa mạnh dạn trong việc chuyển đổi nghề nghiệp. Công tác đào tạo nghề ở tỉnh vẫn chưa đạt được chất lượng còn do việc gắn kết giữa cơ sở đào tạo nghề nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã chưa nhiều, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp thiếu năng động, chưa có sự phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã về định hướng nghề nghiệp, tuyển sinh, đào tạo, giới thiệu việc làm.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ tỉnh cho biết, mặc dù nhà trường liên kết với các doanh nghiệp để đào tạo nghề và có cam kết việc làm cho học sinh, sinh viên, việc tuyển sinh LÐNT tham gia học nghề rất khó khăn. Nguyên nhân là các học viên không muốn đi làm xa gia đình, trong khi thị trường việc làm trong tỉnh hạn hẹp, không có nhiều các khu công nghiệp để tạo việc làm cho các em sau khi học nghề. Bên cạnh đó, do những hạn chế trong khâu đào tạo cho nên chất lượng đào tạo nghề cho người lao động ở Hà Giang còn thấp, vì vậy, nhiều học viên sau khi học nghề vào các doanh nghiệp, hợp tác xã không đáp ứng được yêu cầu công việc. Ðiều này dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp trực tiếp tuyển dụng lao động rồi đào tạo nghề ngay tại doanh nghiệp, qua đó khiến công tác tuyển sinh học nghề ở một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở tỉnh gặp khó khăn.

Theo báo cáo giám sát mới đây của Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La về kết quả thực hiện Ðề án 1956 thì cùng với nguồn ngân sách tỉnh, T.Ư đã giúp Sơn La xây dựng, cải tạo, nâng cấp chín trung tâm dạy nghề cấp huyện, với kinh phí 58,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, với hỗ trợ đào tạo nghề thuộc Chương trình 30a, Chương trình 135 và chương trình khác của tỉnh, số lao động được đào tạo nghề thuộc Ðề án 1956 mới đạt khoảng 28%. Ðiều đáng nói là số lao động sau đào tạo nghề có việc làm mới đạt 45,2%. Về kinh phí bố trí cho thực hiện đề án là 409 tỷ đồng, nhưng mới thực hiện được 102,8 tỷ đồng, đạt 25,6%. Ðáng quan tâm là kinh phí chi cho công tác tuyên truyền, tư vấn việc làm, phát triển đội ngũ giáo viên, xây dựng cơ sở vật chất, công tác giám sát đều đạt tỷ lệ khá cao, nhưng việc hỗ trợ LÐNT học nghề lại rất thấp, chỉ đạt gần 16%.

Trong sáu trung tâm dạy nghề cấp huyện được đầu tư kinh phí thuộc Ðề án 1956 bình quân 21,5 tỷ đồng/huyện, chỉ có bốn trung tâm được đưa vào sử dụng. Hai trung tâm dạy nghề tại huyện Sốp Cộp và huyện Yên Châu chưa được đầu tư trang thiết bị và chưa được đưa vào sử dụng, gây lãng phí lớn. Từ năm 2016, các trung tâm này sáp nhập đổi tên thành Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục dạy nghề, cơ sở vật chất này đã sử dụng, bố trí vào mục đích khác nhau, trang thiết bị xuống cấp, nếu tiếp tục sử dụng phải đầu tư sửa chữa lại.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Thực tế cho thấy, khi đào tạo nghề cho LÐNT mà gắn với ngành nghề người lao động quan tâm, thị trường lao động đang có nhu cầu thì đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, đào tạo nghề không gắn với đặc điểm và thực tiễn phát triển của địa phương, không tận dụng được thế mạnh vùng miền. Còn tồn tại tình trạng đào tạo nghề không gắn với định hướng nghề nghiệp và giải quyết việc làm khiến một bộ phận người lao động học nghề xong không có việc làm, gây lãng phí nguồn lực.

Do vậy, cần sớm tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện đề án, chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc, bất cập để ban hành chính sách phù hợp, với điều kiện vùng đồng bào dân tộc miền núi. Khi phân bổ nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cần ghi rõ phần vốn dành cho đào tạo nghề cho LÐNT, đồng thời tăng mức hỗ trợ kinh phí theo nhu cầu của người dân và khả năng đào tạo của tỉnh. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng chức danh, việc làm của cán bộ, công chức xã.

Ðối với cấp tỉnh, cần chỉ đạo rà soát, đánh giá các đối tượng học nghề thời gian qua, nhu cầu đào tạo những năm tiếp theo. Khắc phục tình trạng dàn trải, nhiều đầu mối nguồn vốn, khai thác hiệu quả cơ sở vật chất đã đầu tư, nhất là sau khi giải thể các trung tâm dạy nghề - giáo dục thường xuyên ở cấp huyện không làm gián đoạn mục tiêu đào tạo nghề cho LÐNT. Trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của đào tạo nghề trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần lựa chọn các ngành nghề đào tạo phù hợp với chương trình phát triển kinh tế của tỉnh. Cụ thể là tập trung vào những lĩnh vực tỉnh đang có định hướng phát triển mạnh, như: nhà hàng, du lịch, nghề thủ công mỹ nghệ, dệt thổ cẩm, kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây dược liệu, cây ăn quả, kinh tế lâm nghiệp. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ, cử giáo viên đi đào tạo, bồi dưỡng lại để bố trí đủ giáo viên theo nhu cầu học nghề của người dân. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp từ khâu tuyển sinh, xây dựng nội dung học tập đến tổ chức đào tạo, sử dụng lao động.

Ðể có hướng đi vững chắc trong đào tạo nghề cho LÐNT, bảo đảm có hiệu quả, đòi hỏi các cấp, các ngành phải có chiến lược và kế hoạch dạy nghề lâu dài. Việc mở các lớp dạy nghề phải chú trọng chất lượng, không nên chạy theo chỉ tiêu, số lượng; phải bám sát nhu cầu của người lao động và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Ðào tạo nghề phải gắn với nhu cầu thị trường, bảo đảm người lao động sống được bằng nghề mà mình đã chọn, tránh lãng phí thời gian, tiền của của người dân và Nhà nước. Theo đó, cần thay đổi nội dung chương trình đào tạo nghề cho LÐNT theo hướng thiết thực, hiệu quả; đào tạo nghề cho LÐNT cần áp dụng các phương pháp giảng dạy hợp lý, linh hoạt gắn với trình độ và đặc điểm của lao động địa phương. Tích cực ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại vào quá trình đào tạo nghề cho LÐNT và gắn với tạo việc làm và định hướng nghề nghiệp.

* Bài 1: Thực trạng lao động và đào tạo nghề

                                                                           Theo: nhandan.com.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

27
Đang xem:
72.661.941
Tổng truy cập: