HỘI CHỢ - LỄ HỘI - TRIỂN LÃM - QUAN ĐIỂM- DỰ ÁN
Từ những triển lãm trên cây...
(Ngày đăng: 08/06/2013   Lượt xem: 554)
Nguyễn Đức Dụ sinh năm 1946 ở Đồng Quang, Gia Lộc, Hải Dương. Ông là chiến sĩ của Trường Sơn suốt từ năm 1965 đến năm 1973. Từ một người lính mở đường ở Tây Thừa Thiên, nhờ năng khiếu vẽ và viết tin, ông được trên giao nhiệm vụ làm công tác tuyên truyền ở các binh trạm thuộc Trung đoàn 5 công binh; trong đó có Binh trạm 42-khi chi viện cho bộ đội chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị, bị địch coi là trọng điểm đánh phá của trọng điểm. Ông đưa tới bộ đội những tin tức sốt dẻo của mặt trận có minh họa bằng tranh… - - - - - Năm 1968, ông về công tác ở Cục Chính trị Bộ đội Trường Sơn, đi vẽ khắp tuyến đường huyền thoại này.

Suốt những năm đó, Đức Dụ tham dự cuộc thử sức và lòng dũng cảm ở những nơi ác liệt nhất, như Tập đoàn trọng điểm ATP, Tha Mé, Khe Tang, Lùm Bùm, La Hạp... Năng khiếu, tình yêu và suy nghĩ: “Cảnh vật và con người ở mặt trận ác liệt, giờ còn, chốc mất; hôm nay còn sờ thấy, nhìn thấy, ngày mai đã có thể trở thành dĩ vãng. Cần phải ghi lại để lưu giữ cho muôn đời” thôi thúc ông vẽ tất cả những gì quan sát thấy trong không khí mở đường đánh giặc, để rồi có được hơn 400 tác phẩm về tuyến đường lịch sử mang tên Bác Hồ vĩ đại với bút pháp chân thực, sắc màu uyển chuyển, trong sáng và đầy chất lãng mạn... “lúc sâu đậm, lúc chát chúa như có âm thanh của bom đạn, sắt thép và bụi đường”...

Thời bình, họa sĩ Đức Dụ khám phá một đề tài mới, về con người mới, cuộc sống mới trong thời kỳ đổi mới, CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, đều theo phong cách hiện thực, bút pháp khỏe khoắn, màu sắc tươi sáng mạnh mẽ chứa đầy cảm xúc của tác giả. Đức Dụ đã có 14 cuộc triển lãm tranh. Đa số là triển lãm tranh về Trường Sơn với các tác phẩm như Đội Điều trị Binh trạm 33, Cua chữ A, Vượt trọng điểm Tha Mé, Ông già mù ở làng tre-A So (cõng hàng đi phục vụ chiến dịch). Tiểu đoàn nữ mang tên Trưng Trắc (thuộc tỉnh đội Hà Tây cũ bổ sung cho Trường Sơn, làm giao liên, thông tin, kho hàng, sửa đường… Bức tranh vẽ quân ta đánh điểm cao 416 (Mặt trận Đường 9 - Nam Lào) ngay giữa khói lửa chiến đấu, mô phỏng hình ảnh các pháo thủ lấy đạn trên xe của chiến sĩ Triệu Duy Kéo (Đức Dụ cùng đi xe này) để bắn địch; thiếu màu, Đức Dụ lấy bột đất để thay thế, đúng là “bốc cả thiên nhiên Trường Sơn vào tranh”.

   Họa sĩ Đức Dụ tại xưởng vẽ

Triển lãm “Thăm những miền quê” qua tranh Đức Dụ với Gần 30 bức sơn dầu cỡ lớn về quê hương đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, có: Bến Tràng Thưa, Cổng làng, Mùa thu, Trang trại xanh, Phố Vũ Trọng Phụng… (Hải Dương), Cổng làng Ngọc Hà (nơi anh sinh sống), Thác Bản Giốc, Góc Chợ Trùng Khánh, Đường đi Pác Bó (Cao Bằng)… chân dung các thiếu nữ dân tộc Mông, Pà Thẻn, Xá Phó… Phong cảnh Đồng bằng Bắc Bộ có Chùa Non nước (Ninh Bình), Bãi biển Thiên cầm (Hà Tĩnh); Cảnh và người miền Nam có: Uống rượu cần ở Tây Nguyên, Thu hoạch mía ở Tây Ninh, Bình minh hồ Dầu Tiếng…

Mới đây nhất, ngày 25-4, tại Nhà triển lãm mỹ thuật (16 Ngô Quyền, Hà Nội), ông đã có triển lãm với chủ đề “Còn lại với thời gian” nhân kỷ niệm 55 năm đường Trường Sơn, và 38 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, 120 tác phẩm mà ông tâm đắc nhất được trưng bày tại triển lãm này.

Xem những triển lãm tranh của họa sĩ Đức Dụ được tổ chức thời nay, rất nhiều đồng đội ông bồi hồi nhớ lại những triển lãm lưu động phục vụ bộ đội và thanh niên xung phong do ông làm tại các tuyến đường vận tải quân sự ở Trường Sơn năm xưa. Ông treo lên cây bên đường, ở cung, cua tại các trọng điểm những bức tranh mô tả chân thực hình ảnh người lính Trường Sơn mở đường, vượt tuyến. Bộ đội nhìn tranh, xem tranh, như thấy hình ảnh của mình, càng thêm hăng hái “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”... Chính những cuộc “triển lãm trên cây” ấy đã góp phần "đắp móng xây nền" cho “người-tranh Đức Dụ” của chúng ta.

Giờ đây, đến nhà ông, khách như có thêm niềm yêu thích. Yêu thích Đức Dụ, hoạ sĩ của đồng đội, của Trường Sơn, của đất nước, con người Việt Nam, gần vào bậc “cổ lai hy” vẫn nồng nàn tình yêu và khát vọng sáng tạo; yêu thích tranh Đức Dụ và yêu thích nét cười của vợ ông-bà Tống Thị Bình-nét cười mãn nguyện, sung sướng vì chồng mình với “Những bức tranh không được bán!”. Năm nào cũng có người nước ngoài đến xem và muốn mua tranh của họa sĩ Đức Dụ với giá cao. Có bức ký họa cỡ 50cmx70cm, họ trả tới 2000 đô-la Mỹ, nhưng vợ chồng ông dứt khoát không bán. Vì “bán chúng là bán đồng đội”; là mất điều quý giá mà ông đã phải đổi bằng cả tuổi thanh xuân!

                                                                                                     Theo: QĐND

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

421
Đang xem:
73.102.245
Tổng truy cập: