HỌC NGHỀ- TRUYỀN NGHỀ - KHÔI PHỤC NGHỀ-TRẢI NGHIỆM NGHỀ
Năm 2013, truyền nghề, cấy nghề cho trên 100 làng
(Ngày đăng: 18/10/2013   Lượt xem: 611)
Hiện, Hà Nội có 1.350 làng nghề, trong đó có 281 làng nghề đã được UBND TP công nhận theo tiêu chí mới, chiếm gần 60% tổng số làng với 47 nghề trong tổng số 52 nghề trên toàn quốc. Tuy nhiên, bên cạnh đó Hà Nội còn rất nhiều "làng trắng nghề".
Thu nhập tăng

Với số làng chưa có nghề, số lao động nông thôn chưa có việc làm thì việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn, góp phần vào sự tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu chung toàn TP là một yêu cầu bức thiết. Hà Nội hiện có gần 100 làng nghề đạt doanh thu 10 - 20 tỷ đồng/năm, 70 làng nghề đạt 20 - 50 tỷ đồng/năm… Đặc biệt, một số làng nghề đạt doanh số cao như: Gốm sứ Bát Tràng đạt gần 300 tỷ đồng/năm; mộc Vạn Điểm (huyện Thường Tín) đạt trên 100 tỷ đồng/năm… Điều này cho thấy, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp có vai trò rất lớn trong việc phát triển kinh tế ngoại thành, từng bước hiện đại hóa nông thôn. Dự kiến, giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn sẽ đóng góp từ 22 - 25% tổng  giá trị  sản xuất công nghiệp của Hà Nội năm 2013. Vì vậy, những năm gần đây hoạt động đào tạo, nhân cấy nghề tiểu thủ công nghiệp góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống người dân ngoại thành được TP đặc biệt quan tâm.

 
Học nghề thêu tại Quất Động, Thường Tín. Ảnh: Bá Hoạt
Học nghề thêu tại Quất Động, Thường Tín. Ảnh: Bá Hoạt
Có thể thấy dưới sự tác động tích cực từ cơ chế chính sách của Chính phủ, TP Hà Nội, cùng với sự vận động của chính quyền các cấp và sự năng động của khu vực làng nghề trên địa bàn TP, nên mặc dù kinh tế gặp nhiều khó khăn, các làng nghề Hà Nội đã có những bước phát triển nhất định. Số làng có nghề, làng nghề, số lao động và thu nhập của người lao động được tăng lên. Cụ thể năm 2009 số làng nghề được công nhận là 272 làng, đến năm 2012 là 281 làng; số làng có nghề năm 2009: 1.287 làng, đến năm 2012: 1.350 làng. Số lao động tham gia vào lĩnh vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp tăng dần qua các năm (524.000 lao động năm 2009, đến năm 2012 là 730.000 lao động), góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động ở khu vực ngoại ô. Thu nhập bình quân của người lao động năm 2009 đạt 15 triệu đồng/người/năm, đến năm 2012 đạt 24 triệu đồng/người/năm. Công tác cấy nghề cho các làng thuần nông cũng đã phát huy hiệu quả. Số làng thuần nông trở thành làng có nghề là trên 60 làng.

Tích cực chủ động mở các lớp cấy nghề

 
Sản xuất sản phẩm từ gỗ tại làng nghề Vân Hà. Ảnh: Linh Anh
Sản xuất sản phẩm từ gỗ tại làng nghề Vân Hà. Ảnh: Linh Anh
Trong năm 2013, với nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương, Hà Nội đã mở 110 lớp truyền nghề, cấy nghề. Cụ thể, TP đặt mục tiêu mở 90 lớp cấy nghề tiểu thủ công nghiệp cho những làng chưa có nghề và truyền nghề cho 20 làng đã có nghề. Việc mở các lớp truyền, cấy nghề tập trung vào những ngành nghề mang lại giá trị kinh tế cao và phù hợp với từng địa phương như: Thêu ren, mây tre giang đan, điêu khắc gỗ, mộc dân dụng, may công nghiệp, dân dụng... Nhiều lớp truyền nghề, cấy nghề đã thực sự phát huy hiệu quả như lớp cấy nghề thêu ren tại xã Đường Lâm (Sơn Tây). Trong năm 2013, Công ty CP Du lịch làng cổ Đường Lâm đã được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội (Sở Công Thương) hỗ trợ mở 2 lớp dạy nghề thêu ren với 70 học viên đến từ các làng trong xã như Mông Phụ, Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Thịnh. Chỉ sau vài tháng được học nghề, đa số các học viên đã có thể làm được các sản phẩm thêu ren, được khách du lịch đặc biệt yêu thích. Bà Nguyễn Thị Thu - Giám đốc Công ty cho biết, hiện số học viên học nghề đều đã có "đầu ra". Cụ thể, một số học viên được Công ty nhận vào làm tại phòng trưng bày tranh, một số thì được cung cấp nguyên liệu để gia công sản phẩm tại nhà, một số học viên có nhà cổ làm du lịch sau khi được dạy nghề đã tách ra tự làm và bán tại nhà đem lại thu nhập khá cao. "Trước đây chúng tôi phải nhập tranh từ các làng thêu khác của Hà Nội, nhưng từ ngày được cấy nghề thì bà con vừa có việc làm, thu nhập, chúng tôi thì có sản phẩm giá rẻ để làm du lịch, đặc biệt khách du lịch rất thích khi trực tiếp nhìn thấy người dân làng cổ ngồi thêu những bức tranh về làng như cây đa, giếng nước, đình cổ, đồng lúa…" - bà Nguyễn Thị Thu cho biết.
 
Sản phẩm gốm Chu Đậu. Ảnh: Hải Linh
Sản phẩm gốm Chu Đậu. Ảnh: Hải Linh
Tuy công tác truyền nghề mang lại nhiều hiệu quả tích cực, song cũng bộc lộ một số khó khăn như trình độ học vấn của đối tượng truyền nghề hạn chế, độ tuổi không đồng đều, lao động không ổn định, luôn biến động do tác động khách quan… Vì vậy, theo ông Hoàng Xuân Thủy - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội, để khắc phục những vấn đề cốt lõi trên, nâng cao hiệu quả cho công tác truyền nghề tiểu thủ công nghiệp, duy trì việc làm cho lao động sau truyền nghề, cần phải tiến hành đồng thời và làm tốt một số nội dung như: Tăng cường công tác tuyên truyền về chủ trương của Nhà nước, TP về công tác truyền nghề, cấy nghề đến các cấp chính quyền (chủ yếu là xã, thôn) và người dân, để họ thấy rõ lợi ích lâu dài về việc đưa nghề TTCN về nông thôn; Phối hợp chặt chẽ với tổ chức chính trị xã hội (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên,…) các Hội, Hiệp hội ngành nghề trên địa bàn TP, Phòng Kinh tế cấp Huyện để cùng tham gia vào quá trình truyền nghề nói riêng và triển khai chương trình Khuyến công nói chung; Lựa chọn những đơn vị, cơ sở sản xuất CNNT có nhu cầu tiếp nhận lao động sau truyền nghề, có khả năng tiêu thụ sản phẩm tham gia vào quá trình truyền nghề, nhằm duy trì và quản lý sản xuất đối với lao động sau khi được truyền nghề.

Với những nỗ lực đó, dự kiến trong năm nay chương trình khuyến công sẽ tạo thêm 8.000 việc làm cho lao động nông thôn, trong đó 40% từ các chương trình nhân cấy nghề, góp phần đảm bảo an sinh xã hội khu vực này.

  "Quy hoạch phát triển nghề và làng nghề Hà Nội đến năm 2020 tầm nhìn 2030" (do Sở Công Thương chủ trì) sẽ gắn với chủ trương xây dựng "mỗi làng một nghề" nhằm xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho địa phương. Thông qua chương trình khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương, nhiều làng nghề truyền thống ở Hà Nội đã được hồi sinh và phát triển mạnh mẽ, nhiều làng chưa có nghề được truyền nghề mới, tạo công ăn việc làm cho lao động, tăng thu nhập và phát triển kinh tế địa phương.
                                                                                                    Theo: KT & ĐT
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

34
Đang xem:
72.661.507
Tổng truy cập: