HỘI CHỢ - LỄ HỘI - TRIỂN LÃM - QUAN ĐIỂM- DỰ ÁN
Đánh thức du lịch di tích ở Tây Nguyên
(Ngày đăng: 22/04/2013   Lượt xem: 610)

Dãy Trường Sơn hùng vĩ với con đường Trường Sơn huyền thoại là nơi ghi dấu nhiều chiến tích oai hùng của nhân dân ta trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Đánh thức tiềm năng du lịch ở những nơi này sẽ phát huy và giáo dục được truyền thống yêu nước của cha ông ta để lại. Đắk Nông, Gia Lai là hai địa phương đang có những biện pháp tích cực thực hiện chủ trương này.

  • Nâm Nung - địa chỉ đỏ

Đắk Nông là tỉnh có bề dày truyền thống văn hóa và di tích cách mạng. Trong đó, quần thể di tích căn cứ kháng chiến Nam Nâm Nung đang được đánh giá là một điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch khi đến Đắk Nông. - - - - - - Quần thể di tích Nam Nâm Nung (thuộc khu căn cứ kháng chiến Nâm Nung) đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử quốc gia vào năm 2005.

Hoàng hôn trên khu Nam Nâm Nung. Ảnh: Ngọc Tâm

Nam Nâm Nung có diện tích hơn 30km², kéo dài từ phía Tây Bắc địa bàn xã Quảng Sơn (huyện Đắk Gl’ong) đến Lâm trường Đắk N’tao và Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung. Hầu hết rừng ở đây vẫn còn là nguyên sinh. So với Bắc Nâm Nung, động thực vật ở khu vực Nam Nâm Nung có phần phong phú hơn. Quần thể khu di tích này bao gồm Tỉnh ủy và Tỉnh đội Quảng Đức cũ. Khu căn cứ Tỉnh đội nằm ở phía Tây Nam Dình Dứa, dưới chân đồi Yok K’Lé Lay. Vành đai ngoài khu vực Tỉnh ủy hiện tại vẫn còn những vết tích hầm, hào hình chữ Z, bếp Hoàng Cầm và những dấu tích địa dư mà các chiến sĩ trước đây phát rẫy trồng màu (lúa, ngô, khoai, sắn...). Vào bên trong vành đai là trung tâm của Tỉnh đội (1968 - 1971), như một quần thể kết cấu của nhà và hầm nối tiếp nhau.

Từ trên đồi (phía Nam) đi xuống (theo hướng Bắc), khách tham quan sẽ được thấy vết tích hầm của Tỉnh ủy (có độ dài 2,5m, rộng 0,9m) và hầm làm theo kiểu chữ Z để tiện cho việc đi lại - một cửa vào và một cửa ra. Tiếp là căn nhà ở và làm việc giai đoạn 1968 - 1969 của đồng chí Bùi Đức Thành (Năm Nhân), và sau đó là đồng chí Nguyễn Văn Thanh - Tỉnh đội trưởng ở và làm việc giai đoạn 1969 - 1971. Từ căn cứ Tỉnh đội theo hướng Bắc khoảng 3,5km đường chim bay là tới căn cứ Tỉnh ủy thuộc khu vực suối Đắk Điên Clou, được bao bọc bởi 2 phụ lưu suối Đắk Điên Clou ở phía Bắc và Đông Nam. Khi đến nơi đây, khách tham quan sẽ được thấy nền nhà Tỉnh ủy nằm tựa lưng vào 2 tảng đá lớn phủ đầu rêu xanh bên lề con suối (phụ lưu phía Nam). Trước đây nhà là nơi ở và làm việc của đồng chí Trần Phòng (Bảy Biên) - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Đức, nền nhà có diện tích 12m², làm bằng gỗ, lợp lá mây hai mái, mặt hướng về phía Bắc.

Nằm về phía Tây Bắc khoảng 30m là căn hầm tự nhiên trong vách đá, phía trên hầm được phủ một tảng đá lớn, có sức chứa 8 - 10 người, mặt hầm hướng về phía Bắc nằm cạnh kề phụ lưu suối Đắk Điên Clou (nhánh phía Bắc) về hướng Đông chừng 50m, khách tham quan sẽ tận mắt nhìn thấy một ngọn thác nhỏ xinh xắn và thơ mộng, có độ cao 3,5 - 4m. Hội trường, nơi tổ chức Đại hội Tỉnh ủy tỉnh Quảng Đức lần thứ nhất (2-9-1969) nằm tựa lưng vào dòng chảy của thác.

Trong khung cảnh núi rừng Nam Nâm Nung hôm nay, ít ai ngờ nơi đây trong kháng chiến chống Mỹ lại là một căn cứ cách mạng nổi tiếng. Đến đây khách tham quan sẽ được tận mắt chứng kiến màu xanh ngút ngàn của núi rừng Tây Nguyên, được đắm mình trong những con suối, ngọn thác với dòng nước trong lành, mát mẻ, lúc này hình ảnh lịch sử như sống lại trước mắt du khách một thời hào hùng oanh liệt, di tích nằm lọt vào thảm rừng nguyên sinh, với những cây cổ thụ như ôm ấp và che chở các dấu tích của một thời lịch sử oai hùng. Nơi đây như một quần thể của sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và con người, du khách sẽ được hít thở không khí trong lành, tắm và vui đùa trên dòng thác, một khung cảnh hữu tình đầy chất thơ mà thiên nhiên ban tặng cho con người.

  • Làng Stơr anh hùng

Huyện K’bang (tỉnh Gia Lai), mảnh đất quê hương của anh hùng Núp, vị anh hùng dân tộc đã được ngợi ca trong lịch sử với tiểu thuyết nổi tiếng Đất nước đứng lên. Trước Cách mạng tháng 8-1945, Anh hùng Núp đã chỉ huy thanh niên làng Stơr đã tiêu diệt hàng trăm tên địch,… bằng những vũ khí đơn sơ như: chông tre, bẫy đá, cung tên…, nêu tấm gương sáng cho các dân tộc Tây Nguyên noi theo, đứng lên chống giặc ngoại xâm, gìn giữ quê hương, đất nước. Từ tháng 9-1950 đến tháng 2-1951, quân Pháp đã tổ chức 10 cuộc hành quân đánh lên làng Stơr, có lần (vào tháng 12-1950) chúng đã sử dụng tới một lực lượng gồm 400 quân vây quét, suốt lúa, phá rẫy, đốt làng, quyết phá cho được dấu tích làng Stơr. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng và thôn trưởng Đinh Núp, dân làng Stơr đã dựa vào núi rừng hiểm trở, tổ chức đánh bại nhiều cuộc càn quét của địch. Cuộc đời cách mạng của ông đã trở thành thiên anh hùng ca bất tử. Ông cũng là người Tây Nguyên đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, được bạn bè quốc tế mến phục.

Khu lưu niệm Anh hùng Núp ở làng Stơr. Ảnh: Đức Trung

Ngày 23-3-1993, làng Stơr (còn gọi là làng Kông Hoa, một mỹ từ trong tác phẩm Đất nước đứng lên) quê hương Anh hùng Núp, thuộc xã Tơ Tung (huyện Kbang) đã được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp bằng di tích lịch sử văn hóa: Làng Kháng chiến Stơr. Nơi đây đã được xây dựng một khu lưu niệm, để du khách hàng ngày đến tham quan, hiểu được quá trình chiến đấu kiên cường của đồng bào Tây Nguyên đối với thực dân xâm lược. Khu lưu niệm anh hùng Núp được xây dựng để tưởng nhớ những chiến công của ông. Ở đây có khá nhiều hình ảnh trực quan về cách đánh quân Pháp của người dân làng Kông Hoa cũng như là đồng bào Tây Nguyên. Khu lưu niệm là nơi cung cấp thông tin về anh hùng Núp cũng như những chiến công của ông trong suốt thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ. Có thể khẳng định hình ảnh của ông càng được nhiều người biết đến trong tiểu thuyết Đất nước đứng lên của nhà văn Nguyên Ngọc. Ông chính là người đã vận động và lãnh đạo các dân tộc Ba Na, Ja Rai, Ê Đê đứng dậy kháng chiến chống thực dân Pháp.

Khi nhắc đến lịch sử đấu tranh cách mạng của tỉnh Gia Lai, ai cũng phải nhớ địa danh “Krong”. Đó là nơi đứng chân của Tỉnh ủy Gia Lai suốt 20 năm tròn (1955 - 1975), nơi chứng kiến những quyết sách táo bạo cho Gia Lai toàn thắng. Từ trung tâm huyện Kbang, theo đường Đông Trường Sơn, du khách đi khoảng 50km là đến căn cứ của Tỉnh ủy Gia Lai ở xã Krong. Băng qua một con suối, mấy cánh đồng là đến nền nhà của trụ sở Tỉnh ủy cũ; còn đó bếp Hoàng Cầm, nhà kho, sân bóng chuyền… Đó là khu trung tâm, còn nguyên vùng căn cứ thì nằm trên phạm vi rất nhiều xã: Đắk Roong, Kon Pne, Lơ Ku... Từ xã Sơ Ró (huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai), cuối năm 1955, Tỉnh ủy Gia Lai quyết định chuyển căn cứ về đây để tiện cho hoạt động cách mạng vì địa thế phù hợp, có rừng dày đặc bao bọc tứ phía, lại giáp 2 tỉnh Kon Tum và Bình Định. Tại đây, “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, Tỉnh ủy Gia Lai đã hoạt động cho đến ngày giải phóng.

                                                                                           Theo; SGGP

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

26
Đang xem:
72.686.349
Tổng truy cập: