HỌC NGHỀ- TRUYỀN NGHỀ - KHÔI PHỤC NGHỀ-TRẢI NGHIỆM NGHỀ
Tham luận về vấn đề đào tạo nghề truyền thống tại các làng nghề Việt Nam
(Ngày đăng: 23/10/2013   Lượt xem: 2140)

langnghevietnam.vn  - " Hiện nay việc đào tạo nghề truyền thống cho lao động tại các làng nghề, đặc biệt là các nghề thủ công mỹ nghệ đang trở nên cần thiết không chỉ để nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn mà còn góp phần lưu giữ tinh hoa văn hóa dân tộc..."

                         TS. Lê Thị Ngọc Thúy Học viện QLGD -Bộ Giáo Dục & Đào tạo

Vài nét sơ lược về thực trạng đào tạo nghề truyền thống tại các làng nghề Việt Nam hiện nay                                             

Việt Nam có kho tàng văn hoá quý báu, đó là hàng trăm nghề thủ công truyền thống với hàng ngàn chủng loại sản phẩm đa dạng và phong phú, đóng góp tích cực cho văn hoá tiêu dùng trong quá khứ cũng như hiện tại. Song, hiện nay lối sống đô thị, hiện đại đang nhanh chóng làm mất đi ý thức tiêu dùng truyền thống trong phần lớn dân chúng, vai trò của hàng thủ công cũng như nghề thủ công truyền thống đang đứng trước nhiều thử thách khó khăn. Bảo tồn và phát triển nghề thủ công hiện nay là nhiệm vụ cấp bách ở Việt Nam, điều này không chỉ góp phần bảo tồn một bộ phận di sản văn hóa mang bản sắc dân tộc mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội như tạo công ăn việc làm cho lao động dư thừa, tăng thu nhập, xuất khẩu và phát triển du lịch hội nhập quốc tế. Một loạt các vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để xây dựng một hệ thống chính sách và luật về nghề thủ công truyền thống, vấn đề nâng cao nhận thức của nhân dân ta trong việc yêu mến và bảo vệ nghề thủ công truyền thống, tin dùng sản phẩm thủ công truyền thống, vấn đề đẩy mạnh hợp tác giữa khu vực sản xuất - cơ quan nghiên cứu và các trường đại học trong việc cải tiến kỹ thuật - công nghệ sản xuất và tìm kiếm nguyên liệu thay thế, bảo vệ môi trường, vấn đề thúc đẩy phong trào dùng hàng thủ công truyền thống trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và vấn đề cải tiến mẫu mã trên cơ sở phát huy những yếu tố kỹ thuật truyền thống, sản xuất ra những mặt hàng mới vừa mang tính văn hóa truyền thống, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội hiện đại. và đảm bảo tính phát triển bền vững ….

Hiện nay việc đào tạo nghề truyền thống cho lao động tại các làng nghề, đặc biệt là các nghề thủ công mỹ nghệ đang trở nên cần thiết không chỉ để nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn mà còn góp phần lưu giữ tinh hoa văn hóa dân tộc. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các làng nghề thì Nhà nước chưa có một văn bản quy hoạch chiến lược tổng thể cho phát triển làng nghề truyền thống trong cả nước để tổng hợp nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển làng nghề ở mỗi địa phương. Trong công tác đào tạo nghề truyền thống tại các làng nghề đã bước đầu có kết quả nhưng vẫn còn tồn đọng một số vấn đề sau:

Vấn đề về tiếp cận mục tiêu đào tạo ngành nghề:

Chưa phân định được một cách rõ ràng giữa một số tiêu chí về đào tạo nghề truyền thống. Chẳng hạn: như thế nào là làng nghề truyền thống, nghề truyền thống của làng là nghề gì? Nó có giá trị ra sao? Chúng ta cần phát triển như thế nào? Và để đào tạo người lao động cho nghề truyền thống này cần phải có tiêu chí gì? v,v…Đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều người học xong vẫn không tìm được việc làm phù hợp và không biết đươc giá trị của nghề truyền thống mà mình đang theo học. Bên cạnh đó, một thực tế là lao động tại các làng nghề chưa thực sự mặn mà với việc đào tạo.

Vấn đề về đội ngũ giáo viên: Giáo viên dạy nghề truyền thống chủ yếu là các nghệ nhân trong làng. Đây là đội ngũ lành nghề lâu năm và có kinh nghiệm quý báu để truyền nghề. Song hiện nay, họ cũng chưa có ý thức trong việc truyền nghề gia truyền của mình cho các đối tượng ngoài dòng tộc và dạy tính chất tự phát “cầm tay chỉ việc” và giữ bí quyết nghề. Các nghệ nhân dạy học bằng kinh nghiệm là chủ yếu và tổ chức lớp học tại gia đình của họ. Vì vậy tùy thuộc vào khả năng của mỗi nghệ nhân, sự tiêu thụ sản phẩm trên thị trường sẽ tạo ra sức hút của nghề cho học sinh theo các lớp học. Giáo viên ít có nhu cầu để thay đổi về nội dung, phương pháp và các hình thức tổ chức trong việc đào tạo của mình nên vẫn còn rất manh mún và tự phát.

Vấn đề về lao động học nghề: Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 2.790 làng nghề, thu hút khoảng 20 triệu lao động tham gia, trong đó 30% số lao động có việc làm thường xuyên, còn lại là lao động thời vụ. Tuy có đóng góp lớn vào giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn song nhìn chung chất lượng lao động tại các làng nghề còn hạn chế.Cả nước hiện chỉ có khoảng 12,3% số lao động qua đào tạo. Nhiều làng nghề truyền thống hiện nay thiếu vắng đội ngũ thợ lành nghề, thợ tạo mẫu. Quá trình truyền nghề cho lớp trẻ chưa được coi trọng đúng mức, đa số lực lượng lao động có trình độ văn hóa và trình độ thẩm mỹ chưa cao. Hầu hết, chủ hộ sản xuất ở các làng nghề chưa được đào tạo về quản trị kinh doanh và thiếu kiến thức về kinh tế thị trường…. Chỉ hơn 12% lao động tại các làng nghề được đào tạo. Phần lớn việc dạy nghề tại các làng nghề vẫn theo phương thức cầm tay chỉ việc hoặc tổ chức những lớp học ngắn ngày, rất ít lao động tại các làng nghề được đào tạo bài bản. Nhiều nơi mặc dù được hỗ trợ học phí học nghề, nhưng vẫn không có người học. Nhiều thanh niên tại các làng nghề chấp nhận đi làm thuê như: xây dựng, làm công nhân tại các khu công nghiệp hoặc đi xuất khẩu lao động hơn làm nghề… Nhưng vấn đề quan trong hơn cả là người học nghề chưa được trang bị kiến thức để nhận thức về về sự nghiệp tương lai của mình sẽ như thế nào sau khi học nghề xong. Và nó sẽ là động lực để giúp học học nghề và yêu nghề truyền thống của ông cha mình. Điều này đòi hỏi sự sát sao, quan tâm và dìu dắt của các nhà quản lý địa phương và các chính sách hỗ trợ cho học sinh sau khi học nghề.

Vấn đề về chương trình đào tạo: Việc dạy nghề ở các làng nghề mới chỉ dừng lại ở việc truyền nghề theo kiểu kèm cặp nhỏ lẻ, chủ yếu theo quy mô gia đình, ít làng nghề tổ chức được các lớp dạy nghề bài bản, chưa thu hút được các nghệ nhân cao tuổi vào dạy, cơ sở vật chất, phương tiện dạy nghề trong các gia đình còn đơn giản và thiếu. TheoTS Nguyễn Can - Phó Trưởng ban Dự án Hiệp hội Làng nghề VN cho hay: “Hiện, việc truyền nghề chủ yếu bằng phương pháp hướng dẫn, chỉ bảo... trực tiếp bởi các nghệ nhân cao tuổi. Phương pháp này tốn ít kinh phí, dễ học, dễ dạy nhưng có nhiều nhược điểm: Thiếu chuẩn xác, thiếu sự đóng góp hoàn thiện của tập thể bởi mỗi nghệ nhân truyền một kiểu, do đó nếu công việc không ổn định có thể bị thất truyền”. Nhà nước chưa có chương trình sưu tầm và biên soạn các quy trình công nghệ, sách dạy nghề cho việc sản xuất các sản phẩm nghề truyền thống.  Ngoài ra cần phải làm có những chương trình giúp cho người học biết cách phát triển thương hiệu những sản phẩm mà mình làm ra.Điều này đòi hỏi người giáo viên- nghệ nhân thực sự phải rất hiểu về nghề thì mới có thể tôn vinh được sản phẩm của mình được hiệu quả nhất.

Vấn đề về các chính sách hỗ trợ đào tạo:  Các chính sách hỗ trợ về đào tạo nghề truyền thống chỉ mang tính chất thí điểm, phong trào nên nó chưa sát với tình hình thực tế của việc học tại làng nghề. Việc triển khai một cách đồng bộ và hệ thống phải dựa vào quy hoạch tổng thể về nghề truyền thống của mỗi địa phương. Từ đó mới xác định được nhu cầu về lao động nghề và  có những chính sách về đầu tư kinh phí cho việc học tập, vốn để sản suất và kinh doanh sản phẩm truyền thống ra thị trường.

 Trên đây là những khái quát toàn bộ về thực trạng đào tạo nghề truyền thống hiện nay ở các làng nghề.Việc phát huy, bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống ở các làng nghề truyền thống hiện nay sẽ phụ thuộc rất lớn vào công tác đào tạo và truyền nghề một cách khoa học, quy mô và có hệ thống. Đây là công việc của toàn dân và bắt nguồn từ nhận thức của mọi người dân về giá trị của các sản phẩm truyền thống.Từ đó, nó sẽ là cội rễ của sự định hướng cho việc hướng nghiệp con em mình tham gia học nghề tại địa phương và biết làm giàu trên chính quê hương mình.

 Các nội dung triển khai đào tạo nghề truyền thống cho các làng nghề

Những nguyên tắc định hướng

- Đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng tay nghề lao động truyền thống tại địa phương có chất lượng với các trình độ trung cấp nghề và sơ cấp nghề, có sức khỏe, phẩm chất chính trị tốt, có đạo đức, phong cách nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp tương xứng với trình độ đào tạo nhằm cung cấp nguồn lao động cho các doanh nghiệp và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội  của địa phương, của cả nước và hội nhập quốc tế.

- Đào tạo nghề truyền thống là một trong những hoạt động lao động có giá trị văn hóa to lớn bởi vì mỗi một người học sẽ trở thành một nghệ nhân và mỗi một nghệ nhân là một người tạo ra các giá trị văn hóa dân tộc. Vì vậy, việc đầu tiên cần phải làm trong công tác đào tạo là cần phải biết tôn vinh nghề mà người học lựa chọn và mục tiêu của họ là trở thành nghệ nhân được đào tạo một cách bài bản, khoa học và có bằng cấp được Nhà nước công nhận.

-  Nguồn học sinh được đào tạo nghề truyền thống của làng nghề được tham gia đào tạo dưới nhiều loại hình thức khác nhau.  

Tổ chức các hoạt động
- Thành lập ở mỗi làng nghề có một trung tâm hỗ trợ đào tạo nghề để tạo điều kiện cơ sở vật chất tập trung học sinh học nghề dưới hình thức học các khóa học chính quy, dài hạn và bồi dưỡng tay nghề.
-  Xây dựng đội ngũ giảng viên bao gồm các giảng viên chuyên ngành kỹ thuật và nghệ nhân
- Xây dựng Chuẩn đào tạo nghề truyền thống gồm có: Chuẩn đầu vào ( trình độ học sinh), chuẩn quy trình đào tạo, chuẩn chương trình đào tạo (giáo trình, sách giáo khoa, nội dung dạy học, thời lượng……) chuẩn đầu ra ( mô hình nhân cách của người học: kiến thức, kỹ năng, thái độ và mức độ thích ứng nghề,…..) và chuẩn đánh giá (các kỳ sát hạch tay nghề, hệ thống văn bằng tín chỉ cấp theo trình  độ tay nghề,….)
 
- Lồng ghép các chương trình học nghề truyền thống của địa phương với các chương trình học chính khóa trong nhà trường đóng trên địa bàn của làng nghề . Thông qua đó sẽ thu hút được số đông các nhân lực trẻ tham gia và có tính chất thường xuyên, liên tục, phổ biến và bền vững trong quá trình dạy nghề và giữ nghề
 - Tổ chức các ngày lễ phát động phong trào cho cả làng hướng về cội nguồn, gìn giữ tinh hoa văn hóa thông qua chế tạo, tiêu thụ và tạo ra các sản phẩm của làng nghề .
- Tổ chức các hoạt động kinh doanh giới thiệu sản phẩm và bán hàng để người lao động có thể trở thành những nhà kinh doanh trực tiếp.Từ đó, họ có thêm kỹ năng cần thiết cho việc quảng bá giá trị sản phẩm của mình. Đồng thời, họ biết tự điều chỉnh trình độ tay nghề của mình phù hợp với thị trường.

Các giải pháp cụ thể

- Nhà nước cần phải có chủ trương, chính sách cho việc xây dựng những mô hình trung tâm hỗ trợ đào tạo nghề truyền thống kiểu mẫu tại các làng nghề.
-
Ở các làng nghề cần phải thành lập đơn vị cung cấp và quản lý nhân lực đã qua đào tạo cho các doanh nghiệp trong làng nghề để tránh tình trạng thiếu lao động, không đồng nhất về thu nhập cho nhân công, mất cân bằng trong các chính sách quyền lợi người lao động và khuyến khích để phát triển tay nghề.
-Tổng cục dạy nghề cần phải có sự kế hoạch trong việc kết hợp với các chuyên gia kỹ thuật, các nghệ nhân xây dựng Chuẩn đào tạo nghề thủ công truyền thống, có Hệ thống văn bằng công nhận trình độ tay nghề của người học như những hệ thống văn bằng của các chương trình đào tạo ở trường dạy nghề. Có như vậy người học mới yên tâm để học và hành nghề sau này
.-
Kết hợp với mô hình nông thôn mới để tận dụng được sự hỗ trợ về tài chính, cơ sở vật chất cũng như các nguồn lực khác trong việc phát triển nhân lực nghề truyền thống.

                                                                      (Trích báo cáo tham luận của TSKH Lê Thị Ngọc Thúy)

                                                                            

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

50
Đang xem:
72.661.782
Tổng truy cập: