TƯ VẤN - KHOA HỌC - TÂM LINH - PHONG THỦY
Nguồn gốc đình làng Việt
(Ngày đăng: 14/06/2024   Lượt xem: 32)

Về nguồn gốc của ngôi đình làng Việt có hai quan điểm chính.

Một quan điểm dựa trên các tư liệu khảo cổ học và dân tộc học xác định đình làng Việt có gốc trực tiếp từ ngôi nhà dành cho nam giới-nhà làng thời Đông Sơn; đình Việt có họ hàng gần với nhà malang của người Choang ở Nam Trung Quốc, nhà rông Ba Na, nhà rung Gia Rai ở Tây Nguyên, nhà gươl Cơ Tu ở vùng núi Trường Sơn; họ hàng xa với nhà morung Naga ở Đông Bắc Ấn Độ… Tên gọi ngôi nhà dành cho nam giới đó là một từ gốc chỉ chàng trai, họ hàng với các từ chỉ người đàn ông, người chồng…

Một quan điểm khác, dựa chủ yếu vào tư liệu thư tịch, bia ký và tên gọi "đình" gốc phương Bắc cho rằng đình làng Việt ra đời khá muộn mằn, hoặc vào thời Lý, hoặc vào thời Lê-Mạc.

Một cuộc giải mã các yếu tố chìm nổi của đình làng Việt sẽ khẳng định quan điểm đầu là có cơ sở.

Nhà sàn

Nhà thời Đông Sơn, như thấy trên trống đồng Đông Sơn, rõ ràng đều là nhà sàn. Nhà rông Ba Na, nhà gươl Cơ Tu cũng là nhà sàn. Đa số đình làng Việt không còn là nhà sàn, nhưng đặc biệt, đình làng Đình Bảng (Bắc Ninh), một trong những ngôi đình lớn nhất,  đẹp nhất, có đầu đao vươn cao nhất, điêu khắc phong phú, tinh mỹ nhất ở Bắc Bộ còn đến nay vẫn là nhà sàn, dù sàn chỉ cách mặt đất 0,7 m. Có vẻ, một làng giàu truyền thống văn vật như Đình Bảng mới có đủ cơ duyên để bảo tồn yếu tố cổ kính xa xưa ấy.
Nguồn gốc của đình làng Việt -0

 
Đình làng Mông Phụ, Ba Vì, Hà Nội.

Nhà không vách

Nhà làng thời Âu Lạc - dạng có mái cong lồi trên trống Ngọc Lũ là nhà có vách. Tuy nhiên, một đồ đồng Đông Sơn cho thấy cảnh hai người đàn ông đánh trống đồng theo kiểu giã cối ở đầu một ngôi nhà làng mái sống võng, không vách, bên trong có người đang uống rượu. Đó là dạng nhà làng ra đời vào cuối thời Đông Sơn, chịu ảnh hưởng của nhà làng Điền nên không có vách.

Văn hóa Điền ở Vân Nam là nền văn hóa anh em với văn hóa Đông Sơn. Trống đồng và thạp hình trống Điền có gốc từ trống đồng Đông Sơn. Vào cuối thời Đông Sơn, nhiều quí tộc Điền đã di tản tới vùng Thanh-Nghệ. Di chỉ Làng Vạc,  với nhiều di vật mang đặc trưng Điền chính là một điểm đến của quí tộc tị nạn Điền.

Những tượng đúc nổi trên mặt một thạp hình trống Điền cho thấy một nhà làng Điền không vách chính là nơi tiến hành một hội thề trước Thần Trống Đồng được tượng trưng bằng 2 chiếc trống đồng cỡ cực lớn ngoài nhà và 14 chiếc trống đồng cỡ nhỡ trong nhà. Hội thề trước Thần Trống Đồng ở nước Điền có mối liên hệ cội nguồn với Hội thề Thần Trống đồng thời Lý, thời phục hưng mạnh mẽ nhiều truyền thống Đông Sơn.

Hai đình làng Chu Quyến và Mông Phụ ở Hà Nội, hai trong các đình Việt cổ và đẹp nhất hiện còn cũng không có vách.  Dạng nhà gươl cổ của người Cơ tu cũng không có vách hoặc chỉ có một hàng vách thấp…

Biểu tượng thuyền

Dạng nhà hình chim hay hình thuyền chim trên trống Ngọc Lũ có bờ mái sống võng, hai đầu nóc vươn cao có hình đầu chim. Nhiều ngôi đình Việt được dựng lại vào thời Lê-Mạc cũng có bờ mái hơi võng với hai đầu nóc và bốn góc mái có hình đầu rồng vươn cao gợi tới dạng thuyền rồng, một dạng thuyền phổ biến hơn sau thời Đông Sơn. Thời  Lê-Mạc cũng là thời rồng trở thành biểu tượng cốt lõi của điêu khắc đình làng Việt. 

Đặc biệt, nhiều ngôi đình ở Bắc Bộ có cấu trúc "lòng thuyền" 3 cấp, tức gian chính ở giữa có nền gạch gọi là "lòng thuyền", các gian hai bên có ván sàn cao hơn nền, ván sàn hai gian hồi lại cao thêm một cấp nữa. Cấu trúc này tương đồng với cấu trúc loại thuyền ba khoang phổ biến ở đồng bằng Bắc Bộ. Ngoài ra, một loạt các bộ phận của mái đình có từ tàu, một từ khác chỉ thuyền như tàu mái, tàu đao, mũi tàu, mạn tàu, dạ tàu, then tàu…
Nguồn gốc của đình làng Việt -0

 
Vì kèo hình mai rùa của một ngôi đình Việt.

Biểu tượng rùa

Trên mặt trống Đông Sơn, dạng nhà cặp đôi với nhà hình thuyền chim mái sống võng là nhà hình rùa mái cong lồi. Nhà rông Ba Na vẫn giữ nguyên bờ mái cong lồi của nhà hình rùa Đông Sơn, nhưng hai đầu nóc lại có hình chim, được coi là chim chrao (chèo bẻo), một biểu tượng cho tính cộng đồng và tinh thần  bất khuất của người Ba na.

Nhà gươl Cơ Tu có bờ mái thẳng, hai đầu nóc có hình đôi chim hồng hoàng, một biểu tượng cho tính cộng đồng của người Cơ Tu, đồng thời vẫn có hai mái hồi hình tròn tương tự ngôi nhà hình rùa Thái Đen.

Cùng tổng hòa hai dạng nhà hình chim - hình rùa Đông Sơn, nhưng đình làng Việt bên ngoài có bờ mái võng như nhà hình chim, bên trong lại có bộ vì kèo kẻ chuyền có đường cong gần gũi với bờ mái cong lồi của nhà hình rùa. Đặc biệt, một dạng đình ở Nam Bộ có tên là vỏ qui tức nhà rùa, theo quan niệm dân gian là có mái khum khum như mai rùa. Một số đình Việt khác lại có bộ vì kèo cong lồi cũng gợi tới hình mai rùa.

Nhà dành cho nam giới và thần làng

Xã hội Đông Sơn là xã hội mẫu hệ, thời Hai Bà là xã hội mẫu quyền. Ở mỗi làng, để tạo ra sự cân bằng với ngôi nhà ở do nữ giới làm chủ cần có một ngôi nhà dành riêng cho nam giới, là nơi ngủ của các chàng trai chưa vợ, các ông chồng khi vợ đẻ, nơi trực chiến của các chiến binh, nơi chủ làng tiếp các chủ làng khác là đàn ông, đặc biệt đó là nơi thờ Ông Tổ Rồng, cũng là thần Bảo hộ, thần Chiến tranh của mỗi làng ... Ngôi nhà có bờ mái cong lồi trên trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ chính là ngôi nhà dành cho nam giới thời An Dương Vương có hình dáng mô phỏng Ông Tổ Rùa, trong truyền thuyết đã hóa thành Thần Rùa Vàng, thần Bảo hộ cho An Dương Vương- thành Cổ Loa và nước Âu Lạc.

Theo truyền thống Đông Sơn đó, đình làng Việt luôn là nơi thờ một hay nhiều vị thần bảo hộ của làng, sau gọi là Thành hoàng… Trong điêu khắc đình làng Việt, hình tượng rồng luôn nổi trội. Vào thời Đại Việt, rồng đã thành một biểu tượng cho vua, nhưng trong tâm thức dân gian, đó vẫn là một biểu tượng cho thần nước- thần mưa- ông tổ.

Cũng theo truyền thống Đông Sơn đó, đình Việt xưa như nhà rông Ba Na, nhà gươl Cờ Tu là nơi chỉ dành cho  nam giới.

Trên trống đồng, trong nhà hình rùa có hình người đánh chiêng, ngoài nhà có hình người-chim chơi nhạc cụ và nhảy múa.

 Cho đến nay, nhà rông Ba Na, nhà gươl Cơ Tu vẫn là nơi cất giữ các bộ chiêng, trống da, các nhạc cụ dùng cho các điệu múa thiêng của cộng đồng di chuyển thành hình tròn theo hướng chuyển động ảo của mặt trời (hướng ngược chiều kim đồng hồ theo cách nói hiện đại) như thời Đông Sơn.

 Người Việt không còn nghệ thuật cồng chiêng, nhưng đình làng vẫn là nơi cất giữ chiếc trống da lớn nhất, thường được sơn màu đỏ và vẽ hình rồng, được đánh lên để tập họp dân làng trong các lễ hội và tạo âm thanh điều khiển các nghi lễ ở đình. 

Đặc biệt, từ xưa, sân đình hay cửa đình luôn là nơi trình diễn các nghệ thuật hát - múa bắt nguồn từ các điệu múa - hát thiêng của người Việt như chèo, xoan. Khi cả ngôi đình mang biểu tượng một con thuyền, thì nghệ thuật hát cửa đình hay "chiếu chèo sân đình" của người Việt rất có thể đã phát triển từ nghi lễ hát - múa chèo thuyền đưa hồn người chết về với tổ tiên, có gốc từ điệu múa của các người - chim trên mặt trống gắn với các con thuyền hồn trên tang trống đồng. Tương tự, nghệ thuật múa-hát xoan xưa thường được biểu diễn ở các đình vào mùa xuân ở vùng Đất Tổ cũng là một sự phát triển của điệu múa - chim thiêng mô phỏng các động tác của Bà Tổ Chim thời Đông Sơn. 

Trang phục cổ truyền đỏ - trắng của trai gái múa - hát xoan, đặc biệt  chiếc khăn "mỏ quạ" của các cô gái cũng gợi tới đoàn người - chim múa quanh mặt trời trên mặt trống đồng.

Tại đình Việt, chúng ta thấy có nhiều hình khắc - vẽ các cảnh săn thú, bắt cá, cày bừa, đấu vật, đua thuyền, múa hát, uống rượu và trai gái hòa hợp…

Nhà làng Đông Sơn và nhà làng Cơ Tu xưa nay cũng có những hình khắc - vẽ cảnh tương tự. Chính từ những cảnh đó, các bậc cha ông kể chuyện về lịch sử giống nòi và truyền dạy cho con cháu những kỹ năng sống cơ bản của nam giới, cũng là những bài học làm người đầu tiên.

Ngay từ thời Đông Sơn, ngôi nhà dành cho nam giới với các chức năng nêu trên đã trở thành nhà làng, nơi tiến hành tập trung các hội lễ chung của làng, nơi bàn việc làng. Trải qua thời gian, tính chất đó càng được củng cố cùng với chế độ phong kiến phụ quyền để tạo ra ngôi đình làng Việt như một biểu tượng thân thương và thiêng liêng của làng Việt. Dù có tên gọi "đình" gốc Trung Hoa, nhưng về bản chất và cội nguồn, đình làng Việt có gốc Đông Sơn - Bách Việt.

                                      Theo; cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

16
Đang xem:
72.597.846
Tổng truy cập: